Vì sao Mỹ khó tấn công toàn diện Syria?

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Trong bối cảnh Nga và chính phủ của Tổng thống Assad đã kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Syria, và cục diện Syria về đã cơ bản được định hình, các hành động quân sự của Mỹ và đồng minh nếu có thực sự chỉ có ảnh hưởng giới hạn.

Mỹ-Nga triển khai ồ ạt khí tài quân sự tới Syria

Hiện tại, cụm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman và các tàu khu trục mang tên lửa của Mỹ đang rầm rộ tiến về Địa Trung Hải để sẵn sàng sử dụng vũ lực đối với Syria bất cứ khi nào cần thiết.

Trong đội hình có một chiếc tàu khu trục mang theo 60 quả tên lửa Tomahawk đã áp sát bờ biển của Syria hôm 9/4.

Trong khi đó, Hạm đội Biển Đen của Nga đã kéo còi cảnh báo trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Các lực lượng trên đất liền và lực lượng trên biển của Nga đã ở vào vị trí sẵn sàng đáp trả bất cứ cuộc tấn công bằng tên lửa nào của Mỹ và đồng minh.

Đặc biệt, tàu chiến LSTM Minsk 127 lớp Ropucha của Hạm đội Baltic Hải quân Nga đang được neo đậu tại căn cứ hải quân Tartus thuộc miền Tây Syria đã được chỉ định ở vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Ngoài ra, Nga cũng đang điều động nhiều tàu hải quân cỡ lớn thực hiện công tác vận chuyển vũ khí, hậu cần tới căn cứ không quân Hmeymim, căn cứ hải quân Tartus và cho cả quân đội chính phủ Syria.

Nhiều tàu cỡ lớn chở vũ khí của Nga cũng đã được điều động tới Syria và một tàu đổ bộ hải quân gần đây đã quá cảnh ở eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ khó tấn công toàn diện Syria

Các chuyên gia quân sự phân tích, một loạt các hành động này của Mỹ và đồng minh thực sự chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong bối cảnh cục diện Syria đã cơ bản được định hình.

Những vấn đề mà Tổng thống Trump phải đối mặt kể từ khi nắm quyền đến nay đối với cục diện Syria hiện tại khác xa hoàn toàn so với sự kiện vũ khí hóa học tại Syria lần thứ nhất năm 2003.

Xuyên suốt quá trình can thiệp của Mỹ vào Syria từ năm 2003 đến nay nhận thấy, dù là dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama hay đương kim Tổng thống Trump, nước Mỹ vẫn chỉ có một con bài duy nhất đó là: sử dụng tên lửa Tomahawk để tấn công. Và điểm khác biệt ở đây chỉ là số lượng tên lửa Tomahawk được sử dụng nhiều hay ít mà thôi.

Trước đó vào hạ tuần tháng 8/2013, Mỹ, Anh và đồng minh đã có kế hoạch bắn ít nhất 100 quả tên lửa Tomahawk vào Syria với ý đồ tập kích vào chính quyền Damascus bằng hình thức của một cuộc chiến tranh chớp nhoáng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chính quyền Tổng thống Obama cuối cùng đã tiến hành thỏa hiệp với Moscow, và kết quả là cuộc chiến chớp nhoáng đã không xảy ra.

Tới cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học tại Syria lần thứ 2 vào tháng 4/2017, lúc đó Tổng thống Trump chỉ sử dụng 59 quả tên lửa Tomahawk và phạm vi ảnh hưởng tới cục diện trên chiến trường Syria không đáng là bao.

Và trong quá trình chuẩn bị cho một cuộc tấn công Syria lần thứ 3 này, theo nhiều nguồn tin, các lực lượng của hải quân Mỹ cũng chỉ mang theo 60 quả Tomahawk.

Như vậy, xét về số lượng tên lửa mà hải quân Mỹ dự định nhằm vào Syria thì cũng không tăng là bao so với các lần trước.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, qua số lượng tên lửa Tomahawk mà ông Trump chuẩn bị sử dụng nhằm vào Syria cho thấy, nước Mỹ ngay từ khi bắt đầu dường như đã không tự tin và chưa hội đủ điều kiện chín muồi cho một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Syria.

Và điều này được chứng minh rõ nét nhất ngay cả trong trường hợp Nga và chính quyền Tổng thống Assad rơi vào thế bất lợi nhất hồi năm 2003. Lúc đó Mỹ cũng chưa dám chắc và chưa dám ra đòn tấn công toàn diện vào Syria.

Trong bối cảnh hiện tại Nga và chính quyền Tổng thống Assad đã kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Syria. Thế và lực của Nga và chính quyền Damascus hiện nay khác rất nhiều so với hồi năm 2003.

Vì vậy số phần trăm mà Mỹ và đồng minh giành thắng lợi nếu phát động cuộc chiến toàn diện hoặc cục bộ bằng tên lửa hay các hình thức khác nhằm vào Syria và các lợi ích của Nga tại Syria lần này là rất nhỏ, nếu không muốn nói là khả năng thất bại rất cao.

Hiện tại Nga đã điều động nhiều tàu chiến, tàu hậu cần và một loạt hệ thống phòng không tiên tiến nhất sang Syria bao gồm Hệ thống S-400, S-300 và Pantsir-S1. Đây là những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga được đưa tới Syria.

Quân đội Syria sau nhiều năm chiến đấu chống lại Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, và các lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm trong việc chống lại các đòn tấn công quân sự của Mỹ.

Hơn nữa, hiện tại thủ đô Damascus và các khu vực trọng điểm đều đã được bố phòng cẩn mặt bằng một lưới lửa phòng không hiện đại.

Các chuyên gia phân tích phán đoán, xét về tương quan lực lượng giữa Nga-Syria với Mỹ và đồng minh hiện nay, Mỹ và đồng minh chỉ có ưu thế về hải quân, trong khi đó Nga và chính phủ Syria có nhiều ưu thế về phòng không.

Do đó, nhiều chuyên gia tính toán rằng, Mỹ và đồng minh sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng nếu muốn tấn công vào Syria trong thời điểm hiện tại.

Vì sao Mỹ khó tấn công toàn diện Syria? ảnh 3 Khí tài quân sự dự kiến sẽ được các nước huy động nếu chiến tranh Syria nổ ra.
MỚI - NÓNG