Đừng tưởng Trường hời hợt…

Trần Thị Trường
Trần Thị Trường
TP - “Phố Hoài”, tiểu thuyết mới ra lò của Trần Thị Trường sau chục năm nhà văn im ắng trên văn đàn. Có người hỏi tác giả, “Phố Hoài” phải chăng viết về phố cổ Hội An? Trần Thị Trường thưa rằng: “Phố Hoài là phố/thành phố ký ức của tôi, ở đó có một tầng lớp trí thức bị bỏ quên, bị hiểu lầm”.

Trần Thị Trường làm gì cũng ầm ĩ cả lên. Chính chị phải công nhận. Và nữ văn sĩ sinh ra ở “miền gái đẹp” cũng trải qua quá nhiều nghề: Quản lí ca sỹ, bảo vệ quyền tác giả… rồi đùng đùng vẽ tranh, mở triển lãm cá nhân hẳn hoi. Người theo dõi Trần Thị Trường cứ tưởng người đàn bà này đang mải mê với hội họa thì bỗng một ngày chị khoe cuốn sách mới, chính là “Phố Hoài”. Thì ra, cái nghiệp văn chương vẫn còn “nặng nợ”.

“Phố Hoài” dày 380 trang. Với độ dày như thế, ở thời văn hóa đọc xuống cấp, có thể xác định cuốn sách bước đầu kén khán giả nên lượng phát hành đợt đầu không nhiều, không ít: 1.500 cuốn.  Tiểu thuyết được Trần Thị Trường viết róc rách suốt 10 năm, sửa đi sửa lại: “Có chi tiết tôi thấy chưa đắt thì sửa. Song cũng có những chi tiết tự thấy nên sửa cho nhẹ đi để… có thể in được. Sau đó, lại nghĩ, ơ cứ đưa vào, chẳng việc gì phải sửa”, nhà văn tâm sự chuyện bếp núc của “Phố Hoài”.

Đây là cuốn sách tâm đắc nhất, thai nghén lâu nhất, mạnh mẽ và gai góc nhất của Trần Thị Trường. Trần Thị Trường sinh năm 1950,  đã sang tuổi mà người xưa gọi là “xưa nay hiếm”. Thấy cần viết thì viết ra thôi. Còn gì để e ngại, ở cái tuổi này?

Đừng tưởng Trường hời hợt… ảnh 1  

Nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập “Phố Hoài” đã nhắc trước độc giả: Bạn cũng như tôi sẽ kinh ngạc khi đọc “Phố Hoài”. Bởi, như đã nói, Trần Thị Trường làm gì cũng ầm ĩ cả. Cái sự ầm ĩ ấy khiến người ta dễ mặc định Trường hời hợt trong những công việc chị trải qua. Nhưng “Phố Hoài” khiến những người quan tâm đến Trần Thị Trường phải nhìn nhận lại.

Theo Tạ Duy Anh, thay vì đặt “Phố Hoài”, nhà văn nên gọi “đứa con” này bằng cái tên “Nhớ khổ” thì đúng hơn. “Tôi tin rằng, sẽ không ai trong thế hệ này viết như Trần Thị Trường nữa”, tác giả “Mối chúa” khẳng định. Bởi theo anh, “không ai trong thế hệ bà còn cơ hội được sống, được dấn thân, hoặc trải nghiệm cả đời sống vật chất lẫn tâm linh khắc nghiệt như bà”. “Phố Hoài  là một bảo tàng ngôn ngữ về thời bao cấp, về thời dại dột, về thời lãng mạn và điên rồ, về thời đau khổ hãnh diện nhưng cũng nhiều oán hận, vừa đáng ghi nhớ vừa muốn quên đi thật nhanh”….

Nhưng “Phố Hoài” có hạn chế gì? Đây là câu hỏi nhiều người muốn biết. Nhà văn Tạ Duy Anh tiết lộ: Tiểu thuyết không có gì mới về hình thức thể hiện: “Tác giả dùng lối kể chuyện về những cuộc đời, về các lớp nhân vật khác nhau. Các lớp nhân vật ấy như các mảng màu ghép với nhau, ra một bức tranh tổng thể. Trong đó, nổi lên mảng nhân vật trí thức cũ và nhân vật theo công giáo”.

Tạ Duy Anh cũng cho biết thêm, một số chương tác giả kiểm soát chưa tốt. Chương nào viết về trải nghiệm tâm linh, trải nghiệm thực tế thì Trần Thị Trường “rất hay” nhưng khi chị đụng chạm đến một số nghề nghiệp khác, thì có vẻ chưa “đã”. Song biên tập viên NXB Hội Nhà văn cũng nói rõ: Phần chưa thuyết phục không nhiều, không ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm.  Theo anh, sách hay, dở tùy đánh giá của bạn đọc. Song một cuốn sách cống hiến cho độc giả “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong quá khứ như vậy, cũng là đáng giá.

“Phố Hoài” vẫn là khuôn mặt văn chương của Trần Thị Trường lâu nay độc giả biết, mạnh mẽ, chân thật, đau đáu về thân phận con người. “Tác phẩm chắc chắn để lại hiệu ứng xã hội”, nhận định của Tạ Duy Anh. Sau “Phố Hoài”, Trần Thị Trường đang bắt tay vào dự án văn chương nào? Chị khoe: Lại tạm thời ngưng viết để tập trung cho hội họa.

Tháng 6 tới Trần Thị Trường tham gia một triển lãm nhóm. Những ám ảnh “Phố Hoài” giúp chị hoàn thiện một bức tranh, khiến chị cũng “mê tơi”. Nhưng chị sẽ quay lại với văn chương nhanh nhất, bởi cảm xúc đang tràn. 70 tuổi tự dưng bùng cháy. Có người vừa khâm phục Trần Thị Trường, vừa muốn “chọc” cho chị bớt hăng hái… Cũng có sao. “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, Xuân Diệu khi xưa viết vậy.

MỚI - NÓNG