Xem lại các vụ án 'tương tự Bạc Hy Lai' ở Nga

Xem lại các vụ án 'tương tự Bạc Hy Lai' ở Nga
TP - Nếu Trung Quốc có thể bắt giữ bà Cốc Khai Lai, vợ chính khách cao cấp Bạc Hy Lai, vì bị tình nghi giết một doanh nhân Anh, liệu Nga có xem lại các án mạng có ít nhiều điểm chung?

>Báo chí Trung Quốc kêu gọi làm rõ vụ việc ông Bạc Hy Lai

Bà Cốc Khai Lai (52 tuổi, hành nghề luật sư) cùng người giúp việc trong gia đình là Trương Hiểu Quân bị tình nghi giết hại ông Neil Heywood (41 tuổi, hoạt động tư vấn và phân phối xe hơi, sống cùng vợ con ở Bắc Kinh).

Xác ông Heywood được tìm thấy ngày 15-11-2011 trong phòng khách sạn ở thành phố Trùng Khánh, nơi ông Bạc Hy Lai làm Bí thư Thành ủy. Ban đầu, giới chức Trung Quốc nói nguyên nhân cái chết là ngộ độc rượu, nhưng ngày 10-4, tuyên bố ông Heywood bị sát hại.

Bà Cốc Khai Lai và con trai Bạc Qua Qua có “quan hệ tốt với Heywood”, nhưng sau đó có “xung đột về lợi ích kinh tế ngày càng lớn”, Xinhua đưa tin hôm 10-4. Ông Heywood và Qua Qua từng học trường Harrow ở London (Anh).

Theo báo Mỹ Wall Street Journal, bà Cốc tham gia hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, Mỹ và Anh 20 năm qua, có công ty riêng (tên tiếng Anh là Horus L.Kai), hợp tác với công ty tư vấn đầu tư Horas Consultancy & Investment, dựa vào cộng sự và bạn bè, trong đó có ông Heywood.

Sau khi có tin vợ ông Bạc Hy Lai bị bắt, Thủ tướng Anh David Cameron nói: “Chúng tôi đã yêu cầu phía Trung Quốc điều tra (về cái chết của ông Heywood). Chúng tôi vui mừng thấy họ đang điều tra… Một điều rất quan trọng là chúng tôi muốn đi đến tận cùng vấn đề - chuyện gì đã xảy ra trong vụ việc rất bi kịch và náo động này”, ông Cameron nói ngày 11-4.

Hầu hết chuyên gia nhận định đây là vụ án mạng thật sự.

Những sự cố liên quan vợ chồng ông Bạc mới đây được truyền thông nhà nước của Trung Quốc đưa tin mạnh mẽ. Mấy ngày qua, các báo Đảng và truyền hình trung ương Trung Quốc có những lời kêu gọi đảng viên ủng hộ quyết định điều tra vợ chồng Bạc Hy Lai. Điều này có xảy ra ở Nga với những vụ việc tương tự?

Những vụ án gây nhiều tranh cãi

Năm 2003, tỷ phú dầu mỏ Mikhail Khodorkovsky bị bắt với cáo buộc gian lận; năm 2005, bị kết án 9 năm tù; năm 2010 bị kết thêm tội tham ô và rửa tiền nên thời gian thụ án kéo dài đến năm 2017, sau đó được giảm án 1 năm.

Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng, các vụ xét xử và kết án ông Khodorkovsky ít nhiều mang động cơ chính trị. Theo họ, ông Khodorkovsky đã vượt qua ranh giới vô hình nhưng chết người: có động thái ngụ ý mình có thể trở thành một lực lượng chính trị đáng kể.

Đầu tuần này, các công tố viên Nga nói rằng, họ đóng hồ sơ vụ chống lại Larisa Litvinova, bác sĩ trong nhà tù, nơi luật sư Sergei Magnitsky 37 tuổi chết cuối năm 2009, sau 11 tháng bị tạm giam. Ông là luật sư đại diện cho hãng tư vấn đầu tư Hermitage Capital Management (có trụ sở ở Anh), cụ thể là tỷ phú Mỹ Bill Browder. Hermitage thỉnh thoảng cung cấp thông tin cho báo chí về một số vụ bị cho là tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước của Nga.

Ông Browder sau đó bị trục xuất khỏi Mỹ. Hermitage bị cáo buộc trốn thuế, gian lận thuế, gây thiệt hại 230 triệu USD cho ngân sách nhà nước. Theo chứng cứ mới nhất mà ông Browder thu thập được, cái chết của luật sư Magnitsky dường như là kết quả của việc cố tình bỏ bê tình trạng bệnh tim và viêm gan của vị luật sư (phát triển trong thời gian ông bị tạm giam). Sau vụ việc, Mỹ cấm hàng chục quan chức Nga tới Mỹ.

Trường hợp nữ nhà báo Anna Politkovskaya cũng gây nhiều tranh cãi. Bà giành được nhiều giải thưởng quốc tế về báo chí thể loại điều tra. Bà chỉ trích chính sách của Nga tại Chechnya. Tháng 11-2006, bà bị bắn chết trong thang máy chung cư của mình. Những kẻ bị tình nghi (một số thành viên băng đảng tội phạm) cuối cùng biến mất sau khi được tòa tuyên trắng án. Đến nay, hung thủ thực sự vẫn còn là ẩn số.

Tương tự là vụ cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko bị đầu độc chết ở Anh. Ông Litvinenko chạy sang Anh sau khi nói rằng có một nhóm người KGB chuyên nhận tiền để thực hiện những phi vụ mờ ám.

Ông chết hồi tháng 12-2006, dưới tác động của Polonium-210, một loại đồng vị phóng xạ được thả vào tách trà của ông tại một khách sạn ở London. Giới chức Anh tình nghi ông Andrei Lugovoi, một cựu điệp viên KGB quen biết Litvinenko, và yêu cầu dẫn độ, nhưng Nga từ chối. Giới chức Nga cho rằng, tỷ phú lưu vong Boris Berezovsky có thể là thủ phạm, hoặc Litvinenko tự đầu độc mình.

Thái An
Theo Foreign Policy, Xinhua, Newsweek, Bloomberg

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG