Vì sao Trung Quốc muốn thử vắc-xin COVID-19 ở nước ngoài?

Một nhà khoa học Trung Quốc đang làm việc với vắc-xin phòng virus corona mới (Ảnh: Xinhua)
Một nhà khoa học Trung Quốc đang làm việc với vắc-xin phòng virus corona mới (Ảnh: Xinhua)
TPO - Trung Quốc hy vọng sẽ tiến hành thử nghiệm vắc-xin COVID-19 ở nước ngoài khi các nhà khoa học nước này triển khai thử nghiệm quy mô lớn để kiểm tra hiệu quả. 

Các nhà khoa học Trung Quốc điều chế một loại vắc-xin và kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 sẽ được công bố và cuối tháng này. 

Chen Ling, một nhà nghiên cứu virus tại Phòng thí nghiệm bệnh hô hấp State Key, nói rằng giai đoạn thử nghiệm thứ hai và thứ ba sẽ cần hàng ngàn người tham gia và việc tiến hành ở các nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất sẽ giúp thử nghiệm diễn ra nhanh hơn và mang lại kết quả chính xác hơn. 

“Chúng tôi đã khống chế virus quá nhanh, nên giờ chúng tôi không có đủ ca bệnh để thử nghiệm vắc-xin nữa”, ông Chen nói với báo SCMP. 

“Ví dụ, nếu chúng tôi thử nghiệm 10.000 người nhưng kết quả cho thấy chỉ 100 người có thể khả năng miễn dịch thì tỷ lệ 0,01% đó không đủ để chứng minh vắc-xin có thể sử dụng với những người bình thường”, ông giải thích.

Chen Wei, một chuyên gia dịch vễ và virus hàng đầu tại Viện khoa học quân y Trung Quốc, nói với báo China Daily rằng nếu kết quả ban đầu chứng minh vắc-xin an toàn và mang lại tác dụng mong muốn, Trung Quốc sẽ tìm cách thử nghiệm hiệu quả của vắc-xin ở nước ngoài nếu đại dịch toàn cầu tiếp tục lây lan.

Bà Chen được China Daily dẫn lời nói rằng nhiều nước đã bày tỏ quan tâm tới việc hợp tác với nhóm của bà để thử nghiệm vắc-xin tái tổ hợp, loại sử dụng virus hoặc vi khuẩn vô hại để đưa vật liệu gien của mầm bệnh vào cơ thể để kích hoạt cơ chế miễn dịch. Nhưng bà không cho biết có những quốc gia nào đã đề nghị hợp tác. 

Dịch COVID-19 bùng lên từ Vũ Hán rồi lan khắp toàn cầu, cho đến nay đã khiến hơn 45.000 người chết và ít nhất 900.000 người mắc bệnh. 

Tổng số ca mắc ở Italy, Tây Ban Nha và Mỹ giờ đã vượt con số báo cáo của Trung Quốc. 

Tao Lina, một chuyên gia về vắc-xin ở Thượng Hải, nói rằng tốt hơn nên thực hiện thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ở những nước đó hoặc các nước phát triển khác như Anh và Đức, những nơi có trình độ khoa học cao. 

Tao, cựu quan chức làm việc tại Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Thượng Hải, nói rằng Mỹ khó có khả năng muốn hợp tác với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có thể làm việc với những nước có dịch nghiêm trọng khác như Anh. 

Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên bắt đầu ở Vũ Hán từ ngày 16/3, với 108 tình nguyện viên được tiêm vắc-xin.

Thử nghiệm được tiến hành 1 ngày sau khi Viện Y tế quốc gia Mỹ thông báo thực hiện thử nghiệm lâm sàng vắc-xin do Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia phối hợp với một công ty công nghệ sinh học điều chế. 

Không chỉ lực lượng nghiên cứu dân sự khắp thế giới, các nhà khoa học quân sự Mỹ cũng đang tham gia phát triển vắc-xin phòng virus corona mới.

Nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Chenming nói rằng điều lý tưởng nhất là các nhà khoa học Mỹ hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc để cùng phát triển vắc-xin. 

“Vũ khí lợi hại nhất để chống đại dịch là sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, gạt đi những bất đồng về chính trị”, SCMP dẫn lời ông Zhou. 

“Giờ thì toàn bộ thế giới, không riêng Mỹ hay Trung Quốc, đang đối mặt với kẻ thù chung: COVID-19”, ông Zhou nói. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.