Khổ vì bóng đá lậu

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TP - “Phút thứ 3, link thì chưa thấy mà hàng xóm đã hô ‘vào!’. Nghĩ mà bực”...

Đó là tình cảnh của một fan bóng đá chiều 19/8, có trận Olympic Việt Nam gặp Nhật Bản. Ngày mà bà con gọi đùa là “quốc trộm” tức là cả nước xem trộm ASIAD.

Trước đó cũng đã “trộm” nhưng chưa đông, đồng lòng nhất trí bằng hôm ấy, khi sức hút của bóng đá nam tăng dần.

Hôm 19/8 tôi cũng loay hoay như anh bạn trên kia. Số là, trước đó đã xem trận Việt Nam gặp Nepal tại Xoilac.tv trên Facebook nên tôi ung dung mở kênh này trước khi trận Việt-Nhật mở màn hàng tiếng đồng hồ. Ngoài ra còn găm một số kênh dự phòng, như dân tình khuyên.

Màn hình phát các bức ảnh động, rất đẹp của đội nhà, trên nền các bài hát nổi tiếng nhưng chế lời. Ví dụ bài “Cô gái mở đường”, nhạc của Xuân Giao nhưng ca từ không phải là “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh...” mà toàn hát về Olympic Việt Nam. “Ca sĩ” giọng rất quê nhưng bà con vẫn like ầm ầm và liên tục “cảm ơn Xôi lạc đã cho chúng tôi được xem đội nhà đá, tưởng chịu chết cơ”.

Sát giờ không thấy có gì mới, vẫn cứ hát ông ổng, nhiều người sốt ruột hỏi hôm nay có phát không hay bị chặn rồi. Chẳng là màn hình bình luận hiện ngay bên phải màn hình chính. Thật thương cảm, lúc tôi rời khỏi trang này vì phát hiện nó chỉ là một trang “fake” của Xôi lạc, thấy lượt người xem, chia sẻ và thích đều lên tới con số chục ngàn! Chuyển sang kênh khác đương nhiên bị muộn mất rồi, giống anh bạn trên kia.

Lần theo các kênh dự phòng, đều thấy hiện dòng chữ “rất tiếc, video này đã bị xóa vì vi phạm...”. Tôi và người nhà tá hỏa, túa đi tìm kênh mới. May quá, thế nào mà một bài báo trên Thể thao Văn hóa lại dẫn một địa chỉ mới, người đưa lên là Hoàng Bách còn địa chỉ chia sẻ tên là... Đồ Sơ Sinh. Kết thúc trận đấu, lượt truy cập lên tới vài vạn, người bấm thích gần một vạn, còn lượng chia sẻ là 1.900!

Giờ giải lao giữa hai hiệp, cả nhà cẩn thận bổ đi tìm vài địa chỉ nữa, đề phòng kênh mình đang xem bị chặn. Cơ khổ.

Xem bóng đá lậu có đặc điểm gì? Về chất lượng, không hiểu bà con thế nào chứ tôi xem, màn hình thường xuyên bị lác (lag). Bình luận viên thì thôi chả dám yêu cầu cao, như các anh trên Xôi lạc đã tự nhận mình chỉ là bình loạn viên.

Khán giả của bóng đá lậu, thôi thì đủ loại. Có người rất đáng yêu, thỏ thẻ nghe rất thương, từ lời cảm ơn những người đã “mở đường máu” giúp mình được xem đội nhà đá, trong bối cảnh không thể bật ti vi. Nhiều người nói tục thôi rồi, không hiểu sao cứ phải văng tục mới được, văng chả đúng lúc đúng chỗ gì cả.

Chốc chốc lại có người nài: “Thôi đừng thả tim nữa đi!” Bởi vì việc thả tim liên tục khiến màn hình bị thu hẹp, khó xem. Hihi.

Trên kênh Xôi lạc.tv có lẽ chính thống (đã lậu còn chính với phụ, “ fake”), nhóm quản trị trần tình:”Xoilac.tv hay Mitom.tv được bọn mình tạo ra với mục đích ban đầu là phục vụ anh chị em ở nước ngoài có một nơi theo dõi những trận bóng có bình luận tiếng mẹ đẻ”. Và: “Nhiều người bảo nợ Xoilac, thật ra bọn mình mới nợ và cần xin lỗi khi để các bạn mang tiếng xài đồ chùa, đồ ăn cắp. Nếu bọn mình không tự bình luận và mọi người cứ xem link nước ngoài thì chắc chẳng ai soi mói, dị nghị”.

Việt Nam khả năng sẽ vào sâu giải năm nay. Tôi và nhiều người có lẽ sẽ nhớ mãi kỷ niệm này, nhớ cảnh cả nhà người mỗi người một góc, người chúi vào máy tính, người ôm ipad, điện thoại, vừa xem bóng đá lậu vừa thỉnh thoảng ngó các dòng bình luận trôi liên tục, để hiểu được tâm tư tình cảm của đủ tầng lớp người trong xã hội, dịp này. Nhớ mãi cảnh bi hài như: nhà báo hăm hở viết bài bình luận sau trận xem lậu. Thậm chí vẽ đường cho hươu, cung cấp cho độc giả đường dẫn kênh lậu. Vân vân. Nên cười hay mếu? Và trách ai đây?

MỚI - NÓNG