Vì sao ông Kim Jong-un bất ngờ san sẻ quyền lực, bà Kim Yo-jong có phải người thừa kế?

Ông Kim Jong-un và bà Kim Yo-jong. Ảnh: AP
Ông Kim Jong-un và bà Kim Yo-jong. Ảnh: AP
TPO - Cách đây vài ngày, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) báo cáo với các nghị sĩ nước này rằng ông Kim Jong Un đã giao bớt quyền lực cho em gái. Việc này củng cố thêm suy luận rằng bà Kim Yo-jong là “nhân vật quyền lựa thứ 2”, trong khi ông Kim vẫn giữ quyền lực tối cao.

Bà Kim, theo đó, được cho là đã nhận nhiệm vụ phụ trách chính sách đối ngoại với Mỹ, Hàn Quốc và một số vấn đề chung khác.

Ngoài bà Kim, Chủ tịch Triều Tiên được cho là còn chia sẻ quyền lực với nhiều phụ tá thân cận khác.

Cụ thể, Pak Pong-ju - Phó chủ tịch Ủy ban Quốc vụ và tân Thủ tướng Kim Tok-hun đã được trao quyền kiểm soát lĩnh vực kinh tế.

Về quân sự, Choe Pu-il - người phụ trách quân sự của Ủy ban Trung ương Đảng và ông Ri Pyong-chol, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương nhận trách nhiệm quản lý một phần.

NIS cho biết việc phân tán quyền lực được tiến hành nhằm giảm bớt áp lực cho ông Kim, và nhằm xác định người chịu trách nhiệm trong trường hợp chính sách thất bại.

Đáng chú ý, NIS cũng phủ nhận việc ông Kim gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Ông Jeong Se-hyun, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn thống nhất quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết những động thái gần đây của ông Kim Jong-un thể hiện sự tự tin của nhà lãnh đạo trẻ tuổi, cũng như sự thay đổi trong cách lãnh đạo đất nước.

“Cái gọi là vấn đề về sức khỏe thực chất chỉ là những gì được vẽ nên bởi giới truyền thông”, ông Jeong nói. “Thực chất, ông Kim Jong-un đang rất tự tin. Quyền lực của ông Kim giờ đã được phân tán cho 4 người chủ chốt: bà Kim về chính sách đối ngoại với Hàn Quốc-Mỹ, ông Pak Pong-ju về kinh tế, ông Choe Pu-il về quân sự và ông Ri Pyong-chol về phát triển vũ khí chiến lược.”

Vì sao ông Kim Jong-un bất ngờ san sẻ quyền lực, bà Kim Yo-jong có phải người thừa kế? ảnh 1

Các chuyên gia cho rằng ông Kim không hề gặp vấn đề về sức khỏe. Ảnh: KCNA

Ông Yang Moo-jin, một Giáo sư ở Seoul cũng cho rằng động thái mới nhất của ông Kim Jong-un là nhằm chia sẻ trách nhiệm chứ không phải nhượng bộ, nhất là khi Triều Tiên đang phải đối mặt với nhiều thách thức: đại dịch COVID-19, thiệt hại do lũ lụt và các biện pháp trừng phạt quốc tế.

“Điều này cho thấy ông Kim vẫn đang nắm quyền và hệ thống chính trị của ông đang ổn định. Nếu không tự tin thì sao ông Kim có thể trao trách nhiệm cho người khác?”, ông Yang nói.

Một chuyên gia khác nhấn mạnh rằng việc chia sẻ quyền lực là một phần trong chiến lược quản lý của ông Kim đối với các quan chức cấp cao nhằm đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế.

Hôm thứ Năm tuần trước, ông Kim đã thừa nhận rằng nền kinh tế Triều Tiên đang gặp khó khan do “các lý do bên trong và bên ngoài”. Đảng Lao động cầm quyền sẽ triệu tập đại hội vào năm tới để công kế hoạch bố 5 năm về kinh tế.

Lim Eul-chul, Giáo sư Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam cho biết: “Ông Kim rất thông minh, và ông ấy biết rằng để đạt được các mục tiêu đã nêu, thì ông ấy phải quản lý hiệu quả các quan chức cấp cao.”

Còn theo NIS, bà Kim Yo-jong đang nắm giữ vai trò ngày càng lớn ở Triều Tiên và có thể được xem là “nhân vật quyền lực số 2”, song Chủ tịch Triều Tiên vẫn chưa chọn ra người kế nhiệm.

“Thuật ngữ nhân vật quyền lực số 2 là không phù hợp, bởi nó không nằm trong hệ thống lãnh đạo của Triều Tiên. Nhờ mối quan hệ ruột thịt với ông Kim mà từ ngoài nhìn vạo, bà Kim Yo-jong có thể được xem là nhân vật quyền lực số 2 ở Triều Tiên, nhưng điều này không có nghĩa bà Kim Yo-jong sẽ được chọn làm người kế nhiệm”, ông Hong Min – nhà nghiên cứu thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc nhận định.

Theo Theo Korea Herald
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.