Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU)

Việt Nam nỗ lực thực chất

Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp dữ liệu liên quan tàu cá, bao gồm đăng ký, giấy phép, nhật trình, phần mềm đồng bộ được sử dụng ở 8 tỉnh duyên hải. Ảnh: J.B.
Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp dữ liệu liên quan tàu cá, bao gồm đăng ký, giấy phép, nhật trình, phần mềm đồng bộ được sử dụng ở 8 tỉnh duyên hải. Ảnh: J.B.
TP - GS James Borton, thành viên cấp cao Trung tâm Stimson, giảng viên Đại học Nam Carolina (Mỹ), gần đây có nhiều chuyến đi thực tế tới Việt Nam, trực tiếp trò chuyện với ngư dân Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Cần Thơ… Ông gửi cho Tiền Phong bài viết về các vấn đề liên quan IUU.

Hình mẫu cho các nước ASEAN

Ngành đánh bắt hải sản của Việt Nam đã và đang áp dụng những biện pháp “chạy nước rút” để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Trong tiến trình này, Việt Nam có thể làm gương cho các nước ASEAN khác.

Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu rút “thẻ vàng” cảnh báo Việt Nam về nguy cơ bị coi là một quốc gia bất hợp tác trong vấn đề IUU. Theo Ủy ban châu Âu, Việt Nam hành động chưa đủ để phòng chống nạn đánh bắt cá trái phép, cần thiết lập hệ thống xử phạt hiệu quả, cần kiểm soát tốt hơn việc đưa cá vào bờ, chế biến trước khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU). Việc rút “thẻ vàng” cảnh báo không bao hàm biện pháp gây ảnh hưởng tới thương mại. Nếu tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định ở Việt Nam giảm bớt trong một khoảng thời gian hợp lý, “thẻ vàng” sẽ được thay bằng “thẻ xanh” và ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ xuất hiện nếu tình hình không được cải thiện.

“Hệ thống thẻ EU để loại bỏ đánh bắt trái phép đang thể hiện sức mạnh thực sự của nó và lý do rất đơn giản. Các nước đều sợ rằng, “thẻ đỏ” - hình phạt cuối cùng - sẽ đem lại những rủi ro đáng kể và việc trừng phạt tài chính nhiều khả năng là rất khắt khe”, ông Tony Long, chuyên gia cấp cao tại Viện Quản trị toàn cầu (trụ sở tại Brussels, Bỉ), cựu giám đốc Văn phòng Chính sách châu Âu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), nhận định.

Không có giải pháp đơn giản nào ép buộc được ngành đánh bắt hải sản hoặc người tiêu dùng giảm sự thèm muốn của họ đối với tôm cá. Nhưng với dân số châu Á ngày càng tăng, việc đánh bắt quá mức sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản khắp các đại dương. Gần 90% ngư trường trên thế giới đã bị khai thác hết công suất, nguy cơ về an ninh lương thực sẽ xuất hiện ở một số khu vực.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), mỗi năm có khoảng 11-26 triệu tấn cá, tức 15% tổng lượng đánh bắt toàn cầu, bị đánh bắt trái phép. Với tư cách là nhà nhập khẩu cá lớn nhất thế giới, EU không muốn đồng lõa với cách thức đánh bắt không bền vững này. Kể từ năm 2012, Ủy ban châu Âu có những đối thoại chính thức với một số nước, đưa ra cảnh báo “thẻ vàng”. Khi tình trạng IUU được cải thiện đáng kể, Ủy ban châu Âu có thể chấm dứt đối thoại hoặc chuyển “thẻ vàng” thành “thẻ xanh”. Khi không có hoặc có rất ít sự cải thiện, “thẻ đỏ” được rút ra và điều đó đồng nghĩa với việc EU từ chối nhập khẩu hải sản.

Đánh bắt hải sản là một ngành mũi nhọn của kinh tế Việt Nam và từ năm 2006, Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Ngành thủy sản của Việt Nam được coi là một trong những ngành thủy sản lớn nhất thế giới, cùng với Mỹ, Trung Quốc và Na Uy. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vượt ngưỡng 8 tỷ USD vào năm 2017.

Những nỗ lực thực chất

Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam, VASEP đã yêu cầu tất cả đơn vị liên quan có những hành động cụ thể để cân bằng chính sách ngư nghiệp và khả năng đánh bắt. Tháng 11/2017, Quốc hội Việt Nam  thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi), trong đó có những điều khoản, quy định về IUU. Tháng 12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ngày càng nhiều công ty thủy sản Việt Nam cam kết tuân thủ các quy định để đảm bảo phát triển bền vững.

Chính phủ Việt Nam đã ra nhiều nghị định, chỉ thị, bổ sung các quy định liên quan IUU, tăng cường thực thi những quy định đó, tổ chức các buổi hội thảo, khóa bồi dưỡng cho ngư dân, tăng cường hợp tác với các nước ven biển, các đảo quốc để phòng chống đánh bắt IUU, đối thoại thường xuyên với EU về các nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý ngư nghiệp…

Rõ ràng, việc tăng cường bảo tồn biển, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là cần thiết; tất cả các bên trên thế giới đều nhận thấy tầm quan trọng của việc này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, nói.

Việt Nam nhận thấy đây không chỉ là vấn đề của riêng mình. Ước tính, 10 nước thành viên ASEAN chiếm 1/10 sản lượng hải sản toàn cầu. Có tới 6 nước ASEAN nằm trong tốp 15 nhà sản xuất hải sản lớn nhất thế giới, trong đó Indonesia đứng thứ hai. Ngành này đem lại hơn 100 triệu việc làm cho tổng dân số ASEAN hơn 600 triệu. ASEAN có hơn 10 triệu ngư dân.

Châu Á có hơn 3,5 triệu tàu cá, chiếm 75% tổng số tàu cá của thế giới. Tình trạng vi phạm quy định đánh bắt và cạnh tranh khai thác tài nguyên biển gia tăng.

Việt Nam đã có chủ động có biện pháp xử lý, bao gồm đưa các quan sát viên, nhiều người trong số họ từng là thuyền trưởng tàu cá, lên các tàu thương mại để hoàn thiện việc giám sát đánh bắt.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn việc thành lập một hệ thống quốc gia để quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển Hòn Mun ở vịnh Nha Trang, Cù lao Chàm ở tỉnh Quảng Nam và Phú Quốc ở tỉnh Kiên Giang. Những nơi như vậy ngày càng chứng tỏ Việt Nam có chiến lược quản lý ngư nghiệp đúng đắn, hiệu quả.

Ngoài ra, các thuyền trưởng tàu cá được khuyến khích, được yêu cầu viết và lưu giữ nhật trình đánh bắt để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, nếu không có thể bị phạt hơn 2.000 USD và bị thu hồi giấy phép đánh bắt thương mại.

Việt Nam đơn giản là không muốn lặp lại sai lầm của Thái Lan - nơi có nhiều tàu cá không được đăng ký, nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Việt Nam cũng không muốn sa vào vết xe đổ của Campuchia - nhận “thẻ đỏ” từ EU và không thể xuất khẩu tôm cá.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.