Wikileaks và chân dung 'người hùng tin tặc' Julian Assange

Wikileaks và chân dung 'người hùng tin tặc' Julian Assange
TPO - Robin Hood của giới tin tặc hay nhà hoạt động xã hội, người mà người ta muốn ngăn cản bằng mọi giá. Các nhà bình luận trên toàn thế giới đánh giá ông Julian Assange- người sáng lập trang rò rỉ thông tin quốc tế Wikileaks- giữa hai thái cực trên.
Wikileaks và chân dung 'người hùng tin tặc' Julian Assange ảnh 1

Ông Assange, người tuyên truyền đòi hỏi sự minh bạch các thông tin về hoạt động của các chính phủ và các tập đoàn lớn. Cuộc đời ông cũng đầy bí ẩn và những điều ngạc nhiên giống những tài liệu mà Wikileaks đã đưa ra công luận. Chúng ta không biết nhiều về Assange, vì ông không nói về đời tư, ít khi trả lời phỏng vấn. Lịch sử cuộc đời ông ta chỉ được biết qua những tìm tòi của giới báo chí.

Một điều chắc chắn, vị tin tặc với mái tóc bạc trắng được sinh ra tại Queensland- Úc, khoảng đầu những năm 1970- vì chính ông ta không bao giờ tiết lộ chính xác ngày tháng năm sinh của mình- như ông nói” hãy để mọi người dò đoán”.

Thời thơ ấu của Assange trôi đi cùng với đoàn hát rong gia đình chu du khắp nước Úc. Ông đã từng học ở 30 trường khác nhau và thày giáo tư.

Một bước ngoặt lớn xảy ra lúc  Assange chừng 10 tuổi, khi mẹ ông chia tay người bạn đời lúc đó- một nhà tình báo có nhiều ảnh hưởng tại Úc. Mẹ ông sợ người đàn ông đó lấy mất con của mình nên đã đem con lẩn trốn suốt thời kì cậu bé 11-16 tuổi.

Ngay từ khi đó Assange đã bắt đầu quan tâm tới máy tính- sau này thành niềm đam mê. Ông đã nổi tiếng như một nhà lập trình và sau là một hacker có hạng. Cùng các bạn của mình ở Melbourne ông đã đột nhập vào các máy chủ của NASA và bộ quốc phòng Mỹ, nhưng không gây thiệt hại gì. Vì thế trong các vụ tố tụng sau đó chỉ bị phạt tiền nhưng không bị tù.

Mục đích của Assange khi đột nhập vào các hệ thống bí mật chính là muốn nhìn vào một thế giới mà những người dân thường hoàn toàn không biết đến. Theo tự thú của ông, động cơ của hành động này là việc muốn biết sự thật không bị bóp méo- điều khởi tạo cảm hứng cho việc xây dựng cổng tin Wikileaks sau này.

Câu chuyện Wikileaks

Có một thời gian, Assange đã thử tập trung học tập thay cho những đam mê bởi thách thức trí tuệ mà hoạt động tin tặc mang lại. Ông đã đăng kí vào khoa vật lí trường đại học Melbourne, nhưng công việc tìm hiểu bí mật vũ trụ không đáp ứng thỏa đáng. Trong những năm đại học, nhận thức về „mưu mô cấu kết chính quyền „ ngày càng hình thành rõ nét trong ông. Điều này được phân tích kĩ lưỡng trong một bài luận năm 2006 của ông, có tựa đề "Mưu mô cấu kết hay là điều hành chính quyền” .

Theo lí thuyết của ông, yếu tố sống còn của các chính phủ hợp pháp là việc "cấu kết”, hay là "cố tình" che giấu thông tin gây thiệt hại cho người dân. Việc rò rỉ thông tin mật sẽ gây rối loạn các quan hệ không lành mạnh dẫn tới sự sụp đổ của những âm mưu cấu kết.

Trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ Sydney Morning Herald, ông tóm lược mục tiêu của mình: ” hãy tưởng tượng một thế giới, nơi các chính phủ và các tập đoàn chỉ phục vụ lợi ích chung.Thay vì che đậy, các hoạt động được công khai hóa hoàn toàn. Điều này có tốt hơn không?”

Năm 2006 Assange bắt đầu thử nghiệm ý tưởng của mình vào thực tế, đầu tiên ông làm một mình, sau đó cùng sự giúp đỡ của một số bạn học. Và họ đã tạo ra hệ điều hành cổng tin Wikileaks- theo Assange, hệ thống này an toàn hơn bất cứ mạng lưới ngân hàng nào.

Các máy chủ trung tâm của Wikileaks được đặt tại Thụy Điển- dựa vào luật pháp nghiêm ngặt tại đó bảo vệ nguồn tin của các nhà báo điều tra. Đầu tiên các tài liệu được tải lên ở đây và sau đó chuyển tiếp tới các máy chủ khác đặt tại các điểm khác nhau trên thế giới – những nơi được pháp luật bảo hộ.

Cuối cùng những thành viên đáng tin cậy nhất của Wikileaks sẽ lưu trữ các tin này trong hệ điều hành của mình. Điều quan trọng là cổng tin này được bảo vệ hoàn toàn về mặt pháp lí và các tấn công mạng khác. Cho tới nay kế hoạch này luôn thành công, hơn 100 cuộc tấn công pháp lí đối với họ đã thất bại.

Wikileaks và chân dung 'người hùng tin tặc' Julian Assange ảnh 2

Giống trang web của mình, bản thân Assange cũng không thể nắm bắt được - không có hộ khẩu thường trú, liên tục di chuyển và quản lí công việc trên toàn thế giới. Ông thường ngủ ở khách sạn, trên tàu hỏa hay chỗ người quen- mỗi khi có khả năng thả mình vào giấc ngủ.

Chính vì thế Wikileaks không có trụ sở. Trong những vụ rò rỉ tin lớn, những người giúp đỡ tình nguyện dựng lên „lô cốt „ tạm thời cho ông. Ví dụ vụ cuốn băng video về Iraq (có cảnh binh sĩ Mỹ vừa cười hô hố vừa xả súng từ máy bay trực thăng giết hại 12 dân thường, trong đó có hai nhà báo của hãng Reuters hồi 4/2010) Assange đã ẩn náu tại một nhà trọ ở Island. Vụ 90 nghìn tài liệu mật về cuộc chiến Afganistan, đại bản doanh tạm thời của Wikileaks là một câu lạc bộ báo chí tại London.

Yêu cầu cơ bản của Wikileaks là sự bất ngờ, không thể đoán trước được. Vì sự rò rỉ thông tin nhạy cảm Assange và các đồng nghiệp rất dễ bị rơi vào tầm ngắm của các cơ quan mật vụ.

Những thiệt hại đi kèm

Cổng tin bắt đầu hoạt động năm 2006 bằng việc rò rỉ kế hoạch cảm tử của các phiến quân Xô ma li. Thông tin gây tiếng vang đầu tiên là việc lật tẩy các vụ tham nhũng của chính quyền Kenya và trở thành chủ đề trung tâm xoay quanh bầu cử tổng thống năm 2007, làm thay đổi kết quả bầu cử. Bản thân Assange cũng công nhận rằng, khi ấy vụ này đã làm trầm trọng hơn không khí chung vốn đã căng thẳng ở Kenya trước khi bầu cử, dẫn đến bạo loạn. Theo ước tính, hơn 1000 người đã thiệt mạng và ít nhất 350 nghìn người mất nhà cửa trong các cuộc bạo loạn trên.

Khi tờ báo uy tín của Anh- The Guardian phỏng vấn về những hậu quả tiêu cực và không thể đoán trước được của việc rò rỉ tin, Assange nói: ” Chúng ta phải bắt đầu bằng sự thật. Chỉ có hiểu biết về sự thật mới giúp chúng ta có thể đến được mọi nơi, bởi vì sự dối trá và sự kém hiểu biết dẫn đến những kết luận sai”.

Theo Assange, Wikileaks cố gắng lọc các thông tin có thể gây nguy hiểm cho người vô tội trước khi đưa các tài liệu này ra công luận. Tuy nhiên việc rò rỉ hơn 90 nghìn tài liệu mật về cuộc chiến Afganistan đã thể hiện những hạn chế của cố gắng này. Thật vậy, tờ The Times của Anh cũng cho biết hàng chục tên tuổi của người cung cấp tin Afganistan đã được tìm thấy trong các tài liệu mật mà Wikileaks đã tung lên mạng. Nếu đúng như vậy cuộc sống và gia đình của những người Afganistan này đang bị nguy hiểm. Người phát ngôn của Taliban tuyên bố đã bắt đầu kiểm tra các tài liệu để xác định nguồn cung cấp tin. Sự trừng phạt đối với những kẻ „ phản bội” và gia đình họ có thể là bị chặt đầu nơi công cộng.

Wikileaks cũng nhận ra hiểm họa này, chính vì thế 15 nghìn tài liệu vẫn được giữ lại chưa công bố. Một điều bây giờ mới sáng tỏ là trong hàng chục nghìn tài liệu được rò rỉ, chỉ có 2000 tài liệu đã qua kiểm tra kĩ lưỡng bởi đội ngũ vài trăm cộng sự của Wikileaks. Những tài liệu còn lại họ chỉ dựa theo xếp hạng của quân đội Mỹ. Assange đã biện bạch trong chương trình của đài truyền hình MS NBC( Mỹ) rằng nếu còn các thông tin gây nguy hiểm cho các nguồn tin Afganitan( trong các tài liệu đã công bố) là do việc xếp hạng tồi của quân đội Mỹ.

Khi được hỏi về trách nhiệm của mình trong việc gây nguy hiểm cho những nguồn tin Afganistan, ông Assange lí luận: mục đích của „rò rỉ” là thúc đẩy kết thúc chiến tranh- một cuộc chiến cướp đi hàng trăm mạng dân thường mỗi tuần. Nếu vì lỗi của họ mà một số người dân Afganistan gặp nguy hiểm, có thể coi đó là tổn thất đi kèm.

Như vậy cuộc chiến của đội „du kích” thông tin này không chỉ nguy hiểm đối với các chính quyền đang tìm cách giấu nhẹm thông tin. Câu hỏi đặt ra là xét về mặt tổng thể những rò rỉ này mang lại ích lợi hay gây hại nhiều hơn.

Những câu hỏi mang tính đạo đức này trước mắt không cản trở Wikileaks- theo một số nguồn tin: không bao lâu nữa các video bí mật về cuộc tấn công 2009 của Mỹ tại một làng Afganistan đã cướp đi sinh mạng của 140 người dân sẽ được đăng tải.

Những cột mốc trong lịch sử WikiLeaks:

- Tháng 8/2007, WikiLeaks cho rò rỉ những thông tin về các vụ tham nhũng của chính quyền cựu tổng thống Kenya, Daruel arap Moi- theo Assage: gây đảo lộn kết quả bầu cử năm 2007 của nước này.

- Tháng 11/2007, công bố cuốn sách hướng dẫn nội bộ của nhà tù Guantanamo- trong đó có thể thấy quân đội Mỹ đã giấu tung tích một số tù nhân trước hội Chữ Thập Đỏ thế giới, hay đã dùng chó để làm khiếp sợ các tù nhân.

- Tháng 11/2009 công bố hàng ngàn thư riêng của các nhà nghiên cứu khí hậu thuộc trường đại học University of East England- được coi là một "Climategate”. Những lá thư này dường như đặt câu hỏi nghi ngờ về độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu khí hậu.

- Tháng 07/2009 công bố tài liệu mật của ngân hàng Kaupthing( Iceland), theo đó ngân hàng này đã tính đến sự sụp đổ tài chính vì thế bắt đầu chuyển tài sản ra nước ngoài trước khủng hoảng.

- Tháng 04/2010 công bố video về cuộc tấn công từ máy bay trực thăng Mỹ vào dân thường Iraq tại Bagdad. 12 người thiệt mạng, trong đó có hai nhà báo của Reuters.

- Tháng 07/2010 công bố hơn 90 nghìn tài liệu mật về cuộc chiến của Mỹ tại Afganistan gây chấn động thế giới.  

Phan Bình
Theo Index

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.