HAGL và gánh nặng của bóng đá đẹp

Tăng Tiến nhận thẻ đỏ sau pha vào bóng thô bạo.
Tăng Tiến nhận thẻ đỏ sau pha vào bóng thô bạo.
TP - Đội bóng phố núi vừa nhận thất bại nặng nhất trong lịch sử 15 năm ở giải VĐQG với trận thua 0-5 CLB Hà Nội trên sân Hàng Đẫy hồi giữa tuần qua. Nhưng câu chuyện được bàn tới nhiều nhất lại là án phạt của bầu Đức đối với trung vệ Tăng Tiến.

Đây là trận đấu bù vòng 3 V-League 2018 giữa CLB Hà Nội và HAGL, đã bị hoãn lại do quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Phút bù giờ thứ 2 hiệp 1, trong một pha tranh chấp bóng với Duy Mạnh, Tăng Tiến đã đạp thẳng vào chân trung vệ tuyển thủ U23 Việt Nam. Anh lập tức bị trọng tài Trương Hồng Vũ rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu.

Từ pha đá phạt trực tiếp sau đó, ngoại binh Oseni đã ghi bàn đưa CLB Hà Nội gia tăng cách biệt lên 2-0. Bị dẫn trước lại chơi trong thế thiếu người, HAGL ở hiệp 2 nhận thêm 3 bàn thua, kết thúc trận đấu với thất bại 0-5. Đây là trận thua nặng nhất của HAGL trên sân vận động Hàng Đẫy. Ngay sau trận đấu, HAGL thông báo quyết định của bầu Đức, không đăng ký Tăng Tiến trong suốt phần còn lại của giai đoạn 1 V-League, tương đương 9 trận đấu. Án phạt của bầu Đức đối với cầu thủ sinh năm 1994 lập tức gây tranh cãi.

Lịch sử bóng đá thế giới, không có quá nhiều những án phạt nặng như trên, nếu quy ra số trận đấu, dù va chạm là khá phổ biến. Một trong những án phạt nặng nhất phải kể tới cầu thủ Kurt Zouma của Saint-Etienne ở mùa giải 2013/2014 giải VĐQG Pháp. Ở trận đấu của Saint-Etienne với Sochaux, Kurt Zouma đã có pha phạm lỗi khiến tiền vệ Thomas Guerbert gãy chân trái, chệch mắt cá chân phải. Dù là một tài năng trẻ, Kurt Zouma vẫn bị Liên đoàn bóng đá Pháp cấm thi đấu 10 trận khi xác định đây là lỗi ác ý.

Một ví dụ khác nổi tiếng hơn là án phạt đối với thủ quân Roy Kean của MU. Năm 2001 trong trận “derby” thành Manchester, Roy Kean đã đạp thẳng vào đầu gối hậu vệ Alf-Inge Haaland của Manchester City. Chấn thương nặng khiến Haaland phải giải nghệ 2 năm sau đó. Roy Kean bị phạt 150.000 bảng Anh, kèm án cấm thi đấu 8 trận. Tuy nhiên trong nhiều vụ việc khác, dù hậu quả gây ra của hành vi phạm lỗi là rất nặng, án phạt đối với người vi phạm chỉ ở mức cấm thi đấu 3-4 trận.

Tháng 2/2010, trong cuộc đối đầu giữa Arsenal và Stoke City, hậu vệ Ryan Shawcross (Stoke City) đã có pha tắc bóng khiến Aaron Ramsey của Arsenal gãy xương chày, xương mác, phải nghỉ thi đấu 9 tháng. Chính Shawcross cũng phải kinh hoàng không dám nhìn hậu quả mình gây ra. Dù vậy, cho rằng Shawcross không cố ý, FA chỉ ra án phạt cấm thi đấu 3 trận đối với anh. HLV Capello của tuyển Anh khi đó vẫn giữ quyết định triệu tập Shawcross cho trận giao hữu với Ai Cập một tuần sau đó.

Trở lại pha bóng của Tăng Tiến, nhiều ý kiến nhận xét ở tình huống phạm lỗi với Duy Mạnh, hậu vệ HAGL đã chủ động “hãm” chân. Nhờ vậy, Duy Mạnh không bị chấn thương nặng. Chiếc thẻ đỏ với hậu vệ sinh năm 1994 là thích đáng. Trong trường hợp phải nhận án phạt bổ sung từ VFF, nhiều khả năng Tăng Tiến cũng chỉ bị cấm thi đấu từ 4-6 trận. Việc phải nghỉ cả phần còn lại của giai đoạn 1 vì vậy là một cú “sốc” đối với Tăng Tiến. Tại sao HAGL không bảo vệ cầu thủ của mình, như cách phản ứng của hầu hết các đội bóng trên thế giới?

Câu trả lời được đưa ra là triết lý bóng đá đẹp HAGL xây dựng và theo đuổi, kể từ khi lứa quân đầu tiên của Học viện HAGL-JMG trình làng. Vì quan điểm này, bầu Đức từng tác động để trung vệ Nghệ An Đào Văn Khánh bị đuổi khỏi đội tuyển U19 Việt Nam do phạm lỗi với Oduwa của U19 Tottenham Hospur năm 2014. “Ai đá láo, cãi trọng tài tôi đuổi ngay”, câu nói của bầu Đức năm xưa đang được nhiều người nhắc lại.

Nhìn vào quá trình thi đấu của HAGL ở V-League, nhiều người cho rằng đội bóng phố núi đang vướng phải đeo gánh nặng ngàn cân, khi bị “bó chân, giữ tay” trước những đối thủ “già rơ”, tinh quái trong cuộc chiến luôn quyết liệt. Trong bóng đá, khoảng cách giữa thô bạo và máu lửa có lẽ cũng mong manh như giữa cái đẹp với sự ngây thơ, non nớt. Liệu còn nơi nào, bóng đá tồn tại cái đẹp thuần khiết, không đua tranh để làm “đất diễn” cho những đứa trẻ nhà bầu Đức? 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.