Sao bóng rổ gửi tâm thư đến thế hệ trẻ

Sao bóng rổ gửi tâm thư đến thế hệ trẻ
TPO - Từng là cầu thủ trẻ trải qua đủ thách thức trong quãng thời gian chơi bóng học đường khi còn du học tại Canada, hơn ai hết, Nguyễn Phú Hoàng hiểu được những thách thức mà thế hệ bóng rổ trẻ Việt Nam phải đối mặt.

Công nghệ càng hiện đại, các bạn trẻ càng lười

Thời điểm Internet chưa phát triển, người yêu bóng rổ thường thường học hỏi từ đàn anh chơi bóng lâu năm để tìm hiểu về bộ môn này. Theo ngôi sao của Cantho Catfish, đó là một thế hệ ít điều kiện nhưng chịu khó tìm tòi và học hỏi:

“Từng là một người dạy bóng rổ cho các em nhỏ, mình hiểu được nhu cầu tìm hiểu của các em. Nhưng có rất nhiều câu hỏi khá "chuối" như: Em cao X mét, liệu có thể chơi ở vị trí Y không? Muốn chơi bóng rổ tốt, trước hết phải tự khám phá bản thân mình thực sự thích chơi gì, vì chơi ở vị trí nào là cảm quan của từng người, không ai chỉ dạy được. Nếu không tự khám phá được, thì sau này các em sẽ khó thích ứng khi gặp trở ngại”, Nguyễn Phú Hoàng chia sẻ.

Bên cạnh đó, sức ép tâm lý khi thi đấu là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Tay ném 29 tuổi cho rằng, đây là “chuyện thường” trong thể thao và không có lời giải nào cho bài toán này. Vì thế, các VĐV, dù trẻ hay trưởng thành, buộc phải tìm cách sống chung với nỗi sợ hãi tâm lý.

“Dù đã chơi bóng lâu năm, mình vẫn không dám tự nhận là “cứng cỏi”. Nhiều cầu thủ trưởng thành không phải là không bị tâm lý, mà bởi họ đã đối mặt với nỗi sợ quá nhiều, đến mức chỉ còn biết học cách “sống chung với lũ”. Với mình, tâm lý hiện giống như một người đồng đội. Do đó, lời khuyên của mình dành cho các bạn trẻ là tìm kiếm cơ hội chơi bóng và thi đấu nhiều hơn. Chỉ có thế mới khiến tâm lý trở thành bạn được".

Chơi bóng vì thế hệ mai sau

Bóng rổ Việt Nam, sau những ngày đầu phát triển lên mô hình chuyên nghiệp, đang bước vào một giai đoạn vô cùng cam go. Làm thế nào để tiếp tục duy trì mức độ phủ sóng của bộ môn này là trách nhiệm không chỉ của những nhà chuyên môn, mà còn của người chơi bóng.

“Mình luôn tâm niệm rằng phải chơi làm sao để khi các bạn trẻ nhìn vào, họ được truyền cảm hứng. Mình cũng muốn các bạn trẻ chơi sao cho đúng, thật tâm huyết, để thế hệ sau nhìn thấy bóng rổ là một môn thể thao có sức hút”, Nguyễn Phú Hoàng cho biết.

Một cá nhân chơi bóng sẽ hình thành một tập thể chơi bóng xung quanh họ, một tập thể chơi bóng sẽ hình thành một cộng đồng chơi bóng xung quanh tập thể, nhiều cộng đồng chơi bóng sẽ hình thành một xã hội mà bóng rổ len lỏi vào từng con ngõ nhỏ. “Hoàng Ca” muốn các bạn trẻ ý thức được rằng mình không chỉ đang chơi bóng cho bàn thân, cho sức khỏe, mà còn cho sứ mệnh phát triển của bóng rổ nước nhà.

 
MỚI - NÓNG