Ám ảnh trọn đời bởi văn hóa Tây Nguyên

Ngôi nhà sàn của bà Nga
Ngôi nhà sàn của bà Nga
TP - Đã về hưu nhiều năm nhưng nhà báo, nhà khảo cổ Đinh Thị Nga vẫn lặn lội về vùng sâu vùng xa để bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trăn trở với sinh kế của người nghèo. Bà đã gắn bó với miền đất Nam Tây Nguyên suốt 35 năm qua, đào xới tìm kiếm trầm tích của những nền văn minh cổ trong lòng đất. 

Bảo tàng mi ni về “văn minh nương rẫy”

Khi đến thăm ngôi nhà sàn độc đáo trên đường Ngô Quyền (phường 6, TP Đà Lạt), thoạt nhìn, nhiều người lầm tưởng nhà khảo cổ Đinh Thị Nga là nữ già làng ở Tây Nguyên bởi dáng người khắc khổ, gương mặt phúc hậu, đôi mắt đượm buồn mang mác nỗi nhớ rừng và sự am hiểu phong tục tập quán của đồng bào thiểu số Nam Tây Nguyên đến từng chân tơ kẽ tóc. Bà cho biết, ngôi nhà này khoảng 200 năm tuổi, với những cây cột gỗ gần như hóa đá. Nhà có hình ô van, rộng 6,5m, dài 12,5m, ở giữa có bếp lửa được đào âm xuống đất, trên bếp lửa là kho lúa.

“Đây là mẫu nhà của dân tộc M’Nông, loại nhà cổ nhất của người bản địa Tây Nguyên, trước cả nhà sàn, nhà dài. Thời nguyên thủy, con người thường sống trong hang đá; đến khi dọn ra ngoài và làm những ngôi nhà để cư ngụ, họ cũng mô phỏng hình hang đá ngày xưa. Quá trình khai quật một số di chỉ khảo cổ ở Tây Nguyên, các nhà khảo cổ đã phát hiện tàn tích của kiểu nhà này”, bà chia sẻ.

Bên trong và xung quanh ngôi nhà chứa đầy hiện vật tựa một bảo tàng thu nhỏ về nền “văn minh nương rẫy”. Bà sưu tập gần như đầy đủ các công cụ “săn bắt hái lượm” của đồng bào các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên như Mạ, K’Ho, S’Tiêng, Chu Ru…, từ những cái nỏ, ngọn lao, mũi tên, con dao, cái rìu, xà gạc… đến chiêng, ché, cây nêu, chiếc gùi, bếp lò rèn, những bộ khung dệt đủ kích cỡ cùng những tấm thổ cẩm, bộ trang sức được chế tác tinh xảo, rực rỡ.

Chỉ cho chúng tôi xem 2 chiếc gùi độc đáo dùng để đựng mũi tên tẩm thuốc độc, bà nói: “Loại gùi này rất hiếm, hiện không bảo tàng nào có nhưng mình có 2 chiếc. Đây là loại gùi mà nhà dân tộc học người Pháp lừng danh Geoges Condominas đã mô tả trong cuốn sách “Chúng tôi ăn rừng đá thần Gôo”, cuốn sách kinh điển của ngành dân tộc học trên toàn thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng”.

Bà còn sưu tầm được rất nhiều chóe quý, trong đó có những chiếc trị giá hàng chục triệu đồng. “Cổ dân Tây Nguyên quan niệm rằng, chóe cũng có đời sống của riêng nó và họ có lễ riêng để cúng chóe, nuôi chóe…Từ xa xưa, ghè, chóe được coi là của cải, báu vật… Chóe không chỉ để ủ rượu cần mà trở thành lễ vật trong hôn nhân. Khi cha mẹ còn sống, họ tặng con những chiếc chóe quý. Các con thường xuyên ủ rượu đầy trong chóe với niềm tin rằng cha mẹ lúc nào cũng có rượu để uống. Cũng từ đó, những chiếc chóe nói trên không bao giờ được mua bán, trao đổi nữa mà được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành linh vật thiêng liêng, gắn bó, gần gũi với tộc họ”, bà Nga chia sẻ.

Ám ảnh trọn đời bởi văn hóa Tây Nguyên ảnh 1

Nhà dân tộc học Đinh Thị Nga

Vì sinh kế của những thợ dệt tài hoa bậc nhất Tây Nguyên

Bà đã sưu tầm gần cả trăm tấm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đặc biệt là thổ cẩm của người Mạ - tộc người dệt vải “nổi tiếng thế giới dân tộc”. Bà kể, hai mươi mấy năm trước, khi đi điền dã ở huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), từng chứng kiến nhiều người ở các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên dùng thuyền độc mộc xuôi theo dòng sông Sêrêpok, Krông nô, Krông Ana… đến đó để mua khi thì tấm đắp, lúc lại cái váy, cái khố bởi thổ cẩm của người Mạ rất nổi tiếng.

“Thổ cẩm của người Mạ nói riêng và của các tộc người thiểu số Tây Nguyên nói chung được dệt bằng chỉ làm từ quả của cây bông gòn và nhuộm màu bằng các loại cây, cỏ trong rừng. Đây không chỉ là sản phẩm gia dụng mà còn chứa đựng nhân sinh quan, thế giới, tâm trạng, tình yêu của người phụ nữ. Người phụ nữ Tây Nguyên khi còn nhỏ đã được bà và mẹ dạy dệt thổ cẩm. Khi lấy chồng, sơn nữ thường tặng chồng chiếc khố, mẹ chồng chiếc xà-rông, cha chồng tấm khăn đắp. Họ chỉ dệt khi đang yêu, vui vẻ và hạnh phúc. Khi buồn họ sẽ không dệt vì đường chỉ sẽ bị phô, hoa văn không đẹp. Đặc biệt, khi chồng qua đời, họ vô cùng đau đớn và sẽ không dệt nữa. Khung dệt chỉ còn là vật kỷ niệm mà thôi”, bà Nga kể.

Lo sợ nghề dệt thổ cẩm ở những làng cổ bị mai một, bà đề nghị Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai đến khảo sát, hỗ trợ 100 triệu đồng để lập một HTX nghề dệt với 16 nghệ nhân. Bà cũng mời nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh và một số doanh nghiệp đến thăm buôn cổ, xem các nghệ nhân dệt thổ cẩm. Trò chuyện với chúng tôi, NTK Minh Hạnh nói thực sự ngỡ ngàng vì thổ cẩm quá đẹp, mẫu mã phong phú. Chị lập tức thiết kế, đưa thổ cẩm Mạ, K’Ho lên sàn diễn thời trang; đồng thời quảng bá, kết nối các doanh nghiệp sản xuất tơ tằm với buôn làng người Mạ để làm hàng thổ cẩm từ sợi tơ tằm cao cấp. “Khăn choàng thổ cẩm của đồng bào dân tộc được dệt bằng chất liệu tơ tằm cao cấp của Bảo Lộc sẽ cực kỳ giá trị”, NTK Minh Hạnh hào hứng nói.

“Giúp đồng bào có công ăn việc làm, đưa sản phẩm ra thị trường; đồng thời chúng ta có được sản phẩm mới đặc biệt”, NTK Minh Hạnh tâm sự. Bà Đinh Thị Nga rất tâm đắc với ý tưởng này. Bà nói việc hồi sinh nghề dệt thổ cẩm sẽ biến các buôn làng cổ thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Du khách vừa có thể tham quan những buôn làng đẹp như tranh, khám phá phong tục tập quán vừa mua được sản phẩm thổ cẩm đặc sắc.

Ám ảnh trọn đời bởi văn hóa Tây Nguyên ảnh 2 Bà Nga giới thiệu với NTK  Minh Hạnh những sản phẩm thổ cẩm đã sưu tầm hàng chục năm qua
 Nhà dân tộc học Đinh Thị Nga và đồng nghiệp Hồ Thị Thanh Bình (Bảo tàng Lâm Đồng) đã phát hiện Thánh địa Cát Tiên vào năm 1985 và gắn bó, lăn lộn với việc khai quật di tích kỳ bí này hàng chục năm trời. Qua 8 lần khai quật, đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật được chế tác từ vàng, bạc, đồng, đất nung, đá quý… mà theo TS Lê Đình Phụng, “đây là di tích thu được hiện vật nhiều về số lượng, chế tác từ nhiều loại chất liệu có giá trị nhất không những ở Đông Nam bộ mà cả vùng đất phương Nam”. Năm 2016, Thánh địa Cát Tiên được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và cho đến tận bây giờ các nhà khảo cổ vẫn chưa giải mã hết những bí ẩn của hàng trăm bức phù điêu, trong đó có 113 thông điệp của người xưa viết chìm trên các lá vàng…
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.