Quyền lực của bầu Đức ở V-League

Bầu Đức luôn có những phát biểu mạnh mẽ ở V-League và bóng đá Việt Nam. Ảnh: VSI.
Bầu Đức luôn có những phát biểu mạnh mẽ ở V-League và bóng đá Việt Nam. Ảnh: VSI.
TP - Trọng tài Nguyễn Văn Kiên đã bị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) từ chối mời làm việc vô thời hạn ở các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Cùng với ông Kiên, Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền và trọng tài Nguyễn Trọng Thư cũng không được VPF mời làm nhiệm vụ.

Quyết định trên của VPF đã được thông báo tới Ban Trọng tài LĐBĐVN (VFF) ngay cả khi Ban Trọng tài chưa “mổ băng” để xem xét trường hợp trọng tài Kiên. Cùng với ông Kiên, Phó ban Trọng tài Dương Tấn Hiền và trọng tài Nguyễn Trọng Thư cũng không được VPF mời làm nhiệm vụ.

Cần nhắc lại một chút là ở trận đấu giữa Khánh Hòa với HAGL thuộc vòng 7 Nuti Café V-League 2018 trên sân Nha Trang cuối tuần trước, trọng tài Nguyễn Văn Kiên đã cho Khánh Hòa hưởng quả phạt đền ở phút 88, khi đội chủ nhà đang bị dẫn 1-0.

Trước đó, ngoại binh Chaher của Khánh Hoà đã ngã trong vòng cấm khi nhảy lên đánh đầu trong sự truy cản của hậu vệ HAGL A Hoàng. Tình huống không rõ ràng nhưng trọng tài Kiên lập tức cho Khánh Hoà hưởng 11m, bất chấp phản ứng của các cầu thủ HAGL.

Sau trận đấu, Chủ tịch HAGL đồng thời là Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức đã chỉ đạo CLB khiếu nại. Ông Đức đồng thời tuyên bố cần phải “treo còi” vĩnh viễn trọng tài Kiên.

Nhìn ở góc độ này, có lý do để tin những áp lực từ phía bầu Đức và HAGL phần nào đó đã khiến trọng tài Kiên phải chịu án phạt rất nặng nói trên. Một ví dụ có thể dẫn ra là ở mùa giải năm ngoái, ở trận đấu của HAGL với Quảng Nam thuộc lượt trận 17.

HAGL đã có bàn thắng duy nhất sau pha ghi bàn của Châu Ngọc Quang để thắng Quảng Nam 1-0. Đáng nói, Châu Ngọc Quang ở tình huống trên đã việt vị, nhưng trợ lý Phan Việt Thái dù ở góc quan sát thuận lợi lại không phất cờ.

Sau trận đấu, trợ lý Phan Việt Thái cũng thừa nhận sai lầm, tuy nhiên án phạt đối với ông Thái chỉ là treo cờ 2 trận. Nếu so với lỗi của trọng tài Nguyễn Văn Kiên, cùng lỗi dẫn tới kết quả trận đấu bị sai lệch, thì án phạt đối với 2 trường hợp trên là rất khác nhau. Điểm khác biệt nữa là 1 trường hợp HAGL được hưởng lợi, và 1 trường hợp thì ngược lại.

Siết chặt công tác trọng tài

Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, trọng tài Kiên bị phạt nặng không chỉ vì pha thổi phạt đền tưởng tượng cho Khánh Hoà trên sân Nha Trang. Thực tế, ông Kiên đã mắc khá nhiều lỗi ở các trận đấu khác tại V-League, nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn “thoát”.

Quyết định của VPF vì vậy có thể xem là tổng hợp chuỗi vi phạm của trọng tài Kiên. Tương tự, Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền cũng đang bị án treo nội bộ do những vi phạm của mình. Một quan chức VPF nói với Tiền Phong, việc nghỉ làm giám sát trọng tài sẽ “tốt cho ông Hiền” về mặt tên tuổi, hình ảnh. Trong khi đó, trọng tài Nguyễn Trọng Thư ở mùa giải năm nay từng 2 lần mắc lỗi cơ bản.

Bầu Đức ở góc độ này, ít nhiều có lý khi đòi hỏi cần xử nghiêm đối với trọng tài Nguyễn Văn Kiên. Vấn đề với ông Đức có lẽ chỉ là việc, công chúng không biết lúc nào ông phát biểu với tư cách cá nhân, chủ tịch HAGL, và lúc nào là trên cương vị Phó chủ tịch VFF.

Hôm qua, Trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh khẳng định, không có chuyện bầu Đức hay đội bóng gây áp lực lên các quyết định của VFF và VPF.

“Việc nào đúng thì cần làm đúng, sai thì cần xử lý. Chúng tôi không hề gọi điện cho VFF hay VPF để yêu cầu nọ kia. Chúng tôi chỉ làm đơn gửi lên BTC giải. HAGL vừa qua rơi vào nhiều chuyện tranh cãi, đấy là việc chúng tôi không hề muốn”-ông Nguyễn Tấn Anh cho biết.

Cũng theo ông Tấn Anh, VFF và VPF thời gian qua đã thể hiện quyết tâm rất cao khi xử lý các vụ vi phạm.

“Đó là biện pháp cần thiết để tái thiết lại giải bóng đá, lấy lại niềm tin yêu của dư luận và người hâm mộ. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của VFF, VPF và BTC giải trong việc đấu tranh với sai phạm, bạo lực thời gian vừa qua”-ông Nguyễn Tấn Anh cho biết.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.