Tranh cãi lạ thời 4.0

TP - Thời 4.0, thời của vạn vật kết nối internet quả lắm điều lạ. Có nhiều cái lạ, cái mới mang ý nghĩa tích cực giúp thay đổi đời sống xã hội ngày một tốt hơn, văn minh và hiện đại hơn. Nhưng cũng không ít điều lạ, do chính mặt trái của mạng xã hội mang lại, được hiệu ứng đám đông thúc đẩy, khiến dư luận xã hội nháo nhào, thực hư lẫn lộn…

Đó là hiện tượng xuất hiện trào lưu trên mạng xã hội tuần qua, phê phán thậm chí chửi bới cách đánh vần “lạ” trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên. Thực ra, cách đánh vần đó không lạ chút nào với hàng triệu học sinh lớp 1 trên khắp cả nước trong nhiều năm qua. Nó cũng không hề lạ từ cách đây 40 năm, khi trường Thực nghiệm Hà Nội do GS Hồ Ngọc Đại mở đã áp dụng phương pháp này. Và quan trọng hơn, 40 năm qua nhiều thế học sinh đã học tiếng Việt theo cách đánh vần lạ nói trên, tất thảy đều đọc thông viết thạo, nhiều người thành đạt, thậm chí trở thành những nhà khoa học nổi tiếng như GS Ngô Bảo Châu, ĐBQH – PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu… 

Về cơ sở khoa học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá hiệu quả triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là “đạt được hiệu quả khả quan”. Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá, cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông tiểu học. 

Điều khó hiểu là, cả thực tiễn lẫn cơ sở khoa học, sách của GS Hồ Ngọc Đại đều ổn, nếu không muốn nói là có một số yếu tố đáng khen ngợi, 40 năm qua nhiều thế hệ HS đã và đang học, vậy lý gì bỗng dưng vào thời điểm này cuốn sách bị “ném đá” dữ dội đến vậy ?
Xin lưu ý, theo kế hoạch chỉ còn chưa đầy 12 tháng nữa, năm học 2019-2020, gần 2 triệu học sinh lớp 1 trên cả nước sẽ chính thức học bộ SGK mới với một đặc thù chưa từng có : Xóa bỏ độc quyền duy nhất một bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam. Hai trường cạnh nhau, hai tỉnh kề nhau có thể học 2 bộ SGK hoàn toàn khác nhau miễn tuân thủ đúng Chương trình Bộ GD&ĐT ban hành. 

Được biết, thời điểm này đã có đến 5-6 bộ SGK đang sẵn sàng vào cuộc đua, sẵn sàng giành thị phần cả ngàn tỷ đồng mỗi năm vốn xưa nay không có cạnh tranh. Đó là một tín hiệu tốt nếu xét về yếu tố thị trường, về quyền của người tiêu dùng. Chỉ duy nhất có một điều hết sức quan trọng cần lưu ý, hàng hóa trong trường hợp này rất đặc biệt. Đó là tri thức chuẩn mực để dạy dỗ học sinh, để “trồng người”. Vậy nên cuộc đua giành thị phần SGK rất cần phải được bắt đầu một cách thực sự lành mạnh. Muốn vậy vai trò của những người “cầm cân nảy mực” là vô cùng quan trọng, để đảm bảo cho được yếu tố khách quan, độc lập và thực sự khoa học trong việc phê duyệt những bộ SGK tới đây.

MỚI - NÓNG