Chưa thể bằng lòng

TP - Nền kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2017 với một tín hiệu vui, khi GDP đạt 6,81%. Đây là mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra và cũng vượt mọi dự báo, ước tính trước đó của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, cũng như của Chính phủ.

GDP lại tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 400 tỷ USD.

Không thể phủ nhận đây là kết quả ấn tượng, đáng mừng và đáng ghi nhận.  Nhưng bỏ qua một số nghi ngờ về kết quả của việc thống kê các chỉ số, ngay cả khi các con số là hoàn toàn chính xác thì vẫn còn đó nhiều điều cần phải minh định,  và đương nhiên là chúng ta chưa thể bằng lòng với tăng trưởng, kể cả về tốc độ và chất lượng.

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Đình Cung nhận định, dư địa phát triển, tăng trưởng của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt 8-9% nếu hiệu quả của khu vực kinh tế Nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân được cải thiện.

Các con số thống kê lạc quan vẫn chưa thể khỏa lấp một thực tế là mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 6% trong gần 2 thập kỷ qua, cho đến nay, cơ cấu kinh tế của đất nước vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt.

Xuất khẩu chủ lực lại nằm ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tiềm lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa vẫn còn khá hạn chế: trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp ở các lĩnh vực dệt may, nông sản, tức là vẫn không khác gì so với cả chục năm trước đây.

Và điều quan trọng là nguồn lực tăng trưởng, từ vốn đến kỹ thuật, công nghệ phần lớn đến từ bên ngoài.

Một điều lạc quan là Chính phủ  nhận thức rất rõ thực trạng này của nền kinh tế. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây bày tỏ, bài toán lớn nhất của ông là làm sao tránh được tình trạng lệch pha trong một nền kinh tế bị phân chia thành hai khu vực FDI và trong nước.  Bởi theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng này tiềm ẩn những rủi ro.

Trong khi đó, chất lượng tăng trưởng vẫn bị xem là chưa “xanh”, nghĩa là còn thiếu bền vững, các ngành kinh tế vẫn “dàn hàng ngang”, chưa hình thành những mũi nhọn chủ lực. Lãnh đạo Chính phủ đã xác định, và được đồng thuận bởi giới chuyên gia: Muốn phát triển nhanh, bền vững, không còn cách nào khác là Việt Nam phải chuyển đổi mô hình và tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy việc tái cơ cấu này còn bộn bề, nhưng khi đã xác định được đường đi, không dễ dàng bằng lòng với kết quả thì mục tiêu một nền kinh tế “xanh” hơn, bền vững hơn sẽ được hiện thực hóa.

MỚI - NÓNG