Người tài ở đâu?

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận có nhiều người tài ngại vào VFF vì bóng đá phức tạp. Ảnh: VSI.
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận có nhiều người tài ngại vào VFF vì bóng đá phức tạp. Ảnh: VSI.
TP - Một câu quen thuộc chúng ta rất hay nhắc tới trong bóng đá là “Việt Nam 90 triệu dân, không sợ thiếu người giỏi làm bóng đá”. Thế thì người giỏi đi đâu cả?

Một ví dụ có thể nhìn thấy qua công tác chuẩn bị cho Đại hội 8 VFF vừa qua, kế hoạch tổ chức liên tục bị hoãn lại vì cơ cấu nhân sự lãnh đạo chủ chốt không xong. Theo tìm hiểu, ngành thể thao đã “ướm” nhiều doanh nhân lớn, nhưng không ai gật đầu. Các vị trí từ chủ tịch tới phó chủ tịch đều bị đánh giá là yếu, dù số lượng ứng viên khá nhiều.

Rốt cuộc, Bộ VH-TT&DL phải cử Thứ trưởng Lê Khánh Hải ra tranh cử, dù ông Hải từng 2-3 lượt từ chối. Ngoài Thứ trưởng Lê Khánh Hải, ngành thể thao còn đồng ý để 2 cán bộ khác là Vụ trưởng Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VFF ứng cử ghế phó chủ tịch chuyên môn, và Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa ứng cử ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính.

Tôi sẽ không so sánh giữa một người làm việc vì trách nhiệm, với một người làm vì nhiệt tâm, hào hứng thực sự với công việc mình gánh vác, nhưng muốn kể một câu chuyện khác.

Mới đây, một quan chức ngành thể thao gọi điện cho tôi để phàn nàn việc trong một bài viết, báo Tiền Phong đề cập một ứng viên thuộc thẩm quyền quản lý của ngành, chuẩn bị đến ngày nhận quyết định nghỉ hưu nhưng vẫn được cho ra ứng cử vào VFF. Vị này cho rằng nên để quan chức trên ra tranh cử thì mới đúng tinh thần bầu cử dân chủ của đại hội VFF, quyết định cuối cùng sẽ do lá phiếu của các tổ chức thành viên. Rồi thì đây là một quan chức lâu năm, cũng quản lý về tài chính, có kinh nghiệm thể thao…

Đúng là các tổ chức thành viên VFF có quyền giới thiệu, bầu cho ai họ cảm thấy tín nhiệm. Nhưng với tư cách cơ quan quản lý cấp trên, ngành thể thao phải có trách nhiệm nhận thấy ai được việc, ai có năng lực đảm trách từng vị trí cụ thể, để cân nhắc nên hay không nên cho người đó ra tranh cử. Đằng này, theo tìm hiểu, đơn vị cũ của vị này hiện lấn cấn nhiều vấn đề về tài chính, cũng như trước đây rất lùm xùm, nhưng ngành thể thao, dù biết vẫn cố “dí” người của mình vào một tổ chức xã hội nghề nghiệp có vai trò quan trọng như VFF, thì liệu đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa?

Với việc đưa người của mình ra tranh 3/4 chiếc ghế lớn ở VFF, liệu còn ai tin Bộ VH-TT&DL đang “mở cửa” để đón người tài vào VFF để làm việc? Cho dù có người tài thực sự, thì ai còn đường để vào VFF khi hầu hết các vị trí đều có ứng viên của Bộ, ngay cả một chiếc ghế vốn đậm chất doanh nhân nhất?

Mới đây dự cuộc chia tay của Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội Hoàng Trung Kiên, chuẩn bị nghỉ hưu vào tháng 9 tới. Hỏi có tiếp tục tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp nào nữa không, ông Kiên nói sẽ “về luôn cho thanh thản”, tạo điều kiện để anh em trẻ phấn đấu. “Mình cống hiến cho Nhà nước và xã hội hơn 40 năm rồi, cũng đến lúc phải nghỉ ngơi. Bạn bè nhiều người đang mong mình nghỉ lắm”, ông Kiên vui vẻ nói.

Người như ông Kiên trong ngành thể thao thật đáng quý, bởi nhiều quan chức cận kề nghỉ hưu nhưng vẫn cố kiếm ghế trong các tổ chức xã hội-nghề nghiệp như VFF để “làm thêm”. Kinh nghiệm là vốn quý thật nhưng nếu thực tâm vì sự nghiệp thể thao, vẫn có nhiều cách để cống hiến thay vì cố tranh chỗ của người trẻ.

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện từng nói có nhiều người tài ngại vào VFF vì bóng đá phức tạp. Thực ra, bóng đá ở đâu cũng phức tạp, nhưng ở ta có những chuyện phức tạp của bóng đá lại nảy sinh ngay từ cấp quản lý ngành thì đổ lỗi cho ai?

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.