Trần Thị Soa - một nghiệp đời việt dã

“Nữ hoàng chân đất” Trần Thị Soa trên đường chạy Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong Ảnh: P.S
“Nữ hoàng chân đất” Trần Thị Soa trên đường chạy Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong Ảnh: P.S
TP - Bà đã góp một phần quan trọng trong truyền thống lẫy lừng của Việt dã báo Tiền Phong, và cũng chính từ bệ phóng này mà thể thao Việt Nam mới có một nữ hoàng chân đất Trần Thị Soa.

> Khánh Hòa hướng tới ngôi nhất toàn đoàn

Những ký ức và kỷ niệm đẹp về đấu trường mà bà đã lần đầu góp mặt cách đây đúng 40 năm, luôn sống động, trở thành động lực giúp bà chiến đấu và chiến thắng số phận nghiệt ngã của mình.

Chân trần huyền thoại

Trước khi bén duyên thể thao, Trần Thị Soa là một nữ thanh niên xung phong ngủ ngày chân lấm miễn sao “phá nhiều bom nổ chậm”. Là người khỏe, xông xáo nhất đơn vị nên lúc Hà Tĩnh tổ chức giải việt dã toàn tỉnh 1972, chị đã được cử đại diện dự tranh.

Đã biết việt dã mô tê gì, dĩ nhiên kỹ năng chẳng hề có, với chân đất, Soa cứ chạy theo bản năng, để cán đích với khoảng cách cả chục mét so với người về sau.

Vào đội tuyển tỉnh chuẩn bị giải Việt dã toàn quốc báo Tiền Phong, Soa cũng chỉ có thời gian vài ngày để chuẩn bị trước, đơn giản vì phải tập trung vào nhiệm vụ chính phá bom địch.

Ấy thế mà, chị cũng đạt thành tích cao trên đôi chân trần, trở thành một hiện tượng lạ với giới chuyên môn.

Chính cuộc đấu của tròn 40 năm trước ấy đã như một bước ngoặt cho nghiệp việt dã của Soa.

Vẫn cứ là cô gái mở đường suốt đêm ngày, chỉ được tập trung huấn luyện theo các đợt ngắn hạn, song bà liên tục đột phá, nhanh chóng trở thành chân chạy nữ hay nhất nước.

Trong suốt 6 mùa giải, từ 1974 đến 1979, Soa hoàn toàn vô đối, đều đăng quang một cách tuyệt đối trên đường chạy việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong, với một điểm đặc biệt là luôn độc diễn từ đầu đến cuối.

Ngay cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc lần đầu tiên (1978), Soa đã đứng đầu trên bảng vinh danh.

Từ Việt dã Tiền Phong đến thẳng Olympic

Từ những bước chạy tuyệt vời qua các giải việt dã báo Tiền Phong, khi ngành thể thao tuyển chọn lực lượng cho lần tái hội nhập với đỉnh cao thế vận hội, Olympic Moscow 1980, Trần Thị Soa là một trong những người đầu tiên được chọn mặt gửi vàng.

Khi đó, có một thách thức phải trầy trật Soa mới vượt qua được, bỏ thói quen chân trần, mang giày theo quy định của Olympic. Thậm chí, mất cả nửa năm, bà mới có thể bắt đầu tạm làm chủ được đôi giày đinh dưới đôi chân của mình.

Và tại đấu trường đỉnh cao nhất thế giới tại Moscow, lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong sự nghiệp, Trần Thị Soa đã tranh tài với đôi giày đinh đạt tiêu chuẩn quốc tế, trên đường chạy 1.500m.

Trong tiếng cổ vũ “Việt Nam, Việt Nam” đầy thân thương của các khán giả Xô Viết, tuyển thủ 29 tuổi đã chạy rất tốt. Dẫu vẫn phải dừng lại ngay từ vòng 1, song thành tích của hảo thủ này cũng đã vượt xa KLQG.

Vượt lên những nghịch cảnh

Kết thúc nghiệp việt dã lẫy lừng, Trần Thị Soa đã phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt khi trở về đời thường với 2 bàn tay trắng: không vốn liếng, không bằng cấp, nhà cửa... Dù trước đó, người ta đã hứa hẹn đủ điều thế nhưng rốt cuộc chị được bố trí làm “văn phòng” chuyên lo tạp vụ, vệ sinh.

Tưởng như chỉ làm tạm, đâu ngờ nó đã bám lấy chị gần 30 năm nay. Ít ai nghĩ, người phụ nữ khắc khổ ngày ngày cặm cụi cắt cỏ trên sân Vinh chính là một huyền thoại của TTVN.

Đã vậy chị còn không được ông trời thương. Lập gia đình muộn với một lái xe cũng nghèo như mình, sinh được ba con thì cậu cả đang khỏe mạnh đến 7 tuổi bỗng lăn đùng ra ốm, rồi liệt chân tay đặt đâu nằm đấy.

Nhưng tất cả những bất hạnh, khốn khổ đã không thể khiến tuyển thủ việt dã này gục ngã. Bà đã luôn thể hiện nghị lực phi thường, làm chỗ dựa cho cả nhà vượt qua.

Người dân khắp hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, ai cũng biết kỳ tích của Trần Thị Soa, cả trên đường đua lẫn đường đời, với hai năm cặm cụi đi mót gạch, ngói vỡ để đóng đủ 1.000 viên gạch tổng hợp, đủ xây ngôi nhà cấp 4 nhỏ đằng sau sân Vinh.

40 năm đã trôi qua, từ một giải đấu và một nghiệp đời việt dã, Trần Thị Soa vẫn được coi là nữ tuyển thủ điền kinh hay nhất nước, mà một huyền thoại khác là Bùi Lương tiếc rẻ “nếu có điều kiện phát triển như hiện giờ, Soa đủ sức vươn lên tầm thế giới”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG