Vũ khí bị cướp có thể rơi vào tay khủng bố

Vũ khí bị cướp có thể rơi vào tay khủng bố
TP - Giới phân tích an ninh thế giới lo ngại cuộc nổi dậy ở Libya sẽ gây ra hiểm họa lâu dài vì vũ khí bị cướp từ kho của chính phủ có thể phát tán rộng rãi, rồi lọt vào tay khủng bố để chúng tấn công dân thường.

> Những lao động Việt Nam tá túc tại biên giới Tunisia
> Tại biên giới Libya

Quân nổi dậy Libya mang tên lửa vác vai SA-7 (trái) và súng phóng lựu (phải) Ảnh: Tyler Hicks
Quân nổi dậy Libya mang tên lửa vác vai SA-7 (trái) và súng phóng lựu (phải).
Ảnh: Tyler Hicks.

Những bức ảnh và video chụp các nhóm nổi dậy cho thấy dân chúng sử dụng nhiều vũ khí được trang bị cho quân đội Libya, như tên lửa đất đối không SA-7, tên lửa vác vai cùng loại với Stinger - loại vũ khí mà các cơ quan tình báo lo ngại vì từng bị dùng để bắn máy bay dân sự.

Thất thoát nhiều

Ảnh và video cho thấy nhiều nhóm thanh niên được trang bị nhiều loại vũ khí như súng trường, súng máy, súng bắn lựu đạn, tên lửa chống tăng…

Giới tình báo và quân sự nhiều nước đặc biệt quan ngại về tên lửa tầm nhiệt Manpad vì loại này sẽ gây hậu quả khôn lường nếu rơi vào tay quân nổi dậy hoặc khủng bố ngoài lãnh thổ Libya. “Cơ quan tình báo của Mỹ và các nước khác nên ưu tiên nhiệm vụ bảo đảm sự an toàn của tên lửa tầm nhiệt Manpad”, Matthew Schroeder, Giám đốc Dự án Giám sát buôn bán vũ khí (Mỹ), nói.

Những vũ khí được lôi ra từ nhà kho những ngày gần đây cho thấy, dù chịu sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế, chính quyền của Tổng thống Libya, Đại tá Moammar Gadhafi, đã mua sắm nhiều vũ khí để trang bị cho quân đội và lấp đầy kho đạn dược dự trữ.

Những vũ khí này được mua từ nhiều nguồn khác nhau. Có loại được sản xuất nửa thế kỷ trước, có loại mới được làm ra ở Nga. Những loại khác có nguồn gốc Romania, Hungaria, Trung Quốc…

Mỗi khẩu súng trường ở châu Phi được bán với giá vài trăm USD. Ở Libya, loại vũ khí này còn mới nên có giá cao, khiến người sở hữu có động lực lớn để bán chúng ra thị trường chợ đen sau khi giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy kết thúc.

Loại tên lửa tầm nhiệt Manpad rất khó mua và có giá rất cao. Vì thế, giới chuyên gia lo ngại các tổ chức khủng bố sẽ cố săn lùng loại vũ khí này nếu biết nó có nhiều ở Libya.

Vũ khí bị cướp có thể rơi vào tay khủng bố ảnh 2

Dân thường thành nạn nhân

Những bài học trong quá khứ cho thấy, vũ khí bị mang khỏi kho của nhà nước ra chợ đen rồi bị bán cho những tổ chức, quốc gia khác thường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Những kẻ khủng bố ở Kenya năm 2002 phóng hai tên lửa bắn rơi chiếc máy bay của Israel chở 271 người.

Một máy bay dân sự của hãng Air Rhodesia (Zimbabwe) bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không SA-7 vào năm 1979, khiến 59 người thiệt mạng. Những vụ tấn công tương tự cũng xảy ra ở Angola, Sudan, cướp đi mạng sống của nhiều dân thường. Năm 1994, máy bay chở Tổng thống của Burundi và Rwanda bị trúng tên lửa Manpad, khiến hai vị lãnh đạo mất mạng.

Ngay cả khi Manpad không được sử dụng, chúng cũng dẫn đến nhiều thiệt hại kinh tế, vì các hãng hàng không có thể không hoạt động trên những chặng bay có nguy cơ bị khủng bố tấn công, Eric Berman, Giám đốc điều hành của Chương trình Khảo sát vũ khí nhỏ ở Geneva (Thụy Sĩ), nói.

Nếu vụ xung đột ở Libya trở thành chiến tranh lâu dài, hai bên sẽ nhập thêm vũ khí để trang bị cho lực lượng của mình. Khi xung đột qua đi, nhiều loại vũ khí sẽ được phân tán cho nhiều đối tượng, ông Berman. Những năm 1990, vũ khí ở Albania trở thành một loại hàng hóa, và những băng nhóm buôn lậu có tổ chức nhanh chóng hình thành để buôn bán loại hàng nóng này.

Giới phân tích cho rằng, hiện nay không thể làm gì nhiều để kiểm soát tình hình vũ khí ở Libya, nhưng hy vọng chính phủ nước này đã lưu hồ sơ chi tiết về số thứ tự các loại vũ khí, để sau này có thể xác định chính xác vũ khí nào bị mất, rồi lên chương trình tìm kiếm khi xung đột qua đi.

Thái An
The New York Times, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG