Chương trình sữa học đường:

Chữ tâm với tương lai

TP - Có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, được làm ra từ cánh đồng Việt Nam. Những ly sữa học đường quốc gia như vậy sẽ nuôi dưỡng thể chất, trí tuệ và cả tình yêu quê hương đất nước trong các em nhỏ.

Ngày nay, những tuyến cao tốc vun vút xe cộ, cao ốc chọc trời, các bữa tiệc xa xỉ đã khoác lên một hình ảnh bóng bẩy cho xã hội chúng ta. Nhưng, nhìn vào mọi ngóc ngách đời sống vẫn thấy rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những em bé mũm mĩm, sạch sẽ là các em nhỏ gầy yếu vì cơm không thịt, uống sữa là bụng sôi ùng ục vì không quen dung nạp lactose (một chất có trong sữa).

Những khó khăn về dinh dưỡng khiến các em không phát triển hết kích thước hình thể mà nòi giống các em ban tặng. Các em lớn lên trong sự tự ti, so đo, lo lắng về cái ăn, cái mặc nên những ý nghĩ thông minh, sáng tạo không được phát tiết. Vậy nên, ly sữa học đường ở lứa tuổi vàng ở trường học sẽ giúp toàn bộ các em lớn lên bình đẳng, đẹp đẽ, thông minh, tự tin, biết ơn rồi cống hiến.

Toàn thế giới hiện có hơn 40 quốc gia triển khai chương trình sữa học đường. Chính phủ ta đặt ra chương trình này từ năm 2011. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vì chưa đủ nguồn lực nên chỉ triển khai nhỏ lẻ ở một số đô thị nhỏ. Đến nay, dù còn bộn bề khó khăn, Chính phủ, các địa phương vẫn quyết tâm nhân rộng, hy sinh cho tương lai.

Nghĩa cử đó khiến chúng ta có thể liên tưởng: Sau giọt sữa mẹ, mỗi con em chúng ta còn có một dòng sữa quốc gia nồng ấm ân tình. Vậy nên, “làm” sữa học đường quốc gia cần mang tình yêu, trái tim của người mẹ, không nên để những hành vi kiếm chác, trục lợi tiếp diễn.

Tuy nhiên, vì đây là chương trình sữa quốc gia, quy mô lớn nên không thể diễn ra bằng những lời vỗ về, ầu ơ. Đó trước hết phải là những thước đo về phẩm chất sản phẩm sữa. Xét ở góc độ này, việc ngành Y đến nay vẫn chưa ban hành được quy chuẩn sữa học đường quốc gia là một sự chậm trễ không nên có.

Khi có thước đo, việc thiết kế và triển khai bài thầu cần công khai minh bạch. Điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh, thi đua giữa các doanh nghiệp, đưa đến sản phẩm tốt nhất, giá cả hợp lý nhất cho trẻ em. Việc đấu thầu, đấu giá công khai cũng loại bỏ những người nhân danh vì trẻ thơ mà trục lợi.

Nếu phát hiện sự tiêu cực ở chương trình sữa quốc gia, phải xử lý ở khung hình phạt cao nhất. Bởi, như có người đã nói với chúng tôi, nếu toàn bộ một thế hệ trẻ em uống những loại sữa kém chất lượng, đau đớn hơn là để lại di chứng nào đó sẽ chẳng khác nào tội ác. Điều đó có thể là nặng nề, xúi quẩy nhưng cần được cảnh báo, tránh xa để không mang tội với tương lai.

MỚI - NÓNG