Hồ loang axit, bụi mịn đóng lọ

Sắp đặt âm thanh “Hồ nước” tại sảnh chính thu hút khán giả tương tác Ảnh: Lê Huyền
Sắp đặt âm thanh “Hồ nước” tại sảnh chính thu hút khán giả tương tác Ảnh: Lê Huyền
Lò dò leo theo cầu thang hẹp, tối lờ mờ, đi qua dãy chai lọ đựng tiêu bản côn trùng, bò sát - một mái vòm đẹp kỳ lạ bất ngờ hiện ra. Tại sảnh chính, trên sàn đá hoa tráng lệ, lung linh 5 hồ nước bằng gương đón khách bước vào Triển lãm Citizen Earth - Công dân Trái Đất.

Năm 2019, Không gian nghệ thuật Six Space khởi xướng Citizen Earth - Công dân Trái Đất, dự án hướng tới nâng cao nhận thức về môi trường thông qua các hoạt động nghệ thuật, văn hoá, giáo dục.

Khép lại một năm đầy biến động và tổng kết dự án, Six Space đã mời một nhóm nghệ sĩ trẻ hợp tác đa lĩnh vực vào một triển lãm trong 3 ngày cuối tháng 11 này. Các nghệ sĩ và tác phẩm được truyền cảm hứng bởi không gian diễn ra triển lãm - tòa nhà lịch sử của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) - Đại học Quốc gia Hà Nội trên phố Lê Thánh Tông.

Bên cạnh đó, một chuỗi hoạt động đặc biệt diễn ra trong khuôn viên triển lãm. Bao gồm tour tham quan công trình kiến trúc, workshop thủ công “Chỉ thừa, tay và kim” do nghệ sĩ Trần Thảo Miên dẫn dắt và workshop tìm hiểu thực vật cùng Bảo tàng Sinh học thuộc trường ĐHKHTN.

Công dân của hồ và bụi mịn

5 mảng tranh gương trong tác phẩm sắp đặt và âm thanh “Hồ nước” của nghệ sĩ Nguyễn Linh Chi và Nhung Nguyễn thu hút nhiều sự chú ý và tương tác của khán giả.

Trong tình trạng hồ ao ở Hà Nội đang dần biến mất, qua nghiên cứu Nguyễn Linh Chi phát hiện ra rằng phần lớn “rác thải tâm linh” từ các nghi lễ ở thành phố, bao gồm bát hương, bàn thờ cũ, tro hóa vàng góp phần gây ô nhiễm nhiều hồ ở Thủ đô. Sự mong manh của chiếc gương cũng như kỹ thuật tạo hình ảnh bằng cách xóa một phần gương bằng axit, cùng với âm thanh (tiếng sóng hồ được thu thanh trực tiếp) là một sự gợi nhớ đầy chất thơ về sự xuất hiện và biến mất của ao hồ Hà Nội và sự tồn tại vô thường của con người chúng ta trên Trái Đất.

Tác phẩm “Đồng nguyên” của Nguyễn Đức Phương gồm 2 ống nghiệm chứa bụi mịn đô thị và đất làng quê chuyển màu rất đẹp sau khi thủy phân. Một mảnh vẽ hình ảnh của ngôi chùa cũng được Phương tạo ra từ các loại đất thu thập được. Các mẫu đất chủ yếu được gom từ trục đường đi qua ngôi chùa. “Khi một đường lộ đi qua một ngôi làng thì các cấu trúc của làng cũng dần bị thay đổi”.

Bộ ảnh “Những người vắng mặt” của Phạm Thu Hằng là chuỗi chân dung ghi lại mối quan hệ của các nhân vật với môi trường sống đặc biệt của họ: những bãi bom mìn ở Cam Lộ, Quảng Trị. Những tấm ảnh được đặt rải rác ở các góc khác nhau của trường đại học, chờ đợi người xem tìm hiểu những câu chuyện đằng sau chúng. Những hình ảnh được ghi lại trong ba năm đạo diễn Phạm Thu Hằng thực hiện phim tài liệu dài “Mùa Cát Vọng” (The Future Cries Beneath Our Soil), được trao giải Đạo diễn Xuất sắc nhất tại LHP Singapore 2018.

Nhà đẹp bí ẩn truyền cảm hứng

Chuỗi sự kiện đặc biệt diễn ra trong khuôn viên triển lãm là dịp để khán giả khám phá di sản kiến trúc từng là địa điểm của Viện Đại học Đông Dương. Nơi đây lưu giữ những bộ sưu tập mẫu sinh vật và thực vật lâu đời.

Nhiều khách tham dự thấy bất ngờ vì chưa từng biết đến sự tồn tại của công trình kiến trúc này ở Hà Nội. Lựa chọn địa điểm khác thường này, giám tuyển Đỗ Tường Linh cho biết “Six sapce không muốn nghệ thuật chỉ trưng bày trong bảo tàng, gallery, không gian nghệ thuật quen thuộc mà ở những không gian công cộng khác nhau. Các tác phẩm sắp đặt đương đại sẽ mang hơi thở mới cho không gian lịch sử.

Sử dụng lưới đánh cá thu nhặt để tạo nên những điêu khắc mềm “Holobiont” , nghệ sĩ Trần Thảo Miên muốn gợi nhắc người xem về sự tồn tại của những sinh vật vô hình sống trong, xung quanh và cùng chúng ta.

Sau buổi đi thăm các phòng trưng bày và kho mẫu vật của bảo tàng trong tòa nhà, Thảo Miên hình dung “công dân Trái Đất” không chỉ là loài người mà còn bao gồm những vi sinh vật nhỏ bé nhưng tiềm tàng sức mạnh. “Chúng ta – loài người có thực sự sở hữu cơ thể mình? Những cảm nhận, suy nghĩ của ta có thực sự thuộc về ta, hay là do vi sinh vật quyết định?”.

Miên thu lượm lưới đánh cá ở một hàng thu gom phế liệu gần biển Sầm Sơn.  Chị quyết định dùng vào tác phẩm khi biết người dân chài cứ sau 30-45 ngày phải thay lưới đánh cá 1 lần.

Bị cuốn hút bởi lịch sử thuộc địa của Bảo tàng Sinh học với bộ sưu tập thực vật trong khuôn viên trường đại học, Lê Giang đã mang đến triển lãm “Người cắm hoa” - bộ 13 tác phẩm vẽ chì trên giấy. Giang nhận thấy người cắm hoa có rất nhiều cách để tạo dáng cho hoa, nhằm tạo hiệu ứng thị giác trong trang trí. Những động tác cắm hoa, tuy đầy nâng niu, nhưng lại bộc lộ sự tàn bạo âm thầm của ham muốn chiếm hữu và tước đoạt thiên nhiên của con người.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.