Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc thông qua luật Cảnh sát biển

Một tàu hải cảnh Trung Quốc
Một tàu hải cảnh Trung Quốc
TPO - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vừa cho biết quan điểm của Việt Nam về việc  Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát biển nước CHND Trung Hoa vào ngày 22/1.

Bà Hằng khẳng định, trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc qia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.

"Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông", bà Hằng nói.

Luật Cảnh sát biển của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để ngăn chặn các nguy cơ đến từ tàu thuyền nước ngoài, bao gồm việc dỡ bỏ các cấu trúc mà các nước khác xây trên các bãi ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Theo luật này, cảnh sát biển của Trung Quốc có quyền sử dụng vũ khí đối với các tàu nước ngoài được cho là vi phạm vào "vùng biển của Trung Quốc" trong hai trường hợp: trong tình huống khẩn cấp hoặc khi các lời cảnh báo của Trung Quốc (như yêu cầu dừng tàu và cho cơ quan chức năng của Trung Quốc lên tàu kiểm tra) bị phớt lờ.

Khái niệm "vùng biển của Trung Quốc" là một khái niệm gây tranh cãi. Trung Quốc chỉ có các tuyên bố chung chung về các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình nhưng chưa từng nêu phạm vi địa lý cụ thể của các vùng biển này.

Luật này gây lo ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước khu vực mà còn đối với các nước cùng sử dụng Biển Đông, Biển Hoa Đông, do việc Trung Quốc thực hiện dự luật sẽ đe doạ tính mạng và tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải qua khu vực Biển Đông.

Ngày 27/1, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết nước này đã gửi phản đối ngoại giao đến Trung Quốc về việc thông qua Luật cảnh sát biển. Philippines gọi bước đi này là “đe doạ chiến tranh”.

MỚI - NÓNG