Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt nhạc sĩ Trần Quang Lộc

Vợ con và các học trò tiễn biệt nhạc sĩ Trần Quang Lộc - tác giả bài "Về đây nghe em" - ở tang lễ sáng 10/6.

Khoảng 20 người tiễn nhạc sĩ trong lễ tang theo nghi thức Công giáo vào 4h sáng. Bà Nguyễn Thị Thuận, 71 tuổi, vợ cố nhạc sĩ, cho biết những ngày qua, dẫu đau buồn, những nghĩa cử của đồng nghiệp, học trò của chồng khiến bà ấm lòng hơn. Có ca sĩ trẻ đến thắp hương cho ông lúc đêm khuya, sau khi diễn, 3h sáng lại phải về Sài Gòn tiếp tục công việc. Bà nói: "Tôi xúc động, trân quý tình cảm mọi người dành cho chồng tôi".

Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt nhạc sĩ Trần Quang Lộc ảnh 1 Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (1949 - 2020). Ảnh: Trường Hà.

Nhiều học trò đến tiễn đưa nhạc sĩ trong phút cuối. Sinh thời, ông từng nhiều năm dạy đàn, sáng tác tại nhà để thêm thu nhập. Nhà nhỏ, chỉ đủ để vài cái bàn, khi hết giờ dạy, ông phải đem cất để có chỗ sinh hoạt. Lớp học ông đủ độ tuổi, từ các em nhỏ trong xóm đến các bà xơ tóc điểm bạc. Mỗi buổi, ông chỉ thu học phí vài chục nghìn đồng. Sau này, sức khỏe suy kiệt, ông đóng lớp, sống nhờ vào tiền tác quyền.

Theo nhà văn Đào Xuân Mai - đồng nghiệp cố nhạc sĩ, Trần Quang Lộc từng muốn làm phim tài liệu về mình. Bộ phim nói về cuộc đời nhạc sĩ từ thời điểm tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc Huế với tác phẩm đầu tay là Về đây nghe em. Ông dự định mời ca sĩ Thu Phương hát ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội. Ước mơ dang dở vì ông lâm trọng bệnh, dù kịch bản đã hoàn thành. Ông Mai cho biết mong thực hiện di nguyện bạn, dù những thước phim liên quan đến Trần Quang Lộc không còn quay trực tiếp được.

Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt nhạc sĩ Trần Quang Lộc ảnh 2 Bà Nguyễn Thị Thuận (thứ hai từ trái qua) - vợ nhạc sĩ - bên cạnh linh cữu chồng tại thánh đường giáo xứ Long Tâm. Ảnh: Trường Hà.

6h, lễ di quan bắt đầu. Con trai nhạc sĩ - anh Trần Quang Phương Nam - ôm di ảnh. Linh cữu được đưa đến thánh đường giáo xứ Long Tâm, cách nhà khoảng vài trăm mét, để làm lễ trước khi linh cữu được hỏa táng ở Long Hương. 

Không thể viếng tang vì cách trở địa lý, nhiều ca sĩ tưởng niệm nhạc sĩ Trần Quang Lộc từ xa. Từ Mỹ, Hồng Nhung nói chị có dịp thu âm 5 ca khúc của ông trong album Chợt nghe em hát, khi mới ngoài 20 tuổi. Lúc đó, ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội suýt bị bỏ lỡ vì từng bị cấm phát hành trước năm 1975. Bài hát được bổ sung vào phút chót và trở thành nhạc phẩm thành công nhất trong album. Sau này, Hãng phim Trẻ lấy ca khúc quay video, do đạo diễn Phạm Hoàng Nam dàn dựng. Hồng Nhung nói: "Dù người khuất núi, tác phẩm của nhạc sĩ sẽ sống trong lòng biết bao người yêu mến, trân trọng ông".

Thu Phương cho biết lần đầu hát Có phải em mùa thu Hà Nội vào năm 1997, song 15 năm sau mới có dịp gặp nhạc sĩ. Khi đó, ông sang Mỹ tham dự một số đêm nhạc, còn cô là ca sĩ biểu diễn. Hơn một tuần làm việc, ca sĩ ấn tượng với hình ảnh nhạc sĩ hiền lành, giản dị, chân thành. Khi ông về nước, cả hai vẫn giữ liên lạc qua email. Ông gửi cho cô vài tác phẩm mới nhưng vì nhiều lý do, cô chưa có duyên thể hiện Năm 2017, nghe ông mắc bệnh hiểm nghèo, Thu Phương nhờ người thân tới thăm và ủng hộ ông 100 triệu đồng để chữa trị. Hồi tháng 5, khi nghe tin bệnh tình ông tái phát, cô tự nhủ hết dịch sẽ về thăm nhạc sĩ, cùng đồng nghiệp tổ chức đêm nhạc quyên góp cho ông. Dự định chưa kịp thành hiện thực thì ông đã ra đi.

Trần Quang Lộc sinh năm 1949, tại Quảng Trị, đến nay, ông có khoảng 600 ca khúc. Năm 20 tuổi, ông học tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế, bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập đầu tiên của ông - Hát trong dòng sông xưa - được xuất bản năm 1970. Có phải em mùa thu Hà Nội - nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Trần Quang Lộc - được ông phổ nhạc năm 1972, từ bài thơ của người bạn - cố thi sĩ Tô Như Châu. Ca khúc giúp tên tuổi của Thu Phương vụt sáng trong làng nhạc vào cuối thập niên 1990. Đến nay, bài hát trở thành một trong những nhạc phẩm được ưa thích nhất về Hà Nội.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG