Bảo tàng Hà Nội sau 10 năm khánh thành: Vỏ nghìn tỷ chờ hiện vật

Công trình bảo tàng Hà Nội vẫn đang là cái vỏ thiếu nội dung
Công trình bảo tàng Hà Nội vẫn đang là cái vỏ thiếu nội dung
TP - Khánh thành rầm rộ kịp đại lễ nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, chục năm nay Bảo tàng Hà Nội vẫn nguyên cái “xác” trị giá hơn hai nghìn tỷ đồng do thiếu vắng nội dung trưng bày và nhất là chưa thể mở cửa bán vé đón khách.

SAI LẦM

Khánh thành công trình từ năm 2010, Bảo tàng Hà Nội đóng cửa từ 20/5/2020 vừa rồi để bắt tay hoàn thiện thiết kế, thi công trưng bày dự kiến khai trương vào 2021. Theo lí giải của ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, sở dĩ chưa thể trưng bày đón khách do bảo tàng vẫn trong giai đoạn thi công nội thất và thiết kế trưng bày. Hà Nội mở rộng địa giới hành chính cũng làm thay đổi nội dung trưng bày. Bên cạnh câu chuyện nghìn năm đất Thăng Long, hiện vật phải tính đến tầng sâu văn hóa xứ Đoài.

Thực tế, nghịch lí chậm hoàn thiện trưng bày bắt nguồn từ ba sai lầm lớn nhất mà chục năm qua Hà Nội loay hoay chạy theo sửa sai. Sai lầm đầu tiên là chỉ đạo thực hiện từ thành phố. Bảo tàng khánh thành mới gói lại giai đoạn đầu, giai đoạn hai thiết kế nội dung vẫn do Sở Xây dựng phụ trách. Sở này không đủ trình độ chuyên môn, khả năng để thiết kế nội dung trưng bày. “Nghề làm bảo tàng không phải ai cũng làm được”, một chuyên gia bảo tàng nói. Mãi tới năm 2016, việc khó này lại được đẩy về Sở VHTT Hà Nội, tuy nhiên sau gần hai năm nhận việc Sở đành trả lại cho Bảo tàng làm chủ đầu tư.

Bảo tàng Hà Nội sau 10 năm khánh thành: Vỏ nghìn tỷ chờ hiện vật ảnh 1 Bảo tàng chủ yếu là địa điểm phối hợp tổ chức một số sự kiện. Ảnh: Như Ý

Một chuyên gia hàng đầu về bảo tàng chỉ ra cái sai thứ hai. Hà Nội mời một loạt các chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực khoa học khác nhau, thậm chí có cả nhà địa chất học tham gia xây dựng đề cương trưng bày. Đề cương dày 800-900 trang ấy thoát li khỏi hiện vật bảo tàng, chủ yếu trên tư duy người viết lịch sử, không phải tư duy làm bảo tàng. Bảo tàng là câu chuyện hiện vật, không có hiện vật không thể thiết kế trưng bày. Khoảng 7-8 năm đầu tiên của giai đoạn 2 từ 2010, nhân viên bảo tàng bị gạt ra ngoài lề.

Sai lầm thứ ba bắt nguồn từ sai lầm thứ hai. Dựa trên cơ sở đề cương do nhóm chuyên gia chấp bút, Hà Nội mời các nhóm chuyên gia nước ngoài từ New Zealand, Nhật Bản thiết kế. Họ thất bại vì không thể “gột nên hồ” từ những hiện vật chỉ tồn tại trên giấy. Ông Nguyễn Đức Chung khi nhậm chức Chủ tịch UBND TP. Hà Nội quyết định dừng thi công thiết kế cũ, yêu cầu làm lại và cho người làm bảo tàng thực sự vào cuộc, nghiên cứu và xây dựng đề cương thật sự trên nền tảng hiện vật trong kho.

CHỜ BẢO TÀNG HIỆN ÐẠI

Diện tích trưng bày bảo tàng theo đề án lên tới 10 nghìn m2. Ông Nguyễn Tiến Đà cho biết, có khoảng 70 nghìn tài liệu, hiện vật kể câu chuyện Thăng Long-Hà Nội. Bảo tàng Hà Nội có 7 chủ đề: Thiên nhiên, Hành trình đến Thăng Long, Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt, Hà Nội thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Kháng chiến và giành độc lập (1873 - 1954) và Kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội trên đường đổi mới. Mỗi chủ đề có các tiểu chủ đề bổ sung, tạo ra cái nhìn độc đáo như Giảng Võ đường, Kẻ chợ, thành phố thuộc địa...

Việc lấp đầy nội dung của Bảo tàng Hà Nội đang vào guồng. Hy vọng có được bảo tàng hiện đại, hấp dẫn cho Thủ đô đang trông cậy vào đội ngũ chuyên gia gắn bó với nhiều bảo tàng Việt Nam. Đó là bà Véronique Dollfus- nhà thiết kế trưng bày người Pháp và bà Christine Hemmet và các chuyên gia khác. Hai chuyên gia hàng đầu này từng hợp tác làm Bảo tàng Dân tộc học, đổi mới bảo tàng Phụ nữ, xây dựng trưng bày ở Đắk Lắk, đổi mới trưng bày ở Dinh độc lập.

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học được mời tham gia vào quá trình cố vấn thiết kế. “Tôi ủng hộ chủ trương của Hà Nội có gì trưng bày nấy, không chạy theo mua thêm hiện vật, mà chỉ mua thêm ảnh và bổ sung ảnh từ các trung tâm lưu trữ ở Pháp, tích cực sưu tầm với kinh phí ít ỏi. Tôi cho rằng Bảo tàng Hà Nội sẽ trở thành bảo tàng hiện đại cả về thiết kế, quan niệm trưng bày và trang thiết bị nhưng không quá lạm dụng trang thiết bị mà đảm bảo sự hài hòa với nội dung”, ông nói.

Là chuyên gia hàng đầu về bảo tàng ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nêu ý kiến: ngoài thiết kế nội thất và trưng bày, lãnh đạo bảo tàng nên nghĩ tới cải tạo không gian ngoài trời cho thật sự hấp dẫn. Hiện nay các phần phỏng dựng phố cổ, không gian làng nghề xuống cấp và không có điểm nhấn. “Chúng tôi đã thảo luận rồi, sau khi hòm hòm phần trưng bày phải lo tới phần ngoài trời. Đây là nội dung nhiều thách thức, đòi hỏi phải mạnh dạn đầu tư, thay đổi quan niệm để tạo khu trưng bày ngoài trời không lặp lại Bảo tàng Dân tộc học. Nội dung này cần mới mẻ, độc đáo hấp dẫn thể hiện văn hóa Hà Nội. Con đường vẽ ra rồi nhưng giải pháp chưa thật sự rõ ràng”, PGS. Huy nói.

Đón hàng trăm nghìn lượt khách, nhưng ông Nguyễn Tiến Đà bảo không lấy gì làm vui mừng. Khách tới bảo tàng hiện phần lớn ở trong các chương trình đưa học sinh tới học tập, tham quan, hoặc nhân dịp tổ chức một số sự kiện lớn. Để bảo tàng sống bằng cách bán vé hút khách là câu chuyện tương lai. Kiến trúc kim tự tháp ngược nếu được đầu tư, sử dụng nghệ thuật chiếu sáng về đêm để kể câu chuyện về Hà Nội cũng tạo nên nét khác biệt. Hiện nay, khuôn viên bảo tàng đang đi lệch với tư duy phát triển kinh tế du lịch, văn hóa cũng cần cải tạo lại để khai thác tối ưu và tạo thành sự kết nối với nội thất.

CHẬM  MÀ CHẮC

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nêu ý kiến: không nên một lúc ôm đồm hoàn thiện cả thiết kế trưng bày lẫn không gian trải nghiệm-nội dung để tăng tính tương tác và thu hút khách. “Bảo tàng ở ta là thiết chế sinh sau đẻ muộn trong khi thế giới cực kỳ phát triển. Tôi nghĩ bảo tàng Hà Nội nên chậm mà chắc, phải cử người đi nghiên cứu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu để tổ chức không gian trải nghiệm thực sự, không phải kiểu người ta đến cũng được mà không đến cũng chẳng sao”, ông nói. 

Bảo tàng Hà Nội thành lập năm 1982, đến năm 2009 được thành lập lại, nhưng trước đó chưa có nhà trưng bày. Công trình Bảo tàng Hà Nội khánh thành ngày 6/10/2010, có khuôn viên hơn 50 nghìn m2. Tòa nhà gồm bốn tầng nổi, hai tầng hầm với tổng diện tích xây dựng gần 12 nghìn m2. Tuy nhiên, bảo tàng chưa có trưng bày thường xuyên, chỉ có trưng bày chuyên đề ngắn hạn các sưu tập hiện vật của bảo tàng và một số nhà sưu tập tư nhân.

MỚI - NÓNG