Chuyện ở và đi lại tại Vesak

Đại biểu dịch chuyển bằng xe điện trong khuôn viên Tam Chúc
Đại biểu dịch chuyển bằng xe điện trong khuôn viên Tam Chúc
TP - Số báo ra ngày hôm qua chúng tôi nói qua chuyện ăn ở Vesak Tam Chúc. Nói qua vì dung lượng của một bài chân trang câu thúc số lượng chữ nên chưa có điều kiện tỉ mỉ nhiều chuyện sinh động phong phú quanh chuyện ăn tại Vesak 2019. Kỳ này cũng nói… qua chuyện ở và đi lại của các đại biểu dự Đại lễ. 

Việc trọng Vesak diễn ra tại ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang ngày thứ hai. Việc trọng nên bấn bíu bao sự, nhưng không được phép bối rối tạo ra những sơ suất không đáng có. Hầu hết các chức sắc của hệ thống giáo hội đều được phân công những mảng quan trọng dịp Đại lễ Vesak này. Một trong những mảng bận bịu đó là việc lo ở và đi lại cho các đại biểu. Phần việc phức tạp ấy được dồn lên vai  Đại đức Thích Thanh Tuấn Phó Văn phòng I Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

Vốn hay ghé chùa Quán Sứ cùng vài vị đại đức, tu sĩ quen biết, dịp cuối năm 2014, tôi được các thày cho dự ké cuộc bổ nhiệm nhân sự của Giáo hội Phật giáo. Đó là thể thức  trao quyết định cho một vị đại đức có tên là Thích Thanh Tuấn  vào chức vụ Phó VP 1 T.Ư GHPGVN. Nhân việc suy cử, mới hay đây là hoạt động để kiện toàn nhân sự của văn phòng Giáo hội nhằm đáp ứng việc thực hiện và triển khai các hoạt động Phật sự của GHPGVN trong thời gian tới. 

Khi ấy nghe vậy thì biết vậy vì việc Phật sự của Giáo hội mình biết gì? Giờ nghe Ban tổ chức Vesak công bố đầu mối liên lạc tại Đại lễ Vesak về chức danh và công việc của Đại đức Thích  Thanh Tuấn mới bừng tỉnh rằng Giáo hội Phật giáo quả quá biết lo xa!  Hóa ra vị trí Phó văn phòng là để ứng và xứng vào những dịp nhà có việc như thế này đây!
Chợt nhớ  hoạt động đại lễ Vesak do chính phủ bảo trợ. Thì đã đành các bộ phận có trách nhiệm cùng các nhà chức việc của Chính phủ phải cùng xúm tay với giáo hội lo chung. Nhưng người chịu trách nhiệm cụ thể vẫn phải lãnh phần khó nhất? Trong câu chuyện vắn tắt vị Phó Văn phòng này vẫn khiêm nhường là may mà có sự xúm tay giữa Đạo với Đời nên Vesak đã và đang êm xuôi.

Vesak 2019 sẽ đón khoảng 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu, học giả... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ. 112 quốc gia tham dự Đại lễ Vesak 2019. Các quốc gia có đông đảo đại biểu tham dự gồm Sri Lanka (178 đại biểu), Ấn Độ (169 đại biểu), Trung Quốc (99 đại biểu), Bangladesh (49 đại biểu), Mỹ (47 đại biểu)... Khách trong nước cần lưu trú cũng tròm trèm gần 3.000 vị. Tất cả các hoạt động Vesak đều diễn ra tại Tam Chúc. Tam Chúc, Hà Nam chưa kịp xây khách sạn. Tôi cố hình dung ra những tất tả bươn bả của vị đại đức Phó Văn phòng những ngày qua đã phối hợp với bộ phận Lễ tân do Thượng tọa Thích Quang Thạnh phụ trách lo chỗ ở cho khách quốc tế và trong nước tại 4 khách sạn Deawoo, La Thành… tại Hà Nội. Và 8 khách sạn tại Hà Nam cùng 9 khách sạn tại Ninh Bình ra sao. Tất cả phải đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao. Rồi phải luôn giữ liên lạc thông suốt với Đại diện Vietravel - đơn vị phụ trách hậu cần Đại lễ Vesak với 150 hướng dẫn viên, 350 tình nguyện viên luôn túc trực tại sân bay và các điểm đón.

Cũng cần mở ngoặc chút, do không có điều kiện để được diện kiến ngài Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Phó Ban kiêm chánh Thư ký Ban Phật giáo quốc tế T.Ư GHPGVN,   Phó Tổng Thư Ký Ủy ban Tổ chức quốc gia phụ trách lễ tân Đại lễ Vesak 2019, mạo muội gửi một email đi. Và may, tôi nhận được  hồi âm của thầy với những dòng chia sẻ vắn tắt. “Đại lễ Vesak không chỉ là sự kiện dành riêng cho Phật giáo mà còn cho đất nước, con người Việt Nam. Vì vậy, các thầy, tình nguyện viên, hướng dẫn viên tiếp đón chu đáo để thể hiện được sự trọng thị, thân thiện, hiếu khách của con người Việt Nam vốn có”. Cũng cần nói thêm, Thượng tọa Thích Quang Thạnh tuổi chưa cao ( (sinh năm 1968) nhưng ngài rất uyên bác về Phật pháp và siêng năng Phật sự.  Cánh báo chí nhiều người quen biết với ngài. Nhiều bài giảng về tôn giáo sinh động hấp dẫn của ngài được truyền tụng rộng rãi như Hạnh phúc của người Phật tử. Những chướng ngại trong tu tập. Sức mạnh của đồng tiền…  

Ở là thế. Còn việc đi lại?  Tại Hà Nội, khách ở các khách sạn khác nhau ngoài phương tiện riêng, điểm đón khách đi Vesak Tam Chúc tập trung tại Cổng chùa Quán Sứ. Hà Nam có 2 điểm đón. Ninh Bình 3 điểm đón. Thầy Thích Thanh Tuấn và cộng sự luôn  luôn là đầu mối nối liền với các khách tại những điểm đón ấy. Phải nhắc nhở, khuyến dụ để khách phương xa phòng nhỡ có ai đó chưa quen với múi giờ phải khắc phục để không lỡ chuyến. Viết đến đây phải rân rân cái cảm giác gần như tự hào bởi Việt Nam mình thời gian qua đã gắng gỏi nhiều thứ để có cơ sở hạ tầng đường sá ngon lành như bây giờ.

Chuyện ở và đi lại tại Vesak ảnh 1

Các tăng ni phật tử các nước di chuyển vào chùa Tam Chúc dự lễ khai mạc Vesak 2019

Thầy Thích Thanh Tuấn đọc vanh vách các lộ trình cụ thể như một thành tựu đổi mới. Hà Nội - Tam Chúc 68 km. Các điểm đón Hà Nam - Tam Chúc 20 km. Ninh Bình- Tam Chúc 58 km. Tính sơ sơ lộ trình vận chuyển cũng trên 100 lượt  xe mỗi ngày. May đường sá tốt lại có sự trợ giúp của xe dẫn đường bên CSGT, nên người phụ trách khách sạn và vận chuyển như thầy Thích Thanh Tuấn cũng vợi đi nhiều cái lo. Vậy nên bữa khai mạc Vesak đúng 8 giờ sáng ngày 12/5, tất cả các đại biểu nghỉ ở Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình đều có mặt tại hội trường trước đó 15 phút! May không có đại biểu nào bị nhỡ xe!  Và nữa, khách dự Vesak  cũng hoan hỉ trước công trình mới thỏa công sức của ông chủ sự Nguyễn Văn Trường kịp thời sắm sanh hệ thống trên 400 xe điện giăng mắc ngày đêm phục vụ cho các Phật tử, người dân và du khách trong dịp Đại lễ. Bởi không gian chùa Tam Chúc rất lớn, khoảng cách từ cổng Tam quan ngoại vào Tam quan nội tới 4 km.

Kết thúc cuộc gặp chóng vánh với người đặc trách Vesak mảng khách sạn - vận chuyển của giáo hội, tôi ghi nhận thêm một nỗi bộn bề của hai ngày còn lại của đại lễ. Một nghĩa cử nhằm quảng bá hình ảnh - đất nước Việt Nam thông qua công tác tổ chức tour tâm linh, hành hương chiêm bái, tham quan bên lề cho Vesak 2019, Ban tổ chức đã tài trợ ba tour du lịch miễn phí cho các đại biểu quốc tế đến Tràng An - Bái Đính, Yên Tử - Hạ Long và Fansipan - Sa Pa. Việc đưa đón các vị khách sẽ được tổ chức và diễn ra như thế nào cho mọi sự êm lọt? Và nữa, ngày cuối cùng, 15/5, trọn từ tinh mơ cho tới đêm khuya những chuyến đưa tiễn các đại biểu quốc tế ra phi trường được diễn tiến ra sao chắc chắn các thành viên Ban khách sạn- vận chuyển của thầy Thích Thanh Tuấn chả thể thư thả được?

Tại Hà Nội, khách ở các khách sạn khác nhau ngoài phương tiện riêng, điểm đón khách đi Vesak Tam Chúc tập trung tại cổng chùa Quán Sứ. Hà Nam có 2 điểm đón. Ninh Bình 3 điểm đón. Thầy Thích Thanh Tuấn và cộng sự luôn  luôn là đầu mối nối liền với các khách tại những điểm đón ấy.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.