Bộ quốc sử: Xứng tầm và toàn diện?

Còn thiếu vắng sách lịch sử hấp dẫn bạn đọc trẻ. Ảnh: TOAN TOAN
Còn thiếu vắng sách lịch sử hấp dẫn bạn đọc trẻ. Ảnh: TOAN TOAN
TP - Bộ quốc sử 30 tập đang trong giai đoạn chỉnh sửa và chờ nghiệm thu cấp Nhà nước. PGS.TS. Trần Đức Cường cho biết đây là bộ sử được đầu tư xứng tầm, chưa bao giờ đề cập toàn thể, toàn diện như vậy.

TOÀN DIỆN, TOÀN THỂ

PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thành viên Ban Chủ nhiệm đề án Quốc sử Việt Nam cho biết, bộ quốc sử đồ sộ gồm 25 tập chính sử, 5 tập biên niên đang ở giai đoạn chỉnh sửa, chờ nghiệm thu cấp Nhà nước. Chủ nhiệm đề án, Tổng chủ biên của bộ quốc sử là cố GS.TSKH.NGND Phan Huy Lê. Ông ra đi khi bộ sử dở dang là điều mất mát lớn của giới sử học nước nhà. Tuy thế, PGS Trần Đức Cường nói trước khi mất, GS Phan Huy Lê kịp nghiệm thu cơ sở toàn bộ bản thảo của 30 tập sách.

Bộ quốc sử: Xứng tầm và toàn diện? ảnh 1 Bộ lịch sử vùng đất Nam Bộ của GS Phan Huy Lê tổng chủ biên, đạt giải Sách vàng tại Giải thưởng Sách quốc gia 2019

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, liệu trong bộ sử này các nhà khoa học có lấp được một số khoảng trống mà trước đây các cuốn sách sử khác chưa làm được, PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định đây là bộ sử chưa bao giờ có điều kiện để biên soạn một cách “quy mô, đầu tư công sức cũng như nhận được sự quan tâm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như vậy”. Đề án Quốc sử Việt Nam do Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ đặt hàng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, thu hút gần 300 nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học. “Công sức của gần 300 nhà khoa học có thể nói tương xứng với thành quả bước đầu chúng tôi có được”, ông nói.

Sinh thời, GS Phan Huy Lê từng nhắc đi nhắc lại quan điểm về bộ sử toàn thể và toàn diện. GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ nhiệm đề án từng chia sẻ với PV Tiền Phong về nguyện vọng, nỗ lực của các nhà sử học trình bày lịch sử quốc gia, dân tộc theo hướng toàn diện, toàn thể không có khoảng trống.  GS Ngọc chủ biên tập 5 (thế kỷ 11-13), ở phía Bắc tương đương thời Lý, phía Nam tương đương vương triều Vijaya của Chăm Pa, mô tả lịch sử như nó diễn ra khách quan, trung thực nhất.

PGS.TS Trần Đức Cường, Phó Chủ nhiệm đề án (cùng với GS Vũ Minh Giang và GS. TS Nguyễn Quang Ngọc) khẳng định: “Đối tượng viết sử là tất cả những gì đã xảy ra trên đất nước Việt Nam. Đây là lịch sử của quốc gia đa tộc người, 54 dân tộc anh em sống trên dải đất Việt Nam. Mỗi dân tộc có lịch sử chung đóng góp vào lịch sử của đất nước, nhưng đều có nét riêng trong lịch sử của mình kể cả trong lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế. Tính toàn thể, toàn diện được xác định rõ ràng trong bộ sử”.

Mỗi tập sử dài 700-800 trang, có nhiều tư liệu mới và đặc biệt cách tiếp cận mới- cách tiếp cận đa bộ môn, liên ngành: khảo cổ học, sử học, dân tộc học, chính trị học, văn hóa học, kinh tế học, tôn giáo học... trước đây cũng có tính đa ngành, liên ngành nhưng bây giờ được đề cập sâu rộng hơn. Nguồn tư liệu ngồn ngộn được khai thác từ các trung tâm lưu trữ quốc gia, các thư viện của các trường đại học, tư liệu nước ngoài và khai thác từ nguồn điền dã. PGS.TS Trần Đức Cường cho biết, dịp này các nhà khoa học đến nhiều vùng đất trong đó có Tây Nguyên tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử vùng đất, các tộc người. Ông cam kết, giới sử học thúc đẩy nhanh quá trình tu chỉnh, làm sao sớm nghiệm thu để ra mắt công chúng bộ quốc sử đồ sộ này.

THIẾU SÁCH SỬ HẤP DẪN

Hội sách trực tuyến mừng Ngày sách Việt Nam 2020 được tổ chức trên sàn book365.vn, khai mạc sáng 19/4. Dịp này, PGS.TS Trần Đức Cường cũng được mời giao lưu trực tuyến về chủ đề Sách lịch sử và bạn đọc, vào chiều 20/4. Mảng sách lịch sử thời gian gần đây được biên soạn dày công, in ấn đẹp không thua kém sách nước ngoài. Bộ sử gồm 15 tập khoảng 10 nghìn trang do PGS.TS Trần Đức Cường làm tổng chủ biên, là bộ thông sử đề cập sử Việt Nam từ khởi thủy tới năm 2000. Bộ sách nhận Giải vàng sách hay năm 2015 do Hội Xuất bản trao tặng. Bộ 12 tập về lịch sử Nam Bộ (Vùng đất Nam Bộ-Quá trình hình thành và phát triển) do cố GS.TSKH. NGND Phan Huy Lê làm tổng chủ biên vừa được trao giải Sách vàng tại Giải thưởng sách quốc gia 2019.

Trước câu hỏi của PV Tiền Phong về hiện tượng chưa nhiều bạn trẻ yêu sách sử, PGS.TS Trần Đức Cường thẳng thắn thừa nhận, người Việt ai cũng yêu lịch sử dân tộc, tuy nhiên yêu sách sử và thích đọc sách sử không nhiều. “Đây là vấn đề các nhà nghiên cứu, biên soạn từ sách giáo khoa cho tới các dòng sách khác phải có trách nhiệm. Đọc sách sử để học và hiểu về quá khứ, hiện tại và đoán định tương lai. Lịch sử là trí tuệ, ký ức của dân tộc nên chắc chắn ai ai đều muốn biết và thấu hiểu, chỉ có điều chưa có nhiều cuốn sách hấp dẫn mà thôi”, ông nói.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, biên soạn sách sử, PGS.TS. Trần Đức Cường phân tích cần phân chia ra nhiều dòng sách phù hợp với từng đối tượng người đọc. “Tôi nghĩ các nhà viết sách, xuất bản nên chú ý tới dòng sách sử cho thiếu nhi. Tôi còn nhớ mãi tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, hơn 60 năm nay tôi vẫn nhớ như in. Những cuốn sách ấy trước hết phải tôn trọng sự thật lịch sử, phần hư cấu của người viết cần có nhưng không được làm cho người đọc hiểu sai nhân vật, hiểu sai sự kiện, chuyển biến trên đất nước ta”, PGS.TS Trần Đức Cường nói.

Một số tiểu thuyết lịch sử được giới sử học đánh giá viết chân thực về lịch sử và cuốn hút: Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng). Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu ý tưởng có thêm nhiều tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình về lịch sử-cách đưa lịch sử đến gần công chúng nhanh nhất. 

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.