Đọc sách hàng ngày, không đợi Ngày sách

Các gian hàng sách tại công viên Thống Nhất trong ngày hội sách Việt Nam ảnh: Như Ý
Các gian hàng sách tại công viên Thống Nhất trong ngày hội sách Việt Nam ảnh: Như Ý
TP - Việt Nam thuộc nhóm đọc sách thấp nhất thế giới, chính vì thế Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại vai trò văn hóa đọc, khơi gợi thói quen đọc sách hàng ngày của giới trẻ và trước hết từ công chức.

DÂN TỘC VƯƠN LÊN NHỜ ÐỌC SÁCH

Khoảng 100 gian hàng thu hút hàng nghìn người đổ về Công viên Thống Nhất dự Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 ngày 18/4. Cùng thời điểm này Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT)  chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng về Ngày sách Việt Nam.

Dự hội nghị có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TTTT nêu thực tế dù Việt Nam có truyền thống ham học và đọc sách, tuy nhiên khoảng mấy chục năm kinh tế thị trường với nhịp sống nhanh, điều kiện kinh tế khá hơn, nhưng tỷ lệ người đọc ngày càng giảm. Con số này được chứng thực trong một khảo sát quốc tế, theo đó Việt Nam chỉ 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc. So với các nước trong khu vực dành cả chục giờ đọc sách hàng tuần, Việt Nam chỉ 1 tiếng. Người Việt thụ hưởng hơn 4 cuốn sách mới mỗi năm, quá nửa là sách giáo khoa.

Quyết định của Thủ tướng năm 2014 kịp thời khuyến khích người Việt đọc sách, tôn vinh giá trị sách, nâng cao trách nhiệm các cấp ngành trong văn hóa đọc. Đó là động lực để có được những chuyển biến đáng mừng: Sau 5 năm Ngày sách Việt Nam số cuốn sách tăng 22%, bản sách tăng 55%. “Một cá nhân hay một dân tộc muốn tồn tại hay phát triển chỉ còn cách học, học cả đời, liên tục đọc và đọc cả đời”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

“Nhiều người nói về công nghệ thông tin, về cách mạng 4.0, nhưng cuối cùng chắc chắn loài người nói chung, dân tộc ta nói riêng muốn vươn lên nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức và vì thế cần đọc nhiều hơn, học nhiều hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Kể từ khi biết đọc, loài người trải qua từ đọc chữ trên đá, tre trúc, giấy và tiến lên sách điện tử. “Dù hình thức có thay đổi, cách đọc thay đổi nhưng sách và việc đọc sách vô cùng quan trọng để đất nước đi lên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

CÔNG CHỨC LÀM GƯƠNG

Lãnh đạo Bộ TTTT đưa mục tiêu phát triển Ngày sách, văn hóa đọc trong 5 năm tới như tăng số cuốn sách lên 50%, bản sách lên 100%. Các đại biểu tiếp tục phân tích và đề xuất ý tưởng để văn hóa đọc đi vào thực chất chứ không chỉ là phong trào mang tính hình thức. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề phải khơi gợi thói quen đọc sách của giới trẻ, trước hết là công chức bởi trong công việc nếu công chức chịu đọc sẽ giải quyết công việc tốt hơn.

“Nên bắt đầu xây dựng thói quen đọc sách từ bậc mầm non, tiểu học vì thói quen này sẽ theo trẻ suốt đời”, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định-một trong những địa phương thành công trong việc xây dựng tủ sách và phong trào đọc sách. Ông cũng cho rằng nếu không coi trọng thực học, không coi trọng tuyển dụng và sử dụng con người dựa trên thực tài và thực học thì chưa thể phát triển văn hóa đọc.

Tạo được thói quen đọc sách theo phân tích của ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc-Tổng biên tập NXB Trẻ cần chú ý tới vai trò từ gia đình, nhà trường. “Làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi con trẻ khi ở nhà không có quyển sách nào, cha mẹ hoặc người thân không bao giờ đọc sách. Hãy nhớ rằng trẻ con học qua cách nhìn những gì người lớn làm”, ông nói. Nhà trường hiện nay chưa thực sự khuyến khích học sinh đọc sách hàng ngày, hàng tuần ngoài sách giáo khoa.

Ý thức được những vướng mắc đối với các NXB cũng như các thiết chế văn hóa phục vụ văn hóa đọc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bộ đề xuất ban hành nhiều chính sách mới chấn hưng văn hóa đọc. Ngày sách Việt Nam bước đầu có sức lan tỏa, tủ sách gia đình, dòng họ ngày càng được nhân rộng, lãnh đạo bộ khẳng định phổ cập hơn nữa các mô hình này, bên cạnh đó thúc đẩy đường sách, hội chợ sách. Giải thưởng sách quốc gia vừa được đổi mới tạo được sức hút, tôn vinh tác giả và tác phẩm chất lượng hứa hẹn góp phần nâng cao văn hóa đọc.

“Bộ TTTT cần thực hiện kế hoạch cụ thể phát triển Ngày sách Việt Nam, văn hóa đọc để đưa đến các bộ ngành. Bộ cũng là đầu mối kiến nghị chính sách sao cho tạo điều kiện thuận lợi cho NXB, tạo điều kiện đưa sách về mọi nơi. Bộ VHTTDL là cơ quan được giao phối hợp, cũng là cơ quan chủ trì đề án Văn hóa đọc cần tiếp tục làm tốt hơn nữa”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Để văn hóa đọc lan tỏa tới toàn xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tích cực lồng ghép văn hóa đọc với các phong trào như xây dựng gia đình văn hóa, khuyến công, khuyến nông, khuyến học. Điều này cần đi cùng với việc phát huy vai trò các hội như Hội Xuất bản, Hội Khuyến học liên quan tới văn hóa đọc, khuyến khích mọi người tham gia viết sách để có nhiều tác phẩm hay, cũng như tôn vinh các tác giả và tấm gương đưa sách và văn hóa đọc tới mọi nhà.

Đọc sách hàng ngày, không đợi Ngày sách ảnh 1 Các bạn trẻ tìm đọc sách tại ngày hội sách Việt Nam lần thứ 6 ảnh: Như Ý

Báo Tiền Phong nhận hai bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng về Ngày sách Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển phong trào văn hóa đọc.

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng cho 8 tập thể, 5 cá nhân tiêu biểu. Bộ trưởng Bộ TTTT trao Bằng khen của Bộ trưởng cho 42 tập thể, 17 cá nhân.

MỚI - NÓNG