Giáng Son - hát, nhảy và viết giao hưởng

Giáng Son - hát, nhảy và viết giao hưởng
Góp phần quan trọng làm nên bản sắc của nhóm nhóm nữ 5 dòng kẻ phải kể đến Giáng Son- thành viên nhạc sĩ hơn là ca sĩ.

Nhìn lại hoạt động ban nhóm trong nước, đến giờ phút này có lẽ chỉ còn nhóm nữ 5 dòng kẻ là hoạt động có hiệu quả, tính chuyên nghiệp cao với hàng loạt ca khúc “độc quyền”.

Là con gái út của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu chèo Hoàng Kiều, lớn lên trong môi trường dân tộc- tập thể Đoàn Chèo, nhưng ca khúc của Son rất “Tây”... Thậm chí có bài tên là I’m sorry (tạm hiểu là “em xin lỗi”) nhưng ca từ tiếng Việt 100%. Còn bài I love music (có nghĩa là “tôi yêu âm nhạc”) có đoạn đầu như sau: Nằm dài nghe music, len lỏi trong từng hơi thở, trong từng giấc mơ buồn/ I love music… Không biết có phải là hậu quả của việc nghe Enigma hay Marylin Manson- những nghệ sĩ yêu thích của Son (!).

Giáng Son còn giữ lá thư năm xưa cô viết cho bố: Con học gì cũng được, trừ học đàn (piano), con chỉ mê chèo tuồng cải lương thôi. Con không thích ai làm bố mẹ mà lại ép con cái đi theo cái nghề mà nó không thích đâu! Hậu quả sẽ đến đấy(!). Nhưng bố có cách dụ dỗ riêng- mỗi bài piano đánh tốt sẽ được treo thưởng mấy đồng… Hậu quả mươi năm sau những bản pop ballad ký tên Giáng Son ra đời. Còn tình yêu với chèo tuồng, Son dồn vào khí nhạc, tiêu biểu là giao hưởng tốt nghiệp Đồng Xa (cũng là tên cũ của xóm văn công Mai Dịch) sử dụng ngũ cung và dàn trống dân tộc.

Những ca khúc của Giáng Son do 5DK thể hiện (5 bài đã phát hành trong album Em: Cỏ và mưa, Mưa, Sóng, Anh, Em) khá đặc trưng bởi những đoạn điệp khúc có giai điệu cô đọng, day dứt. Tự nhận xét cụ thể từng bài thì Em: “thật thà nhất”- mở đầu với những câu: Em ôm chặt, siết chặt nỗi cô đơn, như đêm vẫn ôm em/ Em không còn sức mạnh để yêu anh, bên em thời gian qua mau. Tình ca của Giáng Son chủ yếu mang chủ đề tình đơn phương, với một số bài khác tác giả tự thú nhận “chỉ là tưởng tượng”.

Những bài hát kể trên đều có trong Cỏ và mưa (NXB Trẻ)- tập ca khúc mới phát hành của Giáng Son, gần 70 trang với 30 bài hát viết từ 1991 đến nay. Trên bìa còn ghi vài dòng lý lịch: Tên thật Tạ Thị Giáng Son, ngày sinh 1/2/1975, tốt nghiệp Trung cấp Sáng tác, trường VHNT Hà Nội 1994, Tốt nghiệp ĐH Sáng tác Nhạc viện HN 1999, Giải tác giả trẻ xuất sắc LH các ban nhạc SV lần I 1998- khi còn là thành viên chơi đàn phím trong ban toàn nữ Exotica. Đã sáng tác 70 ca khúc và 20 bản nhạc. Giảng viên ĐH SK&ĐA HN, là hội viên “Hội Nhạc sĩ thế giới”. Son được Hội này biết đến qua sự giới thiệu của Đỗ Kiên Cường, cựu sinh viên Nhạc viện HN đang học kèn ô-boa ở Mỹ. Qua trang web của Hội, một giáo viên piano ở Cali còn gửi e-mail xin mua vài bản etude, romance của Son.

“Mới học trung cấp năm 1 Sáng tác thôi, tự nhiên viết điên cuồng, mỗi ngày mấy bài. Đợt đấy sáng tác nhiều nhất!”. Trong vòng một năm (1991-92), Son cho ra tới đến 30 ca khúc. Dường như cao trào thứ hai trong viết ca khúc đang trở lại với Giáng Son. Cô tỏ ra ưng ý với loạt bài vừa hoàn thành cuối 2004 (Dấu ấn, Trôi trong gương, Nếp ngày, Giấc mơ trưa, Chút nắng vàng bay, Bóng tối jazz). Một đặc điểm của những bài này là lời của Nguyễn Vĩnh Tiến- Kiến trúc sư, nhà thơ, mới bắt tay vào việc viết ca khúc. Son biết Tiến qua nhạc sĩ Ngọc Đại. Ngoài ra, Son cũng đã phổ nhạc khá nhiều thơ Nguyễn Trọng Tạo- tác giả của nhãn hiệu “5DK”.

Hiện Son vẫn... cô đơn vẫn đi về giữa Hà Nội- TP. HCM- lúc thì là thành viên Girlband, lúc lại là cô giáo dạy ký xướng âm. Những lúc chạy sô chỉ có 4 thành viên, nếu cát sê trên 1 triệu, “4 dòng kẻ” sẽ để dành cho nhạc sĩ của nhóm 5%- gọi là tiền… “dưỡng già”. Tuy nhiên, theo một nguồn tin chưa chính thức, album tiếp theo của 5DK sẽ không có ca khúc nào của Giáng Son cả.

MỚI - NÓNG