Cùng Hồ Quang Minh làm 'Thời xa vắng'

Đạo diễn Hồ Quang Minh và Nhà quay phim Trần Hùng
Đạo diễn Hồ Quang Minh và Nhà quay phim Trần Hùng
TP - Tôi biết anh Hồ Quang Minh từ những năm 80 của thế kỷ trước,  qua lời giới  thiệu của ông anh con ông  bác  ruột tôi,  anh Quách Mạnh Kha-một trong những chủ nhiệm phim  xuất sắc  đã cộng tác với anh Minh làm phim “Con thú tật nguyền”.

Tôi biết anh Hồ Quang Minh từ những năm 80 của thế kỷ trước,  qua lời giới  thiệu của ông anh con ông  bác  ruột tôi,  anh Quách Mạnh Kha-một trong những chủ nhiệm phim  xuất sắc  đã cộng tác với anh Minh làm phim “Con thú tật nguyền”.

Gặp nhau đầu tiên vào một buổi chiều ở khách sạn Hòa Bình, phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Anh Minh mặc chiếc áo sơ mi kẻ sọc nhỏ chìm, áo khoác ngoài  nhã  nhặn, lịch sự. Anh cười vui và  bảo  trông tôi giống  anh Quách Mạnh  Kha. Còn  nhà quay phim Lê Đình Ấn cùng có mặt lúc ấy thì chỉ nhìn tôi, gật đầu nhưng không nói gì. Tôi cứ nghĩ là ông ấy ít nói nhưng sau này  nghe anh Minh kể vui, làm phim  với ông Ấn  thấy nói lắm quá, anh đề nghị nói ít đi, ông ấy bèn lấy băng dính băng mồm lại và viết lên đó hai  từ “Không nói!”.

Tôi vào trường Sân  khấu điện ảnh (SKĐA) học quay phim khá muộn sau khi đã theo phụ mấy năm cho các nhà quay phim kỳ cựu của Hãng phim truyện Việt Nam như Nguyễn Đăng Bẩy, Khánh Dư, Xuân Chân, Nguyễn Hữu Tuấn… Hết  năm  thứ hai,  tôi gặp lại anh Minh trong  trường SKĐA Mai Dịch. Anh em  gặp lại nhau rất vui,  anh hẹn  tôi ra quán  cà phê và nói  chuyện nhiều. Anh muốn xem ảnh bài tập của tôi, hỏi tôi quan niệm về con người, bối cảnh, ánh sáng, không khí-tạm gọi đấy là một buổi test về nghề nghiệp. Tôi nể anh, một đạo diễn có  bằng  tiến sỹ vật lý đã đi khắp thế giới chào hàng cho tàu hỏa leo dốc của Thụy Sĩ (trước khi qua  Pháp học đạo diễn). Anh đã từng làm trợ lý cho đạo diễn Lê  Lâm trong phim “Long Vân Khánh Hội”.

Anh Hồ Quang Minh học đạo diễn cũng lạ, anh kể anh đã xem hết tất cả các phim trong kho phim của nhà trường để phân loại và đánh giá  theo cách riêng của anh. Như tôi hiểu, anh Minh đã nhanh chóng  tiếp cận nhiều nền điện ảnh của các nước tân tiến một cách thấu đáo. Anh  còn  có một lợi thế nữa là rành tới  7 ngôn ngữ. Còn nhớ  một kỷ niệm vui, một lần đi bar ở Sài Gòn, anh đã dịch cho tôi nói chuyện thoải  mái với mấy cô gái đến từ các nước khác nhau, Anh, Pháp, Đức, đủ cả.

Sau phim “Trang giấy trắng”, Hồ Quang Minh rất hay ra Hà Nội. Vào mùa thu những năm 90 thì anh hay đi với anh Ngụy Ngữ và hay rủ tôi đi cùng. Anh Ngữ dễ gần, đầy chất Nam Bộ, lai rai tốt. Tôi quý anh Ngụy Ngữ như một anh Hai Sài Gòn hào sảng, gần gũi, chịu chơi. Và từ đó mấy anh em chơi với nhau tâm đầu ý hợp. Anh Minh làm đạo diễn phim “Bụi Hồng”, kịch bản của Ngụy Ngữ, với danh nghĩa hãng phim Giải Phóng, bối cảnh ở Huế, quay phim Lê Đình Ấn, trợ lý đạo diễn Quang Đại. Anh Đại nói, thời gian làm trợ lý cho anh Minh, Đại học được từ anh Minh rất nhiều – dàn cảnh lớn, khai thác bối cảnh, nhất là cách mà anh Minh chọn diễn viên không chuyên. Anh Minh rất thích làm việc với các diễn viên không chuyên vì anh cho rằng họ không bị gò bó với kiến thức sân khấu, thoát ra được cái gọi là diễn.

Bộ phim “Thời xa vắng” nhẽ ra được làm từ những ngày tôi và anh Minh mới quen nhau như đã nói ở trên. Phim đã triển khai, ê-kíp đã được chọn lựa: quay phim Lê Mạnh Thích, họa sỹ Nguyễn Ngọc Tuân. Thậm chí đã quay thử và đi chọn cảnh một số nơi. Anh Minh chọn tôi làm trợ lý cho anh với vai trò hỗ trợ cho nhà quay phim Lê Mạnh Thích. Tôi được anh Minh giao cho máy Leica và một hộp phim 60m đen trắng Np55 của CHDC Đức để chụp chọn cảnh và diễn viên. Trước khi vào lại Sài Gòn anh Minh muốn tìm hiểu về âm nhạc cho phim và tôi đưa anh đến gặp Đặng Hữu Phúc, một nhạc sỹ hơn tôi vài tuổi nhưng chơi với nhau từ lúc “Trăng chiều”. Tất cả đã sẵn sàng, thế nhưng ngày ấy phim bị tạm dừng do “nhạy cảm”.

Mãi tới năm 2002, tôi đang ở Vũng Tàu quay bổ sung cho phim “Chuyện tình của biển” (đạo diễn Lê Đức Tiến, quay phim Trần Quốc Dũng) thì nhận được điện thoại của anh Hồ Quang Minh. Anh Minh mừng rỡ báo kịch bản phim “Thời xa vắng” vừa được duyệt, anh xin được tài trợ của Bộ ngoại giao Pháp và Cộng đồng Pháp ngữ và mời tôi quay phim chính cho “Thời xa vắng”.

Một buổi sáng, anh Minh và vợ anh – chị Phương Dung đón tôi tại bến tàu Vũng Tàu - Gài Gòn. Anh chị đưa tôi về căn hộ ở Phú Mỹ Hưng, thết đãi ngon lành rồi bảo: Hùng ở đây một tuần mà đọc và nghiên cứu kịch bản nhé, tầng 3 đã chuẩn bị thơm tho sạch sẽ rồi. Trong suốt một tuần cấm cung ấy, thỉnh thoảng anh lại lấy con xe “cào cào” (loại xe vợ chồng anh rất thích và mang về cả dàn từ Cam-pu-chia sau đợt làm phim “Trang giấy trắng”) để đón tôi đi chơi. Sau một tuần hai anh em đã thống nhất tạm ổn và bàn nhau về chọn cảnh ngoài Bắc, nơi mà anh Minh nói anh không rành. Tháng sau, anh Minh ra ngoài Hà Nội. Hai anh em quyết định chở nhau đi chọn cảnh bằng con xe Yamaha YD125 của tôi mua từ năm 1994 sau khi lấy vợ và có con trai đầu. Anh Minh vẫn gọi đùa con xe ấy là “Già mà ham”.

Chưa thành lập đoàn phim, chỉ có hai anh em đi mô-tô dọc đê sông Hồng, từ đê nhìn xuống, nếu thấy thích chỗ nào thì đi xuống để chụp ảnh nghiên cứu xem có đủ điều kiện làm bối cảnh cho phim không. Rong ruổi cả tuần, ngày đi đêm tìm khách sạn ngủ, hôm sau lại đi tiếp. Đầu tiên muốn đi tìm một dải đê cao để quay cảnh đạp xe trên mặt đê mà góc máy ở cảnh viễn. Cuối cùng chúng tôi chọn được đoạn đê ở Hải Thịnh, một con đê ngăn nước biển, đủ độ cao và tầm nhìn. Còn bối cảnh làng quê và cây cối thì vòng vèo tìm mãi cả tháng trời, chốt lại chọn Dốc Lã cách phố Hiến, Hưng Yên vài cây số để lấy bối cảnh chính. Cây cối ở chợ Đình Cáy, anh Minh rất thích.

Hồ Quang Minh đăng tuyển chọn diễn viên ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Chẳng chọn diễn viên từ những người đến xin tuyển (cho nhân vật chính Sài), anh lại chọn quân, một họa sỹ tình cờ thấy tuyển diễn viên thì đến xem. Anh Minh để ý vì anh thấy Quân có nét hao hao Lê Lựu, giọng nói khào khào, anh bảo vì phim sẽ thu thanh đồng bộ nên giọng của quân sẽ gây cảm giác mạnh. Vụ chọn diễn viên kết thúc nhanh chóng vì nhân vật Tuyết đã có sẵn Phương Dung ngay từ lúc có kịch bản. Chỉ khổ nỗi, vai Tuyết  phải gầy và trông thôn nữ thì Phương Dung lại có vẻ hiện đại và to cao (1m72, 65kg). Phương Dung phải nhịn ăn và tập giảm 9kg, vào vai Tuyết rất thành công (đoạt giải diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Singapore). Một vai nữa cũng hết sức quan trọng là Hương, thoạt tiên định giao vai cho người khác nhưng hôm hai anh em trên đường đi Đồ Sơn họp quyết định tổng thể cho phim thì tiện đường tạt qua Cung Văn hóa Việt Tiệp (Hải Phòng) để xem mặt “một em rất đẹp” – theo lời giới thiệu của cô giáo huấn luyện của Cung.

Cùng Hồ Quang Minh làm 'Thời xa vắng' ảnh 1

Đạo diễn Hồ Quang Minh trong một lần ra Bắc

Mấy lần trước anh Minh qua không gặp, đã định thôi. Nguyễn Thị Huyền xuất hiện ngược sáng, tôi nhìn thấy hàm răng cười trắng muốt, mặt như tượng Phật, Huyền mặc áo đen trông nền nã, rất Việt Nam – tôi thích, anh Minh cũng thích. Hai anh em hoãn luôn chuyến đi Đồ Sơn, về nhà Huyền chụp ảnh và quyết định sẽ huấn luyện một số kỹ thuật diễn xuất để đưa Huyền vào vai Hương. Một số diễn viên phụ cũng được anh Minh chọn lựa kỹ theo cách của anh. Bùi Hà Miên chẳng hạn, được tìm thấy trong một lần hai anh em ngồi ở đầu cổng trường Âm nhạc quốc gia, gặp em thấy da trắng như trứng gà bóc, mặt xinh cá tính, khoác đàn Cello to đùng, trông ngơ ngác. Mời về diễn thử, Hồ Quang Minh xúc động bảo: cô này cảm thụ âm nhạc tốt và diễn như không diễn.

Khi bắt tay làm phim “Thời xa vắng” thì mới là phim nhựa thứ hai tôi quay. Anh Minh bảo Hùng cứ quay đi, anh sẽ cho Hùng chơi tới bến. Anh nói và làm thế thật. Nhiều hôm tôi cầu kỳ đặt đèn mất đến vài tiếng đồng hồ, anh cũng để cho tôi làm, không sốt ruột, chỉ nói: anh thấy đẹp lắm rồi. Có một cảnh quay ở núi Thằn Lằn, phía dưới là doanh trại bộ đội, trên đỉnh đồi có dãy lô cốt rất đẹp nhưng tôi bảo “đẹp quá cũng không phù hợp với không khí của phim”. Thế là phải tốn vào đấy 500 lít xăng, không biết đã đốt bao nhiêu là cây bạch đàn để tạo màu vàng đen cho có dấu ấn chiến tranh! Một lần khác, tôi đang loay hoay vì hai cây nhãn cổ thụ vướng trước khuôn hình. Thấy vậy, anh Minh cho đoàn dừng để tìm cách bứng cả hai cái cây to bự ấy đi. Khi tôi thấy thời tiết xấu hoặc chưa ưng màu trời, nói với anh Minh, anh thấy hợp lý là chấp nhận. Không phải làm phim nào nhà quay phim cũng được tôn trọng gần như tuyệt đối như thế. Tôi rất biết ơn anh Minh đã cho tôi cơ hội để thăng hoa.

Cách đây hai năm, trong một lần ra Hà Nội đi chơi với nhau. Anh Minh tâm sự đang có một chấm nhỏ ở phổi, các bác sĩ Thụy Sĩ đang kiểm tra nhưng chưa kết luận, có lẽ sẽ không sao đâu… anh Minh hay ra Hà Nội vào mùa thu, lần nào ra cũng đi chơi cùng với tôi. Anh thích mùa thu và cốm, Nhi vợ tôi (hồi trước khi mất) giới thiệu anh Minh cho hàng cốm cô ấy quen trong chợ Hàng Bè. Anh mua nhiều thành ra thân thiết, lâu lâu chưa thấy anh qua bà bán cốm lại hỏi: dạo này chưa thấy anh Minh ra nhỉ. Lần trước tôi qua thì bà hỏi “sao chị ấy không đi mua cốm cho anh”. Hôm nay cuối thu, nếu ghé bà sẽ lại hỏi “anh Minh năm nay có ra Hà Nội không”. Tôi sẽ chẳng thể trả lời được.

Những người thân yêu của tôi cứ lần lượt chia tay không hẹn ngày trở lại! Nhưng anh Minh là người tụ tập lâu năm, anh thì thầm bảo tôi: Hùng ạ, người ta sống mà không biết chấp nhận cái chết thì làm sao sống nổi?

Đêm cuối thu, Hà Nội ngày 21/10/2020

 

Đạo diễn Hồ Quang Minh qua đời hôm 16/10 tại nhà riêng ở TPHCM, thọ 71 tuổi. Đầu năm 2020, ông từ Thụy Sĩ về Việt Nam để ra đi trên quê hương, với tâm nguyện được rải tro ngoài biển khơi.

Đạo diễn Hồ Quang Minh sinh ngày 15/4/1949 tại Hà Nội. Sau năm 1954, ông theo cha mẹ vào miền Nam sinh sống rồi sang Thụy Sĩ, là người Thụy Sĩ gốc Việt.

Ông Hồ Quang Minh là một trong những đạo diễn Việt kiều tiên phong làm phim ở Việt Nam từ năm 1981. Các tác phẩm của ông: “Phường tôi”, “Con thú tật nguyền”, “Trang giấy trắng”, “Bụi hồng”, “Thời xa vắng”. “Thời xa vắng” là phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu - tác phẩm gắn liền với tên tuổi của đạo diễn Hồ Quang Minh. Tác giả bài viết - Nhà quay phim Trần Hùng (sau được phong Nghệ sĩ ưu tú) tham gia phim này.

MỚI - NÓNG