Miếng bánh nước sạch

TP - Liên tục những ngày gần đây nhiều tờ báo, mạng xã hội tràn ngập các thông tin về giá nước sông Đuống, sông Đà. Nhiều chuyên gia đầu ngành về thị trường “vò đầu bứt tai” hẹn dịp khác gọi lại khi PV Tiền Phong đặt câu hỏi. Dường như từ sự vụ này, nhiều người mới giật mình về cơ chế đầu tư, mua bán, trợ giá nước khá phức tạp và không ít mâu thuẫn.

Trong giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 12/11, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội lý giải: Công nghệ nhà máy khác nhau, dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Thời điểm nhà máy sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, giá tài sản đưa vào để tính khấu hao của nhà máy là 1.555 tỷ đồng, nhưng công nghệ và giá đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống trong quyết định phê duyệt đầu tư của thành phố được xác định là 4.998 tỷ đồng.

“Ở đây rõ ràng là quy mô đầu tư và suất đầu tư khác nhau. Mặt khác, chất lượng của nguồn nước thô vào khác nhau. Chất lượng nước sông Đà khác, của sông Đuống khác”, ông Hà nói. 

Ông Hà cho biết, lãi vay cũng ảnh hưởng đến giá nước. Nhà đầu tư dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống hiện vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng khoảng 3.995 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành, chi phí lãi vay được tính vào trong giá nước. Theo báo cáo của Cty thì riêng phần chi phí lãi vay khoảng 20% vốn đầu tư khoảng hơn 2.000 đồng trong mức giá tạm tính 10.246 đồng/m3…

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thành phố Hà Nội đề xuất mua nước sạch sông Đuống giá cao đang đặt ra rất nhiều vấn đề về tính công khai, minh bạch. Thứ nhất, Hà Nội phải trả lời rõ cho dư luận biết về những căn cứ để đưa ra mức giá tối đa hơn 10.000 đồng/m3.

Thứ hai, cũng là tư nhân nhưng vì sao giá nước sông Đà chỉ có hơn 7.000 đồng/m3 đã có lãi, mà giá nước sông Đuống lại cao hơn? Có ưu ái gì ở đây không? Còn nếu nói sông Đuống “sạch” hơn nên giá phải cao hơn sông Đà thì dựa trên căn cứ nào? Tất cả những cái này, Hà Nội phải trả lời một cách rõ ràng, minh bạch, chứ không thể chung chung được.

Theo ông Trần Quang Hưng (nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Cấp nước Việt Nam), những sự cố về nước sạch trước đây và câu chuyện giá nước sạch sông Đuống được tạm tính cao tới 10.246 đồng/m3 cho thấy chuyện quản lý nước sạch của Hà Nội rất bất ổn. 

Cấp nước sạch phải luôn xác định là dịch vụ công. Về nguyên tắc quản lý, cấp nước phải do một đầu mối quản lý, phân phối tới người dân. Thông thường, trong thu hút đầu tư, thành phố chỉ cần đưa ra 4 yêu cầu: chất lượng nước, tính cung cấp liên tục 24/24 giờ, áp lực nước đạt yêu cầu, giá thành phù hợp.

Nhà đầu tư sẽ tự tính toán bài toán kinh tế đầu tư cho phù hợp. Tôi không hiểu sao TP Hà Nội lại đưa ra mức giá cao hơn giá bán bình quân, giá thực thu sau khi trừ hao hụt để mời gọi đầu tư?

Minh bạch thị trường nước sạch đang là yêu cầu cấp bách đặt ra không chỉ với thành phố Hà Nội. Nước sạch phải thực sự được kiểm soát cả về chất lượng, giá cả, chứ không thể là miếng bánh lợi ích với một số người?

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.