Bóng chuyền bỏ giải châu lục vì thiếu tiền?

Bóng chuyển nữ VN bỏ giải châu lục để thi đấu ở giải trong nước. ảnh: CTV
Bóng chuyển nữ VN bỏ giải châu lục để thi đấu ở giải trong nước. ảnh: CTV
TP - Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (LĐBC) đang gây xôn xao giới hâm mộ khi từ chối cử đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia tham dự giải Vô địch bóng chuyền châu Á 2019, sắp diễn ra tại Hàn Quốc. 

Thông tin này gây sốc bởi lẽ đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lâu nay vẫn có tiềm lực mạnh, cũng là môn được người hâm mộ thể thao đặc biệt quan tâm theo dõi, có lẽ chỉ sau bóng đá. Trong khu vực Đông Nam Á, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ chịu thua Thái Lan. Ngoại trừ cú “sảy chân” ở SEA Games 2017 dẫn tới mất tấm HCB vào tay Indonesia, nhiều năm qua tuyển bóng chuyền nữ luôn chắc vị trí thứ nhì ở khu vực.

Theo kết quả bốc thăm, tại giải Vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2019, Việt Nam cùng bảng với Trung Quốc, Sri Lanka và Indonesia. Nhìn qua có thể thấy ngoại trừ Trung Quốc vượt trội, hai đối thủ còn lại đều không mạnh hơn Việt Nam. Cơ hội chiếm vị trí nhì bảng là khá rộng đối với tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Giải đấu cũng là dịp để bóng chuyền tìm kiếm cơ hội dự Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản). Và cho dù kết quả thế nào, việc được cọ xát với các đối thủ mạnh cũng giúp các tuyển thủ tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh thi đấu.

Lời giải thích từ phía LĐBC càng khiến giới hâm mộ buồn lòng thêm. Theo đó, trong tháng 7 và tháng 8, bóng chuyền Việt Nam sẽ có 3 giải gồm U23 châu Á, VTV Cup và Vô địch châu Á. Thành phần đội tuyển bóng chuyền U23 cũng là nòng cốt tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự 2 giải đấu còn lại. Do mật độ thi đấu dày, LĐBC cho rằng các tuyển thủ sẽ không kịp hồi phục thể lực. Chủ tịch LĐBC Lê Văn Thành đồng thời thừa nhận, việc thiếu kinh phí cũng là trở ngại khiến liên đoàn ưu tiên đội tuyển nữ thi đấu giải tại chỗ, thay vì giải châu lục.

Giàu tiềm năng, nghèo tham vọng

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất khiến LĐBC quyết định bỏ qua cơ hội dự một giải đấu chính thức cấp châu lục, trong khi nó là mơ ước của nhiều quốc gia. Trên thực tế theo lịch thi đấu, VTV Cup 2019 kết thúc ngày 10/8, trong khi giải Vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2019 chỉ khai mạc sau đó 1 tuần (17/8). Trong trường hợp lo lắng về vấn đề thể lực của các cầu thủ, LĐBC hoàn toàn có thể cân đối lực lượng cho giải U23 châu Á 2019 hoặc VTV Cup. Tuy nhiên, cuối cùng LĐBC lại lựa chọn phương án tệ nhất là bỏ giải châu lục.

Nội bộ bóng chuyền Việt Nam nhiều năm trở lại đây cũng xảy ra khá nhiều vấn đề gây ì xèo. Năm 2017, chỉ ít tháng trước thềm SEA Games 29, LĐBC đã phải đôn đáo lo giải quyết hậu quả từ việc chuyên gia nước ngoài bất ngờ bỏ về nước. Những người thông thạo hậu trường môn thể thao này cũng ngán ngẩm về tình trạng thiếu đoàn kết, thông tin về tình hình tài chính khó khăn cùng nhiều vấn đề khác. Thất bại tại SEA Games 2017 (tuyển bóng chuyền nữ mất vị trí số 2 vào tay Indonesia) được đánh giá là kết cục tất yếu của tình trạng trên.

Đây rõ ràng là thực tế rất đáng buồn trong bối cảnh bóng chuyền nữ là môn có tiềm năng của Việt Nam. Thành phần lãnh đạo LĐBC cũng có cả một Phó Tổng cục trưởng tham gia, nắm quyền trong nhiều năm còn Chủ tịch Liên đoàn, ông Lê Văn Thành không ai khác đang giữ ghế Trưởng ban tài chính LĐBĐVN (VFF).

Giới thể thao cứ tếu táo, không đảm bảo được tài chính cho hoạt động cơ bản của LĐBC, không hiểu ông Thành hỗ trợ hoạt động kiếm tiền cho bóng đá ra sao. Nhất là khi người phụ trách cao nhất về tài chính cho VFF hiện nay lại là một cán bộ nhà nước nghỉ hưu, ắt khó rành rẽ chuyện kiếm tiền?

Tiềm năng vươn ra châu lục của bóng chuyền Việt Nam không phải không có, cái thiếu có lẽ là tham vọng của những người làm lãnh đạo môn thể thao này, để cụ thể hoá thành kế hoạch và hành động.

MỚI - NÓNG