Mỹ:

Xả súng kinh hoàng, cực hữu nguy hiểm hơn cả thánh chiến

 Một người giương biểu ngữ phản đối bạo lực tại quảng trường Times Square, New York sau vụ xả súng ở Charlottesville, Virginia năm 2017 Ảnh: Business Insider/Reuters
Một người giương biểu ngữ phản đối bạo lực tại quảng trường Times Square, New York sau vụ xả súng ở Charlottesville, Virginia năm 2017 Ảnh: Business Insider/Reuters
TP - Tính đến vụ xả súng giết người hàng loạt trong một cửa hàng Walmart ở El Paso, bang Texas tuần trước, những kẻ cực hữu trên đất Mỹ đã giết nhiều người hơn cả những kẻ “thánh chiến” kể từ cuộc khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001.

Theo tổ chức nghiên cứu phi đảng phái New America, những kẻ “thánh chiến” tính tới nay đã giết hại 104 người trong lãnh thổ nước Mỹ kể từ sau vụ 11/9, trong khi các vụ khủng bố với khuynh hướng cực hữu đã làm thiệt mạng 109 người.

Năm 2018, những kẻ cực hữu đã giết nhiều người hơn bất cứ năm nào kể từ vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma năm 1995. Trong nhiều năm, mỗi khi nghe thấy từ “chủ nghĩa khủng bố”, nhiều người Mỹ thường nghĩ ngay đến chủ nghĩa thánh chiến, những kẻ tử vì đạo cực đoan. Theo Business Insider, trong những năm 1990, chính phủ Mỹ chủ yếu tập trung đối phó chủ nghĩa khủng bố quốc nội, nhưng sau vụ 11/9, bộ máy an ninh quốc gia xoay qua hướng đối phó chủ yếu với chủ nghĩa thánh chiến và các loại khủng bố ở nước ngoài, có nguồn gốc từ bên ngoài.

Luật Yêu nước, được thông qua sau vụ 11/9, cho chính phủ một loạt quyền nhằm ngăn chặn các âm mưu khủng bố từ bên ngoài.

Nhưng vấn đề đấu tranh với bạo lực theo khuynh hướng cực hữu gai góc hơn nhiều, trong khi chưa có luật chống khủng bố quốc nội cụ thể trong hệ thống pháp luật hình sự liên bang, bên cạnh đó là những cản ngại từ góc độ bảo hộ quyền tự do của người dân Mỹ.

Sau vụ một kẻ theo chủ nghĩa thượng tôn người da trắng năm 2015 giết hại 9 người da đen ở một nhà thờ Charleston thuộc bang South Carolina, các nhà hoạt động xã hội, các nhân vật truyền thông và một số người khác đã lên tiếng chỉ trích Bộ Tư pháp Mỹ vì đã không ghép tội khủng bố quốc nội đối với can phạm.

Chủ nghĩa khủng bố quốc nội, như Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) định nghĩa, là hành động “được thực hiện bởi các cá nhân hoặc các nhóm người được truyền cảm hứng từ hoặc liên kết với các phong trào chủ yếu ở Mỹ tán thành các hệ tư tưởng cực đoan về bản chất chính trị, tôn giáo, xã hội, chủng tộc hoặc môi trường”.

Tiêu chuẩn kép?

Các chuyên gia nói động cơ của kẻ xả súng ở nhà thờ Charleston có thể mang tính phân biệt chủng tộc hoặc có hơi hướng chính trị. Nhiều người đã chỉ trích Bộ Tư pháp Mỹ rằng, cơ quan này thể hiện một tiêu chuẩn kép khi xử lý các vụ bạo lực do người Hồi giáo gây ra nhằm vào người phi Hồi giáo.

Chỉ trích này càng phổ biến hơn sau vụ xả súng ở El Paso, bang Texas và Dayton, bang Ohio và ngày càng có thêm nhiều chuyên gia lên tiếng kêu gọi quốc hội Mỹ xác định chủ nghĩa khủng bố quốc nội là một tội ác liên bang.

“Chủ nghĩa khủng bố quốc nội là một mối đe dọa đối với người Mỹ và nền dân chủ của chúng ta”, Hiệp hội nhân viên FBI nói trong một tuyên cáo hôm thứ Ba. “Các hành vi bạo lực nhằm đe dọa dân thường hoặc nhằm gây ảnh hưởng, tác động đến chính sách của chính phủ cần được truy tố với tội danh khủng bố quốc nội, bất kể tư tưởng đằng sau chúng là gì”.

Tuyên cáo của Hiệp hội nhân viên FBI (FBIAA) viết tiếp: “FBIAA tiếp tục thúc giục quốc hội xác định chủ nghĩa khủng bố quốc nội là một tội ác liên bang. Điều này đảm bảo các nhân viên FBI và các công tố viên có công cụ tốt nhất để chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố quốc nội”.

Thomas O’Connor, hồi năm 2017 là chủ tịch FBIAA, đã viết một bài bình luận trên tờ The Hill sau khi xảy ra vụ bạo lực ở Charlottesville,Virginia mà can phạm là kẻ theo chủ nghĩa dân tộc của người da trắng. Ông O’Connor cho rằng luật pháp Mỹ đã làm nền tảng cho sự “không chắc chắn đối với nhân viên thực thi pháp luật và cả công chúng, bởi các nhân viên công lực liên bang phải dựa vào luật pháp địa phương để ra quyết định có truy tố những kẻ khủng bố quốc nội hay không”. Hay truy tố chúng với những tội danh khác ít nghiêm trọng hơn.

Ông cũng đề nghị rằng quốc hội Mỹ thông qua luật quy định sẽ là một tội ác nếu một người “thực hiện, tìm cách thực hiện hoặc âm mưu thực hiện hành vi bạo lực nhằm đe dọa hoặc ép buộc cộng đồng hoặc để tác động lên chính sách hoặc hành vi của chính phủ”.

Nhưng đang có chia rẽ đáng kể giữa các chuyên gia về an ninh quốc gia và chuyên gia pháp lý về chuyện luật khủng bố quốc nội sẽ phát huy tác dụng như thế nào trong thực tế.

MỚI - NÓNG