Dịch giả Kato Sakae: Lặng thầm bên văn xuôi Việt

TP - Ở Nhật Bản, người dịch văn học Việt Nam chuyên nghiệp chỉ có thể tính trên đầu ngón tay, Kato Sakae là dịch giả duy nhất chuyên mảng văn xuôi đương đại Việt. Chuyện cơm áo là nguyên nhân chính khiến nhiều người ngại dấn thân với nghề. Còn Kato Sakae lại cảm thấy may mắn với công việc lặng thầm, đưa văn học Việt sang xứ sở Anh đào.

Kato Sakae sinh năm 1953. Bà bảo: “Tôi đã ngoài 60 rồi mà, có cháu ngoại rồi”. Nhưng nghe giọng cười cùng sức làm việc của bà thì tuổi tác chỉ là con số. 40 năm gắn bó với Việt Nam, bà không nhớ mình đã sang Việt Nam bao nhiêu lần. “Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1978. Địa điểm dừng chân là TP Hồ Chí Minh. Tôi đến đất nước các bạn bằng chuyến bay đặc biệt, do một công ty du lịch ở Nhật Bản tổ chức tham quan một số địa danh ở Việt Nam. Lúc đó chồng tôi có nhiều bạn bè người Việt, vì thế vợ chồng chúng tôi tự ý bỏ đoàn đi tìm những người bạn của mình. Sau đó chúng tôi bị công ty du lịch phê bình nhiều lắm”.  Kato Sakae cười vui vẻ khi nhớ đến kỷ niệm lần đầu đặt chân đến Việt Nam.

Trước khi gắn bó với nghề dịch, Kato Sakae từng có thời gian dạy tiếng Việt ở các trường đại học, đó là công việc mang lại thu nhập tốt hơn việc dịch văn học Việt. Nhưng vì tình yêu Việt Nam và văn chương Việt, Kato Sakae bỏ hẳn nghề dạy học để chuyên thú với dịch thuật. Cả hai vợ chồng Kato Sakae đều yêu Việt Nam: “Khi trẻ, tôi  quan tâm đến chính trị quốc tế. Lúc đó Việt Nam có chiến tranh, các bạn dũng cảm chiến đấu với đế quốc Mỹ. Tôi sinh ra ở tỉnh Kanagawa, tại đây có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ. Ngay trước mặt nhà tôi có bệnh viện của quân đội Mỹ. Việt Nam là một nước nghèo và nhỏ vẫn dũng cảm chiến đấu với Mỹ. Chính vì thế tôi yêu Việt Nam”. Ban đầu, trong tiềm thức của Kato Sakae, nghĩ đến Việt Nam là bà lại nghĩ đến hình tượng người chiến sỹ “không có sự nhu nhược, chỉ có sự dũng cảm”. Nhưng  bà mới  phát hiện ra một điểm tương đồng giữa người Việt và người Nhật: “Người Việt Nam cũng như người Nhật: Có phái mạnh, có phái yếu”. Bà  cười lớn trước tổng kết mới toanh này.

Dịch giả Kato Sakae: Lặng thầm bên văn xuôi Việt ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Chưa bao giờ dịch thơ Việt

Kato Sakae không có may mắn được học tập, làm việc tại Việt Nam. Bà đến Việt Nam nhiều lần nhưng mỗi chuyến đi thường không kéo dài. Để có vốn sống về Việt Nam, Kato Sakae phải tranh thủ hết mức. Ngoài việc tích cực đọc sách, bà còn  nhiệt tình  bắt quen người Việt: “Cứ thấy người Việt Nam nào ở Nhật Bản tôi lại tìm đến để hỏi về Việt Nam. Trong quá trình dịch, chỗ nào không hiểu được, tưởng tượng không nổi tôi lại tìm đến người đó để hỏi”.

Kato Sakae nhớ lại những ngày đầu tiên học tiếng Việt ở Trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo: “Điều kiện học tập hồi ấy rất nghèo nàn, không có từ điển Nhật - Việt,  không có sách văn học dịch, cũng không có sách giáo khoa. Khi dạy tiếng Việt các thầy cô tự đánh chữ bằng máy đánh chữ, không có máy vi tính. Lúc đó sách Việt Nam in rất kém, bởi dưới thời bao cấp. Khi đọc chúng tôi phải cố sức tưởng tượng. Vì chưa có từ điển Nhật-Việt nên chúng tôi phải dùng từ điển tiếng Việt, tra từ điển tiếng Việt có khi cũng không thể hiểu ý nghĩa, lại phải tra từ điển Hán- Việt, rồi tưởng tượng ra ý nghĩa. Thế nên bây giờ tôi có đầu óc tưởng tượng rất phong phú”, bà hài hước.

Dịch giả Kato Sakae: Lặng thầm bên văn xuôi Việt ảnh 2

Nữ dịch giả biết đến văn học Việt đầu tiên bằng những tác phẩm văn học trước cách mạng tháng Tám: “Có một người bạn Việt Nam tại Nhật cung cấp cho tôi, hoặc tôi vào thư viện của Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo đọc”. Những sáng tác của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, nhóm Tự Lực Văn Đoàn… đã khơi dậy trong bà tình yêu với văn chương Việt. Qua một thời gian tìm hiểu văn chương Việt, bà đã chọn đường đi cho mình: Dịch văn xuôi đương đại. Những nhà văn đương đại đầu tiên bà có dịp làm quen qua tác phẩm là Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Mạnh Tuấn. Từ giữa thập niên 80 việc mua sách văn học Việt đã trở nên dễ dàng hơn: “Có hiệu sách ở Nhật Bản làm môi giới, tôi cũng mua được báo Việt Nam tại đây”. Những cuốn sách, báo từ Việt Nam sang đây có giá cao hơn ở quê nhà nhưng Kato Sakae vì yêu nên cảm thấy: “Không đắt lắm. So với mua ở Việt Nam cứ thêm số “zero”, chẳng hạn nếu mua ở Việt Nam khoảng 20 ngàn đồng thì ở Nhật bán từ 200 ngàn đồng hoặc 300 ngàn đồng”.

Hội nghị quảng bá văn học dịch ở ta lại không mời Kato Sakae. Bà hóm hỉnh: “Chắc tại tôi không dịch thơ bao giờ nên lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam không biết đến tôi”.

Đến nay Kato Sakae đã dịch hơn 10 đầu sách, trong đó có hơn 30 truyện ngắn, còn lại là truyện dài (tức tiểu thuyết), của những tác giả đương đại nổi tiếng như Dương Thu Hương, Ma Văn Kháng, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Ngọc Thuần… Ngạc nhiên thay, Hội nghị quảng bá văn học dịch ở ta lại không mời Kato Sakae. Bà hóm hỉnh: “Chắc tại tôi không dịch thơ bao giờ nên lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam không biết đến tôi”.

Kato Sakae thích văn Nguyễn Minh Châu, nên bà chọn một tác phẩm của ông để mở đầu cho nghề dịch văn học Việt. Với Nguyễn Huy Thiệp, Kato Sakae chỉ chọn một truyện ngắn duy nhất, có vẻ không nổi ở Việt Nam như những truyện ngắn khác của ông: “Những bài học nông thôn”. Riêng Bảo Ninh, Kato Sakae phải đợi những sáng tác mới của ông vì tác phẩm đình đám nhất “Nỗi buồn chiến tranh” đã có người dịch. “Gu” thưởng thức văn chương của Kato Sakae xem chừng không giống thị hiếu bạn đọc Việt. Thí dụ, với nhà văn Y Ban, bà không mê “Đàn bà xấu thì không có quà” mà lại chọn truyện ngắn “Cái Tý” để dịch.

In sách dịch văn học Việt ở Nhật ngày càng gặp khó

Nói đến nhuận bút sách dịch, nhà văn Y Ban xếp hạng: “Làm việc với người Nhật thích nhất, cực kỳ bài bản, họ sang xin từng tác giả ký vào bản quyền và trả rất cao, 100 USD/truyện, sau đó họ muốn đưa lên mạng lại trả thêm 50 USD/ truyện nữa”. Nhắc đến câu chuyện bản quyền vốn khá rắc rối hiện nay ở Việt Nam, nữ dịch giả người Nhật nói: “Khi người Việt Nam chưa biết về bản quyền thì Nhà xuất bản bên Nhật đã quan tâm đến giữ lễ phép, tình hữu nghị. Nếu không có chuyện bản quyền, vẫn phải coi trọng tình hữu nghị, nên khi muốn xuất bản nhất định phải làm tròn nhiệm vụ, tôi định in tác phẩm của nhà văn nào cũng tìm đến tận nơi để gặp gỡ, xin phép”.

Dịch giả Kato Sakae: Lặng thầm bên văn xuôi Việt ảnh 3

Dịch giả Kato (phải) và nhà văn Y Ban.

Tuy Kato Sakae không tiết lộ nhuận bút cho mỗi cuốn sách văn chương dịch ra tiếng Nhật nhưng ai cũng hiểu công của dịch giả thường bèo bọt, có người ví von, ngang như công của người lau nhà. Phải chăng vì thế mà dịch giả người Nhật dịch văn học Việt Nam không nhiều: “Không nói được đội ngũ dịch giả người Nhật dịch văn học Việt. Thí dụ, văn học đương đại Việt chỉ có mình tôi dịch. Văn học cổ điển và cận đại có một người nữa. Ngoài ra còn một số người không chuyên, họ dạy tiếng Việt ở trường đại học rồi ngoài giờ làm việc mới làm thêm”, bà tâm sự về hành trình cô đơn của mình. Nhờ chồng bà mới trụ được với nghề: “Chồng tôi đã nuôi tôi. Anh cũng là một người rất yêu Việt Nam, muốn dịch nhiều tác phẩm Việt Nam sang tiếng Nhật nhưng không có điều kiện vì anh bận mưu sinh. Anh đã chấp nhận để tôi làm công việc dịch thuật, nếu tôi lười biếng việc trong gia đình thì cũng chấp nhận, không bực tức. Tôi là người rất may mắn”.

Hiện nay, tình hình xuất bản sách văn học Việt ở Nhật Bản càng ngày càng gặp khó khăn: “Trước kia có quỹ của công ty xe hơi Toyota tài trợ dịch văn học các nước châu Á sang tiếng Nhật. Bây giờ quĩ này hết rồi, chỉ có quĩ của một công ty bảo hiểm, quĩ nhỏ, một năm chỉ hỗ trợ được hai cuốn sách. Châu Á thì nhiều nước, nên nếu muốn dịch sách tiếng Việt để in thì 7,8 năm mới được một cuốn”, Kato Sakae chia sẻ. Bà tiết lộ, trong suốt 30 năm dịch văn học Việt, quĩ của công ty bảo hiểm chỉ giúp bà cho ra đời được 3 cuốn sách. Và những cuốn văn học dịch được tài trợ ấy không bày bán ở hiệu sách mà được tặng thư viện. Ở Nhật Bản, kể cả sách được bày trong hiệu sách cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt: “May mắn thì được bày khoảng một tháng, nếu sách không đắt khách thì người ta sẽ dọn hết, ai muốn mua phải tra internet”. Sách văn học Việt nếu được đứng trong hiệu sách thì khả năng nhiều khách mua cũng không cao. Kato Sakae cho biết, thế hệ 60, 70 có nhiều người quan tâm đến Việt Nam ở khía cạnh văn hóa, truyền thống, thế hệ trẻ ở Nhật cũng quan tâm đến Việt Nam nhưng “họ quan tâm đến ẩm thực, du lịch nhiều hơn”.

Cũng giống như ở Việt Nam, giới trẻ ít quan tâm sách giấy mà quan tâm nhiều đến thông tin trên mạng. Nhiều nhà văn trẻ đã đưa tác phẩm của họ lên mạng, sau đó mới in thành sách, để gây sự chú ý trước. Kato Sakae có kế hoạch công khai dịch thuật trên mạng trước rồi sau đó mới in sách. Nhưng bà e ngại vấn đề bản quyền, “nếu tôi tự đưa tác phẩm lên mạng, tôi không thể trả được nhuận bút cho các tác giả Việt Nam”. Giải tỏa lo lắng cho Kato Sakae, nhà văn Y Ban vui vẻ nói: “Ở  Việt Nam nhiều nhà văn Việt Nam còn phải tự bỏ tiền in sách. Các tác phẩm của các nhà văn  cũng bị vi phạm bản quyền nhiều. Tác phẩm của tôi còn được thu thành băng để bán, tôi có phản đối đâu, cũng là cơ hội cho bạn đọc được đọc mình”. Nhà văn Y Ban tin rằng, nếu Kato Sakae ngỏ lời thì rất nhiều nhà văn Việt Nam đồng ý không lấy nhuận bút khi dịch giả đưa tác phẩm của họ lên mạng. 

Bám nghề 10 năm nữa

Kato Sakae đã bắt đầu vào giai đoạn phải giảm tải công việc do tuổi tác. Nhưng bà mong muốn tiếp tục công việc dịch thuật trong khoảng 10 năm nữa. Nữ dịch giả  thích ăn bún chả, thích mùi vị mắm tôm và liên tục khen “cà phê Việt Nam ngon quá”. Nhưng mỗi lần từ Việt Nam trở về nước, món quà bà mang về  lại chỉ là… sách Việt. Bà từng bị gãy tay do tai nạn giao thông ở Việt Nam. Năm 2012 trở lại Việt Nam, Y Ban đã giúp Kato Sakae vượt qua sợ hãi bằng cách rủ bà ngồi xe máy sang Bát Tràng chơi, nữ dịch giả nhắm tịt mắt khi ngồi sau xe máy của nhà thơ Vương Tâm. Dịch giả chia sẻ cảm giác: “Ngồi sau xe máy tôi bị chóng mặt, dễ bị ngã, sợ lắm”. 

MỚI - NÓNG