Bản quyền truyền hình V-League chưa 'ăn khách'

Nếu các trận đấu ở V-League thu hút được đông khán giả đến sân như trận Siêu cúp QG - Cúp THACO vừa qua, việc VPF có được nguồn thu từ bản quyền truyền hình hoàn toàn có thể thực hiện được. Ảnh: Như Ý.
Nếu các trận đấu ở V-League thu hút được đông khán giả đến sân như trận Siêu cúp QG - Cúp THACO vừa qua, việc VPF có được nguồn thu từ bản quyền truyền hình hoàn toàn có thể thực hiện được. Ảnh: Như Ý.
TP - Lãnh đạo Cty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đặt mục tiêu V-League có thể bán được bản quyền truyền hình trong tối thiểu 2 năm tới. Với các nền bóng đá phát triển, bản quyền truyền hình và vé phải là nguồn thu chính.

Thực tế khi ra đời, VPF từng đặt mục tiêu có thể kiếm về khoảng 100 tỉ đồng tiền bản quyền truyền hình. Tuy nhiên sau 2 nhiệm kỳ đầu tiên của VPF, đây vẫn là một giấc mơ lớn. Ông Phạm Ngọc Viễn, nguyên thành viên HĐQT VPF từng thừa nhận, VPF chưa thể kiếm được tiền của các nhà đài, mà lý do chính bởi V-League chưa hấp dẫn.

Mới lên nắm quyền, nhưng ông Trần Anh Tú-Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF đã “ngấm” chuyện này.

Chia sẻ với Tiền Phong hôm qua, ông Tú cho biết đã gặp nhiều khó khăn khi đàm phán với các đài truyền hình liên quan đến vấn đề bản quyền. Vị tân Chủ tịch HĐQT VPF thậm chí thừa nhận có phần “tủi thân” khi nghĩ tới giải bóng đá VĐQG những nước khác, ngay trong khu vực Đông Nam Á.

“Tôi không nhớ rõ lắm nhưng có đọc trên báo, nhiều nước bán bản quyền giải bóng đá VĐQG với giá rất cao, như Malaysia cả mấy chục triệu USD. Trong khi đó V-League không phải tệ nếu so với họ thì lại không kiếm được mấy đồng”-ông Trần Anh Tú cho biết.

Theo ông Trần Anh Tú, các đài truyền hình thường viện lý do V-League không hấp dẫn, không thu được tiền quảng cáo nên không chịu bỏ tiền đầu tư. Để thay đổi thực tế này, chất lượng V-League cần được cải thiện, đồng thời với việc đẩy mạnh công tác truyền thông. Ông Trần Anh Tú cho biết: “Tôi vẫn cho rằng bóng đá là một kênh làm hình ảnh hiệu quả đối với các doanh nghiệp. Bóng đá Việt Nam cũng có tiềm năng để phát triển mạnh, vấn đề quan trọng là cách làm của chúng ta như thế nào. V-League cần trở thành một điểm đến hấp dẫn với công chúng. Nhưng để làm được việc đó, chúng ta cần có sự đồng lòng”.

Được biết trong ngày hôm nay, tại TP Hồ Chí Minh, VPF sẽ tổ chức lễ ra mắt nhà tài trợ chính giải đấu, Cty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood. Đây là thương hiệu từng gắn bó với CLB HAGL của ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Việc đàm phán tìm được nhà tài trợ mới cho V-League được đánh giá là một thành công đối với ê-kíp lãnh đạo mới của VPF do ông Trần Anh Tú đứng đầu trong bối cảnh vừa chia tay nhà tài trợ trước đó là Cty Toyota.

Đại diện một đơn vị truyền hình lớn ở Việt Nam hôm qua nói với Tiền Phong, để sản xuất các chương trình liên quan đến V-League, chi phí có thể lên tới 20 tỷ đồng/mùa giải. Trong khi đó, giá trị thu về không đủ bù đắp chi phí. Đây là lý do đơn vị này không đặt trọng tâm vào V-League. “Tuy nhiên tôi cho rằng vấn đề chỉ là thời gian và cách làm. Bóng đá là kênh quảng bá hình ảnh tốt cho các doanh nghiệp. Nhiều tên tuổi lớn ở Việt Nam hiện nay đều đã hoặc đang gắn với bóng đá. Nếu VPF có bước đi đúng, các kênh truyền hình sẽ sẵn lòng bỏ tiền đầu tư khi cảm thấy chi phí bỏ ra có hiệu quả”-vị trên cho biết.

Theo ông Trần Anh Tú, ở mùa giải tới VPF đã thống nhất không thành lập BTC giải, thay vào đó Cty sẽ điều hành trực tiếp. Cty sẽ thành lập Ban điều hành, Trưởng ban là ông Tú và Phó ban là các Phó TGĐ VPF. “Công việc chắc chắn sẽ rất nặng nề, nhưng quan điểm của tôi tất cả đều phải làm việc. Nếu không làm tốt vấn đề bản quyền truyền hình, chúng ta không thể thay đổi được V-League một cách căn bản”-ông Trần Anh Tú cho biết.

Giải bóng đá VĐQG, V-League 2018 sẽ khởi tranh vào ngày 10/3 tới. Sau thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018, V-League được chờ đợi sẽ hấp dẫn hơn đối với công chúng. Ở trận Siêu cúp quốc gia-cúp THACO 2017 giữa Quảng Nam và Sông Lam Nghệ An hôm 24/2, đã có hơn 15.000 CĐV tới sân vận động Hàng Đẫy cổ vũ hai đội thi đấu. Đây được đánh giá là một tín hiệu tích cực với V-League.

“Công việc chắc chắn sẽ rất nặng nề, nhưng quan điểm của tôi tất cả đều phải làm việc. Nếu không làm tốt vấn đề bản quyền truyền hình, chúng ta không thể thay đổi được V-League một cách căn bản”.    

 Ông Trần Anh Tú cho biết

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.