Quan chức 'mua điểm', ai xử lý?

Quan chức 'mua điểm', ai xử lý?
TP - Cuối cùng thì danh tính phụ huynh có con cháu được nâng điểm đã được báo chí “điểm danh”, ở cả 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Đúng như những gì mà dư luận đồn đoán, rất nhiều trường hợp gian lận đều là “con ông, cháu cha”, đều có bố mẹ là cán bộ, đảng viên, đang giữ vị trí lãnh đạo quan trọng ở địa phương. 


Quá trình tìm hiểu tại Hòa Bình, ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, có tới 90% cấp lãnh đạo sở, ngành có con em tham gia kỳ thi THPT 2018 đều được nâng điểm và bị trả về. Trong khi đó, PV chưa phát hiện trường hợp thí sinh nào được nâng điểm là con em nông dân hay công nhân.

Danh tính một số phụ huynh VIP ở Hà Giang có con cháu được nâng điểm đã có từ  năm ngoái. Còn nhớ, khi đó ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này trả lời trên báo rằng, không biết và không chỉ đạo bất cứ ai nâng điểm cho con gái mình. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, không lẽ có kẻ tự ý nâng điểm cho con ông Vinh ? Nếu đúng vậy, cũng cần điều tra làm rõ xem kẻ đó là ai, động cơ, mục đích là gì?

Còn lại, hầu hết các vị phụ huynh trong danh sách vừa mới “lộ sáng” ở Sơn La và Hòa Bình đều từ chối trả lời báo chí khi được liên hệ. Hiếm hoi có vị Phó GĐ Sở GD&ĐT Sơn La, có con nằm trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm, than rằng bản thân đã “mất hết danh dự, uy tín” về việc này.

Khỏi phải nói về sự bất bình, thậm chí phẫn nộ trong dư luận, một khi họ biến không thành có, biến tổng điểm 3 môn thi có chưa đầy 1 điểm thành 27-28 điểm trong một kỳ thi quốc gia quan trọng, có tính chất quyết định đến tương lai của mọi thí sinh.

Vậy họ là ai ? Chắc chắn trong số đó phải có một thành phần liên quan không thể thiếu, đó là các phụ huynh học sinh. Trả lời báo chí về việc sẽ xử lý các vị  quan chức - phụ huynh này ra sao, cả hai vị Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Sơn La và Hòa Bình đều nêu một nội dung khá giống nhau. Đó là, mới chỉ biết qua báo chí, chưa nhận được báo cáo; vấn đề “rất nhạy cảm”; cần chờ cơ quan điều tra kết luận mới có cơ sở xử lý.

Đúng là về mặt pháp lý, cần phải chờ kết luận của cơ quan điều tra về các vị phụ huynh liên quan. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, lãnh đạo các tỉnh này có nhất thiết phải chờ không ? Chỉ cần chiểu theo Quy định về trách nhiệm nêu gương mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành, các cấp ủy đảng đã có thể yêu cầu những vị quan chức – phụ huynh này viết báo cáo giải trình để chủ động vào cuộc, làm rõ. Thậm chí, nói như  ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, ở các nước khác những vị quan chức này sẽ từ chức ngay vì liêm sỉ. 

Với vụ việc gian lận lớn và nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử thi cử hiện đại Việt Nam, chỉ bằng cách chủ động vào cuộc quyết liệt của các địa phương có gian lận nhằm xử lý nghiêm minh các phụ huynh có chức quyền liên quan, mới có thể lấy lại niềm tin của người dân. Mọi sự chần chừ, né tránh hay bao che chỉ có tác dụng ngược mà thôi. 

MỚI - NÓNG