Di tích nhà Vương: Lại kêu cứu, khúc mắc lợi ích

TP - Chuyện dinh thự họ Vương vẫn chưa yên. Nhiều tháng nay ông Vương Duy Bảo là đại diện chủ sở hữu nhiều lần gửi đơn thư tới các cấp kêu cứu vì di tích xuống cấp cũng như khúc mắc phân chia lợi ích từ tiền bán vé.

DI TÍCH XUỐNG CẤP

Lùm xùm quanh dinh thự họ Vương âm ỉ nhiều năm nay. Những tưởng yên ổn khi tỉnh Hà Giang trả lại sổ đỏ cho 16 hộ gia đình con cháu họ Vương năm 2019, nhưng ông Vương Duy Bảo- đại diện 16 gia đình sở hữu tòa dinh thự - suốt thời gian qua vẫn miệt mài viết đơn thư gửi khắp các cấp. Mới nhất là văn bản gửi Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề ngày 27/7. Ông Vương Duy Bảo đề xuất trả lại bằng ghi nhận di tích quốc gia vì “vinh dự đâu chẳng thấy, chỉ thấy đau buồn, xót xa”. Trong văn bản này, ông Bảo nêu thực trạng di tích xuống cấp tới mức “sắp thành phế tích”.

Để chứng minh, ông Bảo ghi hình những hình ảnh xập xệ của khu dinh thự trăm tuổi đưa lên mạng xã hội. Cụ thể, bên trong khu bảo vệ I của di tích, phần ngói phía trước bị xô lệch, vỡ. Tường bong tróc do thấm nước. Một số cấu kiện gỗ bị mục. Ông Bảo còn chỉ ra một số hạng mục do huyện Đồng Văn xây dựng không đúng trong khu vực bảo vệ II của di tích, như công trình nhà bảo vệ, nhà vệ sinh.

Di tích nhà Vương: Lại kêu cứu, khúc mắc lợi ích ảnh 1 Ông Vương Duy Bảo phản ánh di tích xuống cấp.

“Kết luận thanh tra nêu rõ thực trạng xuống cấp của di tích rất nghiêm trọng, nhiều công trình xây dựng vi phạm quy định làm ảnh hưởng di tích. UBND huyện tự ý thay hệ thống hứng, dẫn nước... Tuy nhiên tới nay mọi vi phạm vẫn còn nguyên, chưa bị xử lý”, ông Vương Duy Bảo nêu. Hồi tháng 2, ông Bảo có bản kiến nghị 6 nội dung gửi UBND tỉnh Hà Giang, trong đó có nội dung kêu cứu thực trạng xuống cấp trầm trọng của khu nhà Vương.

Ban Tiếp dân Công an tỉnh Hà Giang có biên bản làm việc ngày 29/2/2020, ghi nhận kết quả xác minh 6 nội dung ông Bảo kiến nghị. Thanh tra tỉnh có biên bản kết luận ngày 10/3/2020, rằng các nội dung ông Bảo kiến nghị được xác minh là đúng. Trong 6 điều này đáng chú ý là nội dung cần bảo vệ, trùng tu di tích trước hiện trạng xuống cấp, nguy cơ sụp đổ ở một số hạng mục.

KHÚC MẮC LỢI ÍCH

Sau khi trả lại sổ đỏ cho con cháu nhà họ Vương, tỉnh Hà Giang cũng giao huyện Đồng Văn hoàn thiện Quy chế quản lý khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia dinh thự nhà Vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn). Đầu năm 2020, huyện trao bản quy chế cho hậu duệ dòng họ Vương. Theo đó, tiền thu từ vé tham quan được trích nộp một phần vào ngân sách nhà nước, một phần sẽ được chia lại cho hậu duệ dòng họ Vương.

Di tích nhà Vương: Lại kêu cứu, khúc mắc lợi ích ảnh 2 Chưa tìm được tiếng nói chung trong quản lý di tích nhà Vương

Liên quan tới việc quản lý di tích họ Vương, quy chế xây dựng theo lí luận của ông Vương Duy Bảo là chưa thỏa đáng. Ngày 10/7/2020, ông Bảo gửi đơn kiến nghị tới ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Đại diện chủ sở hữu khu nhà họ Vương cho rằng UBND huyện Đồng Văn vi phạm điều 16 khoản 1 của Luật Di sản Văn hóa về quyền và nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ di sản “tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa có các quyền, nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa”. Ông cho rằng nhiều năm nay UBND huyện Đồng Văn không tu sửa di tích, trong khi nguồn thu từ bán vé từ 2017 tới nay đạt hơn 7 tỷ đồng.

Ông Vương Duy Bảo nêu, trong các cuộc làm việc giữa các bên thống nhất tỷ lệ phân phối từ tiền bán vé, theo đó 70% để lại cho tổ quản lý di tích nhà Vương, số còn lại nộp ngân sách nhà nước. Các chủ sở hữu di tích được hưởng 20% của 70% để lại. Tuy nhiên thực tế ông Bảo phản ánh, khi thực hiện trích lợi nhuận cho các chủ sở hữu di tích nhà Vương lại xảy ra tình thế: Tổng số tiền thu được từ bán vé tham quan nộp ngân sách nhà nước 60%, còn lại 40% các chủ sở hữu chỉ được hưởng 20% trong số đó.

Tỷ lệ phân chia nói trên đã được nêu trong Quy chế do UBND huyện Đồng Văn ban hành tháng 2 năm nay. Ông Bảo cho rằng, UBND huyện Đồng Văn không thực hiện đúng quy định, bởi theo Nghị quyết số 45 ngày 11/12/2016 quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn, số tiền nộp ngân sách chỉ có 30%. Đại diện hậu duệ nhà họ Vương không chấp nhận mức phân chia trong quy chế, nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị. Nguyện vọng của ông Bảo không chỉ đòi lại quyền sở hữu đất đai mà còn phải được quyền quản lý nguồn thu và tu bổ di tích nhà Vương.

Liên hệ với ông Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, ông cho biết UBND huyện Đồng Văn được giao phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh Hà Giang tham gia tổ công tác làm rõ các vấn đề thắc mắc của ông Vương Duy Bảo.

Nghiên cứu giao họ vương quản lý nguồn thu
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ngày 29/5 có buổi làm việc với ông Vương Duy Bảo và ông Vương Quỳnh Sèo. Trong thông báo kết luận ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ngày 10/6 về cuộc làm việc nêu trên, lãnh đạo tỉnh yêu cầu: Rà soát, kiểm tra lại Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương theo hướng “Giao trực tiếp cho dòng họ Vương quản lý tiền thu phí tham quan theo quy định, Nhà nước thực hiện việc thu thuế, phí hoặc lệ phí theo pháp luật. Các khoản thu dịch vụ khác liên quan đến hạ tầng do nhà nước quản lý và thuộc sở hữu của nhà nước thì nhà nước quản lý theo quy định”. 
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu để tránh việc phát sinh khiếu kiện; yêu cầu các chủ sở hữu hợp pháp dòng họ Vương phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu, tham gia tổ công tác để giải quyết các thủ tục theo quy định.

Ngày 17/7/2020, Tỉnh ủy Hà Giang có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về tiếp nhận đơn của ông Vương Duy Bảo quanh hai nội dung: Từ 2017-2019 thu tiền bán vé tham quan nhưng không trích để tu sửa; nội dung thứ hai về phân phối tỷ lệ số tiền thu được từ bán vé. Thường trực Tỉnh ủy chuyển đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, rà soát, chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan và UBND huyện Đồng Văn kiểm tra, xử lý dứt điểm theo quy định.

MỚI - NÓNG