Gặp lại nhà thơ Mỹ nổi tiếng yêu Việt Nam

Người nổi tiếng Bruce Weigl, cựu binh Mỹ, bạn của rất nhiều nhà văn Việt Nam. Ảnh: Võ Lương Nhi
Người nổi tiếng Bruce Weigl, cựu binh Mỹ, bạn của rất nhiều nhà văn Việt Nam. Ảnh: Võ Lương Nhi
TP - Tháng Tư năm nay, đúng hôm tôi ra mắt tập thơ chiến tranh thì được gặp lại Bruce Weigl, nhà thơ Mỹ nổi tiếng yêu Việt Nam, bạn của rất nhiều nhà văn Việt Nam.  

7/4/2019 là ngày đáng nhớ của tôi với cuộc ra mắt tập “5 trường ca”. Trong 5 trường ca, “Rừng đỏ” viết về những người lính xuyên Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, “Hành lang thép” viết về những người lính trụ bám Trường Sơn với nhiệm vụ nâng bước đoàn quân đi, “Một chiến binh” là cận cảnh chân dung một chiến binh Việt Nam đích thực, lừng lững trước những thằng lính “nghĩa vụ” chúng tôi. Còn “Những người đi qua biển” tôi viết về cuộc hóa giải yêu thương giữa những người lính Mỹ và Việt sau chiến tranh.

Trong trường ca thứ 5, có đoạn tôi dựng chân dung một nhà thơ Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Đó là Bruce Weigl.

Tôi gọi 7/4/2019 là ngày đáng nhớ vì thật bất ngờ, trong lúc tôi đang trả lời phỏng vấn của truyền hình thì Bruce Weigl xuất hiện, mỉm cười lao đến ôm chặt tôi vỗ vào lưng kêu to: “Thụy Kha! Thụy Kha”.

Bruce chơi với nhiều nhà văn Việt Nam từ lâu nhưng coi tôi như bạn mới vào mùa hè 2013 khi gặp tôi ở Đài Truyền hình Việt Nam, một chương trình thơ về chiến tranh nhân 30/4.

Tôi thuộc loại cao mà Bruce còn cao hơn, có lẽ mét tám mấy. Vừa cao vừa to. Dáng đi oai vệ. Đứng thì lừng lững. Qua người thông dịch, chúng tôi làm quen. Chúng tôi có hai điểm chung là cùng sinh 1949 và cùng là lính thông tin. Điểm ngược là tôi học xong đại học thì vào lính năm 1971, còn Bruce đi lính năm 1967 rồi mới trở về Mỹ học đại học. 

Bruce tặng tôi tập thơ “Sau mưa thôi nã đạn” do Nguyễn Phan Quế Mai biên soạn, chuyển ngữ. Tôi tặng anh tập “Thời máu xanh” do NXB Đà Nẵng chuyển ngữ thông qua một trung tâm dịch thuật của Australia. Trong lời đề tặng Bruce Weigl ghi: Dành tặng Thụy Kha - đồng chí chiến binh - đồng chí  nhà thơ… bạn mới. Anh đọc vài bài thơ của tôi trong “Thời máu xanh” và gật gù. Tôi cũng thấy thơ anh thật lạ, nhất là bài “You can hide” (Bạn có thể trốn) tặng Bảo Ninh.

Tháng 7/2013, tôi được báo Lao Động giao tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Khe Sanh nhân 45 năm giải phóng Khe Sanh. Tuy trong Hội đồng giám khảo, tôi vẫn viết một ca khúc hưởng ứng lấy cảm hứng từ câu chuyện kể của Bruce Weigl ở Khe Sanh năm 1968 và cuộc anh trở lại chiến trường ấy năm 2010. Ca khúc mang tên “Gặp lại Khe Sanh” ghi tặng Bruce Weigl. Năm 2015 khi Bruce sang Hà Nội, trong một bữa nhậu cùng Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiết Cương và tôi, tôi đã hát cho Bruce Weigl nghe “Gặp lại Khe Sanh”.

Duyên ngộ lại đến khi năm 2017, tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi Mỹ cùng Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Ngọc Mộc dự Festival thơ - nhạc nhân 30 năm thành lập Trung tâm William Joiner. Biết thế nào cũng phải hát, tôi phổ nhạc bài “You can hide” của Bruce. Khi chúng tôi đến William Joiner thì thấy Bruce mặc áo phông, quần soóc tươi cười đi vào. Hai thằng tìm chỗ hút thuốc lá. Biết vào hội nghị mà mang rượu thì rất chướng, tôi bàn với Lê Thiết Cương đổ Macallan 18 vào chai nhựa đựng nước lọc trông cứ như người bệnh phải uống thuốc. Thế là ổn.

Bruce Weigl vừa là tửu đồ, vừa mê ăn phở vô cùng. Nghỉ trưa giữa hội thảo, nhà thơ Nguyễn Bá Chung - cây cầu nối Trung tâm William Joiner với Hội Nhà văn Việt Nam - rủ chúng tôi và Bruce đi ăn phở Lê ở khu Dorchester tại trung tâm Boston. Bruce còn nổi tiếng mê nước mắm đến nỗi tự mày mò làm nước mắm ở nhà riêng của anh, bang Ohio (Nguyễn Phan Quế Mai đã kể kỹ chuyện này trong một bài viết đăng gần đây trên Tiền Phong Chủ nhật).

Năm ngoái tôi phổ nhạc thêm bài thơ “Thả thuyền đến Biên Hòa”. Nhân Bruce đến Việt Nam hội thảo, tôi mang tặng anh. Đầu mùa xuân Kỷ Hợi mới rồi, tôi cũng gặp Bruce trong Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Đâu nghĩ vào đúng tiết thanh minh này thì gặp lại.

Có Bruce Weigl đến dự buổi ra mắt sách hôm nay, tôi nhờ ca sĩ Giang Trang làm thông dịch. Khi nhóm “Ngũ lão” của NSND Quang Thọ - bạn thân thiết của tôi - hát mở đầu “Người chiến sĩ ấy” của Hoàng Vân vang lừng trên sân khấu, Bruce Weigl nói với tôi: “Đây là âm nhạc của những người chiến thắng”. Tiếp tục đưa chúng tôi về quá khứ khi “Đường chúng tôi đi” của Huy Du cứ tràn ra rạo rực. Rồi Thanh Vinh hát “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” của Hoàng Hà. Rồi Quang Thọ mê hoặc bằng “Lá đỏ” của Hoàng Hiệp (thơ Nguyễn Đình Thi). Nhóm “Ngũ lão” kết bằng “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của Doãn Nho (thơ Hữu Thỉnh). Bruce Weigl quay sang tôi: “Thế mà đã sắp tới 30/4”.

Hôm nay anh sửng sốt nghe Quỳnh Hoa và Minh Châu song ca “Triệu bông hồng”. Có lẽ lần đầu tiên cựu binh Mỹ này nghe nhạc Nga. Quỳnh Hoa chọn bài này vì trong chương trình hôm nay, bên cạnh việc ra mắt “5 trường ca” của tôi, là một triển lãm tranh nude của các họa sỹ nhóm 39 mà Lê Thiết Cương là trưởng nhóm. Tên triển lãm là “Trang” vì người mẫu là Vũ Huyền Trang. Cô gái sinh 1989 trong một gia đình mà bố mẹ đều là bộ đội. Năm ấy, tiếng súng ở biên giới phía Bắc mới ngừng hẳn còn ở Tây Nam, các đơn vị quân tình nguyện trở về từ Campuchia. Điều này đã nhiều lần tôi nói với Bruce. Đó là những tháng năm gian khó hậu chiến Việt Nam. Bruce nói chính phủ Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm về thời gian này khi cấm vận Việt Nam. Nói rồi lắc đầu: “Tôi cũng chỉ là một cá nhân nhỏ bé. Tôi chỉ hàn gắn được vết thương cho đỡ nhức nhối trong tâm hồn của mình tôi thôi”.

Sự hàn gắn ấy chính là việc Bruce thuyết phục vợ và con trai đồng ý nhận một cô bé Việt Nam làm con nuôi. Qua rất nhiều vất vả, Nguyễn Thị Hạnh - quê Hà Nam đã trở thành Hạnh Weigl - con gái nhà thơ Bruce Weigl. Anh đã nhận ra Việt Nam là một xứ sở đầy yêu thương và bao dung từ năm 1985. Điều đó, Bruce giãi bày trong đoạn tự sự “Trở về ngôi nhà Việt”.

Gặp lại nhà thơ Mỹ nổi tiếng yêu Việt Nam ảnh 1 Nhà thơ Bruce Weigl tại Hà Nội tháng 4/2019. Ảnh: Võ Lương Nhi

Tiệc vui bày ra. Tôi nói với Bruce rằng vì 30/4 anh không ở Việt Nam, nên coi như hôm nay là tiệc mừng kỷ niệm ngày ấy. Bruce nói muốn mang theo một kỷ niệm của ngày này. Nói rồi chỉ vào bức nude mà họa sỹ Doãn Hoàng Lâm - con trai đạo diễn nổi tiếng Doãn Hoàng Giang - vẽ Trang. Nhà thơ Mỹ bắt tay họa sỹ Việt. Họ trao đổi rất lịch sự về giá của bức tranh. Trong không khí tràn đầy mến thương của gặp gỡ tháng Tư này, sự thỏa thuận thật dễ dàng. Thế là nâng cốc.

Tiệc hôm nay có món cá chép om dưa vô cùng thuần Việt. Tôi đề nghị cô bé phục vụ phải có bát nước mắm cho tôi và một bát cho Bruce. Cô bé sửng sốt: “Mỹ mà biết ăn nước mắm hả chú?”. Tôi trả lời: “Không những biết ăn mà còn mê nước mắm như mê Việt Nam”. Một ly Whisky cạn. Lại một ly Whisky cạn. Tôi hát ngẫu hứng “You can hide” phổ thơ Bruce Weigl. “You can hide”- “Bạn có thể trốn”. Đúng! Chúng ta đều có thể trốn khỏi cuộc chiến tranh. Nhưng cuối cùng chúng ta không thể trốn. Không thể trốn trong chiến tranh. Cũng không thể trốn ám ảnh của nó cho đến hết đời.

You can hide behind this/ You can hide behind my eyes/ You can hide behind the trigger/You can hide be hurled… (Anh loanh quanh và trốn đâu/ Anh loanh quanh đằng sau đôi mắt tôi nhìn/Anh loanh quanh đâu đây cò súng này/ Anh bị ném ra ngoài…).

Rồi Bruce Weigl sẽ đi, mang theo bức tranh cô bé Trang và sự ấm áp của buổi gặp gỡ tháng Tư bất ngờ này.

Bruce Weigl nói, hôm 7/4/2019: “Thế mà đã sắp tới 30/4”. Hóa ra không chỉ người Việt nhớ ngày này. Tôi hỏi anh: “Vào lúc ấy, anh ở đâu?” “Ôi! Lúc ấy là nửa đêm ở Mỹ. Khi CNN đưa tin, tôi nhảy cẫng trước màn hình. Như trút bỏ mọi trĩu nặng. Còn anh?” Tôi cũng cười: “Nghe Trịnh Công Sơn hát “Nối vòng tay lớn” trên đài phát thanh”. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.