Người 'Mohican' (*) cuối cùng trong bộ tứ tiền đạo ngày ấy

Anh Đức và em trai
Anh Đức và em trai
TP - Bộ tứ tiền đạo trẻ từ sau SEA Games 2003 ngày nào giờ đã có 3 người chia tay bóng đá. Văn Quyến rời sân cỏ trong sự tiếc nuối cho một tài năng từng sa ngã. Thanh Bình cũng lặng lẽ rời sân rồi chuyển sang làm HLV. Còn Công Vinh đã khóc trong trận đấu chia tay ĐTQG ở AFF Cup 2016, chỉ Anh Đức là còn trụ lại.

Khi được báo tin HLV tạm quyền Mai Đức Chung mời mình trở lại ĐT quốc gia cuối năm 2017, Anh Đức tưởng đàn em trêu mình nên đã “mắng” trong lúc đang tập gym!

Sau AFF Cup 2014, Anh Đức quyết định nói lời chia tay với ĐT Việt Nam. Chân sút sinh năm 1985 này không tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế nhưng thường tìm cách rút lui mỗi khi được triệu tập lên ĐT Việt Nam. Phải đến khi được HLV Mai Đức Chung triệu tập trở lại chuẩn bị cho trận lượt về gặp Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019, Anh Đức mới góp mặt ở đoàn quân áo đỏ sau hơn 2 năm vắng bóng.

Ông Mai Đức Chung là cựu Giám đốc kỹ thuật của Bình Dương nên ông hiểu Đức, và có thể nói sau đó HLV Park Hang-seo gặp may khi có Anh Đức ở hàng công của ĐT Việt Nam. Và khó có thể tưởng tượng được sự nghiệp của Anh Đức ở ĐTQG sẽ ra sao nếu HLV Park Hang-seo không dẫn dắt ĐTVN.

Con nhà tông và một thời khổ cực

Lúc chúng tôi ghé nhà ông Nguyễn Bảy, bố của Anh Đức ở Bình Dương, lúc đó ông Bảy đang ở dưới bếp đi lên. Ông cho biết, Anh Đức đang đi làm từ thiện ở Cà Mau. Ông Bảy nói: “Tôi mới về đây hai năm, nó muốn vợ chồng tôi ở đây cho bố mẹ con cái gần nhau”. Ông bà chỉ thằng cu Tý và giới thiệu là cháu nội ông bà, con trai của Anh Đức đó!

Ông Nguyễn Bảy quê quán ở xã Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị. Ông Bảy có khiếu văn nghệ và thể thao từ nhỏ nhưng tự phát vì không có một người thầy nào chỉ cho ông cả.

Trước và sau giải phóng (1975), ông Nguyễn Bảy tham gia đội bóng đá Hải Thọ. Ông đá trung vệ, là một hậu vệ cứng cạ nên hồi đó ông thường có biệt danh “Bảy Thép”. 

Mẹ của Anh Đức là bà Phạm Thị Minh Phượng ở Giạ Lê, Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế. Năm 18 tuổi cùng với gia đình, cô Phượng vào Bến Cát (Bình Dương) lập nghiệp. Bà Phượng xinh gái, cũng có khiếu hát hò. Tại đây, bà Phượng và ông Bảy gặp nhau và nên vợ chồng.

Từ đó lần lượt 5 người con ra đời. 2 chị đầu giờ đều làm công ty, thuộc Hội bất động sản của Bình Dương. Người con trai thứ ba là Nguyễn Anh Phúc cũng làm bất động sản. Em út là Nguyễn Anh Dũng là giám đốc xây dựng. Riêng người con trai thứ tư là Nguyễn Anh Đức lại thừa hưởng gien bóng đá của bố.

Anh Đức nói: “Anh đừng viết gì về em cả. Mất công người ta lại ghét. Mình đá bóng âm thầm thôi, cũng giống như người nông dân phải lên nương rẫy mỗi ngày vậy”.

Câu hỏi “Mẹ đâu, Mẹ đâu”?

Anh Đức học tiểu học ở trường Lai Uyên (Bến Cát) đã là một tiền đạo có tố chất. Những năm đá tranh cụm tiểu học ông Bảy phải bỏ công việc đồng áng để đi theo. Năm 15 tuổi, Anh Đức tranh giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng tỉnh. Năm 16 tuổi, Anh Đức khoác áo U18 Bình Dương tranh giải U18 quốc gia tại Bình Thuận. HLV U18 Việt Nam lúc đó là Hồ Thu quyết định lấy Anh Đức đưa ra Hà Nội tập trung. Từ đó sự nghiệp bóng đá của Anh Đức đi lên (dù có thăng trầm) như bây giờ.

Ông bà nói, mình đã có một thời gian quá khổ, mình có ngày hôm nay mình phải nghĩ đến những người khổ. Cứ đến dịp Tết là chị em Anh Đức đóng tiền cho ông Bảy đi làm từ thiện những nơi mà ông Bảy đã sống, đã đi qua.

Người 'Mohican' (*) cuối cùng trong bộ tứ tiền đạo ngày ấy ảnh 1 Anh Đức 

Một chi tiết mà bà Phượng nhắc trong cuộc trò chuyện là khi tan trận đấu chung kết lượt về với ĐT Malaysia trên sân Mỹ Đình, Anh Đức chạy đi tìm mẹ và hỏi mẹ đâu. Lúc đó sân quá đông như ong vỡ tổ, bà Phượng không có cách gì xuống sân được, mà có con gái, chị Anh Đức là cô Lệ xuống ôm chầm Anh Đức, nhưng Anh Đức cứ hỏi mẹ đâu?

Lúc đó các bạn hàng của bà Phượng ở Chợ Lớn (TPHCM) xem qua ti vi cũng khóc, họ nói có đứa con như vậy, thương mẹ buôn bán vất vả, thật quá cảm động. Trong hội buôn bán còn truyền tụng bài thơ “Thương mẹ” viết về Anh Đức và các tuyển thủ. Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) đã chọn bài thơ “Mẹ đâu? Mẹ đâu?” viết về cầu thủ Anh Đức và đồng đội làm đề thi học kỳ I môn Ngữ văn lớp 11.

Biên niên sự nghiệp

Nguyễn Anh Đức từng đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2015. Riêng năm nay, anh giành Quả bóng bạc và có tên trong mười vận động viên tiêu biểu của đất nước. Điều đó ghi nhận những cống hiến của anh cho đất nước trong cuộc đời đá bóng.

Cùng một độ tuổi như nhau, Công Vinh đã giải nghệ, nhưng Anh Đức vẫn ra sân, tỏa sáng và đóng vai trò không thể thiếu ở một đội bóng. Ở tuổi xế chiều của đời cầu thủ, tại sao Anh Đức vẫn có thể duy trì phong độ tốt đến như vậy?

Phía sau thành công của Anh Đức là dấu ấn rất lớn của người vợ Tạ Thị Bích Trâm. Chị là một nữ doanh nhân. Không chỉ quán xuyến chu toàn việc nhà cửa, kinh doanh, chăm sóc cho hai đứa con nhỏ để chồng an tâm cống hiến, chị còn là một người bạn tâm lý, một “HLV chuyên môn” cho chồng sau mỗi trận đấu.

Tiền đạo Anh Đức từng chia sẻ: “Vợ tôi xem tất cả các trận đấu tôi thi đấu tại AFF Cup. Sau trận, bà xã gọi điện thoại và tích cực đưa ra những lời khuyên. Kiểu như tôi đá như vậy chưa đúng, phải thế này thế kia, phải di chuyển như thế nào… như một chuyên gia thực thụ”.

Anh Đức không thích và không bao giờ trả lời báo chí. Lên sân Gò Đậu nhiều lần kể cả các trận Siêu Cúp do báo Tiền Phong tổ chức, nhưng rất hiếm khi tôi được trò chuyện với Anh Đức. Anh Đức nói: “Anh đừng viết gì về em cả. Mất công người ta lại ghét. Mình đá bóng âm thầm thôi, cũng giống như người nông dân phải lên nương rẫy mỗi ngày vậy”. Có lần, Anh Đức còn từ chối trả lời báo chí khi được chính HLV Mai Đức Chung chỉ định phát biểu dưới thời ông làm HLV tạm quyền.

Xin mượn một câu trong bài thơ “Mẹ đâu? Mẹ đâu?” (của Phạm Thiên Ý) để nói về Anh Đức:
“Ngày mai lại xin trở về với cuộc sống bình thường thôi

Con chẳng dám làm anh hùng trong mắt mẹ”.

Quyết đoán trước khung thành đối phương nhưng Anh Đức mãi là đứa trẻ trong lòng bố mẹ. 

_____

(*) Người Mohican "cuối cùng" là tên tiểu thuyết của nhà văn Mỹ James Cooper, trong đó có nhân vật thủ lĩnh da đỏ là người cuối cùng còn lại của bộ tộc Mohican sau khi đứa con trai bị kẻ địch giết trước mắt ông.

Đến thời điểm hiện tại, Anh Đức đang sở hữu hai cửa hàng kinh doanh đồ thể thao lớn tại thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát (Bình Dương). Anh Đức còn là chủ của một khách sạn kèm spa, massage và dãy nhà trọ cho thuê tại Bình Dương. Ngoài ra, anh còn sở hữu 2 sân bóng mini và kết hợp với mẹ vợ mở nhà hàng ăn uống tại quê nhà. Những sản phẩm đồ thể thao, hay sản phẩm khác... do Anh Đức sản xuất cũng được phân phối khắp các tỉnh thành trên cả nước.

MỚI - NÓNG