Chính quyền phục vụ

Chính quyền phục vụ
TP - Năm 2016, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đối với riêng Thủ đô – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, khi tham dự Hội nghị “Hà Nội 2016 – hợp tác đầu tư và phát triển”, Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo thành phố Hà Nội phải quyết liệt hành động, chấm dứt tư duy “Hà Nội không vội được đâu” trong nhận thức và hành xử của cán bộ, công chức, viên chức thành phố.

Hơn 3 năm kể từ ngày Thủ tướng nêu ra yêu cầu trên, chính quyền phục vụ của Hà Nội cũng đã có những chuyển biến nhất định trên một số mặt, nhất là trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp… Song so với yêu cầu và đòi hỏi của người dân thì những chuyển động đó dường như còn rất chậm, thậm chí có những thời điểm thụt lùi, khiến dư luận bức xúc. Đơn cử như chỉ trong vài tháng gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra hàng loạt các sự cố nghiêm trọng, như vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông; vụ nước sinh hoạt sông Đà bị nhiễm bẩn; và tình trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn liên tục tăng cao…

Tuy nhiên, trong cả ba vụ việc trên, chính quyền Hà Nội đều thể hiện bóng dáng mờ nhạt trong việc phục vụ, bảo vệ sức khỏe của người dân. Vì thế, nên việc ô nhiễm bụi mịn có giảm hay không dường như vẫn phụ thuộc vào “thời tiết”, chứ không phải từ những hành động cụ thể, quyết liệt của các cấp chính quyền. Rất nhiều dự án trên địa bàn chậm tiến độ, vi phạm trật tự xây dựng chưa được xử lý dứt điểm. Mong muốn Thủ đô phát triển, thay đổi tốt lên nhưng trong phương pháp thực hiện vẫn khiến dư luận băn khoăn về sự công khai, minh bạch như dự án nước sạch sông Đuống, chế phẩm làm sạch sông, hồ hay việc vi phạm của Công ty Nhật Cường - đơn vị chủ lực thực hiện các dịch vụ công cho Hà Nội.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp Quốc hội thứ 8 mới đây, với tư cách vừa là công dân Hà Nội, vừa là cán bộ từng công tác tại Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kiến nghị, lưu ý thành phố cố gắng nghiên cứu, đặt vấn đề ở tầm chiến lược. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chưa bao giờ Hà Nội có cơ ngơi lớn, phạm vi rộng, quy mô lớn. Tuy nhiên, khi dân số đông thì tính chất phức tạp cũng rất nhiều. Vì vậy Hà Nội phải chú ý toàn diện, phát triển kinh tế là trung tâm nhưng phải quan tâm đến văn hóa. Bởi nói đến Hà Nội là phải nói đến văn hoá tốt, đạo đức phải tiêu biểu cho người Thủ đô, giữ cho được môi trường hoà bình ổn định.

Ngày 27/11 vừa qua, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Đích đến quan trọng của nghị quyết này là làm sao để chính quyền Hà Nội phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn đô thị. Song bên cạnh thể chế, điều quan trọng mà Hà Nội cần đạt được là làm sao có được một đội ngũ cán bộ “bước” vào bộ máy với tâm thế phục vụ, chứ không phải tâm thế làm quan. Vì thế, đã đến lúc Hà Nội cần mạnh dạn đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ chỉ nghĩ đến làm quan mà thiếu tinh thần phục vụ. Có như thế mới tạo ra chuyển động thực sự trong việc xây dựng một chính quyền đô thị phục vụ người dân và doanh nghiệp.          

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.