Tự làm thấp mình

TP - Chiều 9/3, khi hoa mừng ngày phụ nữ còn tươi rói, hơn 500 giáo viên trong đó đa phần là nữ ở một huyện miền núi khóc ròng trong tuyệt vọng. Khó tưởng tượng rằng chỉ tại một huyện, ngần ấy giáo viên cùng mất việc một lúc! Tương lai mờ mịt sập xuống trước mắt họ.

Đó là những thầy cô giáo dạy hợp đồng ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), đã đứng lớp giảng dạy suốt gần 7 năm qua. Nay sau khi kết luận do huyện “tuyển dư”, tất cả cùng ... ra đường! Dẫu nhiều thầy cô chỉ được thực nhận đồng lương chua chát có 1.002.500 đồng mỗi tháng. Nhưng nhà giáo, với bao vui buồn gửi vào từng bài giảng, với lưu luyến yêu thương gửi theo từng lứa học trò, nào phải chỉ đơn thuần là một công việc để mưu sinh như mọi nghề khác?!

Dù có thế nào, thì nghề giáo luôn là nghề cao quý và đáng tôn trọng bậc nhất trong xã hội. Một xã hội không “tôn sư, trọng đạo” thì muôn đời vẫn mông muội và tao loạn cho dù được khoác lên những thứ tưởng chừng văn minh.

Đừng bao giờ nhìn vào một cô giáo (phải) quỳ, phải bưng bia tiếp khách hay bị học sinh bóp cổ để phán về sự “hèn nhược” và tội nghiệp của nghề! Đừng bao giờ nhìn vào hành vi phản giáo dục của một vài người thầy, để phán về sự xuống cấp của cả một đội ngũ những người cầm phấn.

Đáng tiếc, rất nhiều khi chúng ta nhân danh dư luận dễ dãi quy nạp/quy chụp những hiện tượng mang tính cá nhân để áp đặt thành bản chất của cả một đội ngũ. Mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh cũng như mọi cá nhân trong xã hội đều mang thân phận, tính cách, bối cảnh văn hóa được giáo huấn riêng mình, dẫn đến mỗi người có những cách ứng xử không giống nhau. Nhiệm vụ của luật và các quy định là phải điều chỉnh để biến tất cả những cá thể/cá tính đó thành một khối thống nhất về tư duy và hành vi ứng xử trong một môi trường hết sức đặc thù: Nhà trường.

Nhưng cũng lại đáng tiếc, đó là chính ngành giáo dục đang tồn tại quá nhiều thứ khiến tự mình làm thấp dần đi sự cao quý của nghề giáo trong cái nhìn số đông. 

Chúng ta có quyền con người. Hiến pháp, luật pháp ghi đầy đủ. Nhưng dường như chưa được dạy, chưa thực sự thấm nhuần về điều đó, ngay từ nhà trường. Cũng thiếu những quy chuẩn chặt chẽ, thống nhất để bảo vệ và giám sát và thực thi nó trong trường học. Với cả thầy lẫn trò. Chứ không phải mỗi nơi hiểu và làm theo một phách như bây giờ. Ngành giáo dục phần lớn chỉ chạy theo dư luận để xử lý sao cho thuận chiều số đông mỗi khi có chuyện. Dẫn tới không ít những ứng xử cảm tính, bất nhất tùy thuộc vào “thời tiết” của dư luận. 

Bất nhất như việc ngành sư phạm tuyển sinh dễ dãi, tuyển dụng ồ ạt, đến độ dôi dư phải “thanh thải” hàng loạt. Giá trị và danh dự của người thầy, nghề làm thầy bảo sao mà không nhạt nhòa cho được!

Tự làm thấp mình xuống, đáng tiếc gấp nhiều lần việc một cô giáo bị ép buộc phải quỳ.

MỚI - NÓNG