Bóng đá và làm giàu

TP - “Bóng đá không tạo ra tiền” từng là câu cửa miệng của rất nhiều ông bầu khi bỏ tiền đầu tư vào các đội bóng ở V-League. Một đội bóng ở V-League, trung bình hàng năm cần trên dưới 50 tỷ đồng nếu muốn “sống khoẻ”. Trong khi đó, do thu hút được ít CĐV, số tiền bán vé và quảng cáo, tài trợ các CLB thu về chẳng được bao nhiêu. Đây là lý do V-League trước nay bị nhìn cỗ máy ngốn tiền, không tạo ra được giá trị thặng dư.

Trên thực tế, nguyên nhân của nó có lẽ phải bắt nguồn từ quan điểm và cách làm bóng đá của hầu hết các ông bầu. Gần như tất cả đều nhắm tới những mục tiêu kinh doanh bên ngoài, như dự án hoặc ưu đãi về chính sách của địa phương. Chuyện rót tiền vào đội bóng có thể xem như hình thức “trả lễ” cho địa phương. Thế nên chuyện doanh nghiệp khi thấy hết “màu” ở địa phương thì cũng lập tức rút khỏi bóng đá không hề gây ngạc nhiên.

Thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải châu Á 2018 phản ánh một thực tế khác, là bóng đá nếu có cách làm đúng, vẫn tạo ra được tiền, thậm chí nhiều tiền. Số tiền thưởng cho U23 Việt Nam sau giải đấu trên lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều cầu thủ trở thành ngôi sao, lập tức “đắt sô” quảng cáo, trong khi các trận đấu ở V-League cũng thu hút đông đảo CĐV tới sân hơn, đồng nghĩa tiền bán vé và các khoản tiền khác tăng lên.

Bóng đá Việt Nam dù gần 20 năm lên chuyên, nhưng bộ phận lãnh đạo hầu hết đều là những con người làm bóng đá từ bao cấp. Thế nên hầu hết đều mang nặng tư duy của lối làm cũ, chỉ chực chờ sống bằng ngân sách địa phương.

Bóng đá để phát triển, cần thiết từ cấp thượng tầng VFF đến các CLB phải được “thay máu” bằng những con người mới, trẻ khoẻ và có tư duy kiếm tiền, chứ không phải những người cũ, thiếu tư duy và lại coi bóng đá như cơ hội để làm giàu cho mình.

MỚI - NÓNG