Khi ngôi sao thể hiện 'quyền lực'

TP - Chắc hẳn ai trong chúng ta khi chứng kiến những cảnh bạo lực, bắt nạt trực tiếp hay qua clip trên mạng xã hội đều thấy bức xúc, giận dữ, sôi máu… Nhất là trong trường hợp nạn nhân thuộc phe yếu thế như trẻ em, phụ nữ hay người cao tuổi.  

Những lúc như thế, trong ta nổi lên đầu tiên mong muốn trừ ác. Sau đó mới là đến lượt lý trí tìm cách giải quyết bằng những biện pháp tốt hơn để bảo vệ được người yếu mà mình không cần phải vi phạm pháp luật. “Like” và “share” cũng là một cách…

Khi ngôi sao thể hiện 'quyền lực' ảnh 1 Photo: .., Đàm Vĩnh Hưng “hành động” theo cách không giống ai trước nạn bạo hành trẻ em. Ảnh: Đỗ Thế Dương

Sự xuất hiện trên mạng của hàng loạt các clip bạo lực gia đình, bạo lực học đường… thời gian gần đây khiến cơn bức xúc trong xã hội luôn ở trạng thái âm ỉ dồn nén. Trong khi thiếu những thông tin đối trọng thể hiện động thái tích cực từ cơ quan thực thi pháp luật cũng như bảo vệ trẻ em, phụ nữ. Có thể những vị đại diện này còn bận công to việc nhớn chả có thì giờ vào mạng. Trong khi một người cũng bận rộn như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vẫn có.

Anh chứng kiến cảnh người bố tát con một cách tàn bạo trước sự bất lực của người mẹ, và trong một phút bộc phát cảm xúc đã viết những dòng chia sẻ hết sức “bá đạo” trên Facebook gọi người bố kia là kẻ vô lương tâm, máu lạnh, cần phải cách ly, “loại trừ khỏi xã hội trước khi hắn bị pháp luật trừng trị”. Có thể nói là những lời lẽ đanh thép, bạo liệt. Từ “loại trừ” được dùng hơi ngoa dụ chút. Nhiều người cũng có thể lên giọng bức xúc như thế, nhưng cái này là “sáng tạo” riêng của Mr. Đàm: trao thưởng 20 triệu cho ai đến tận nhà tát người kia đúng như anh ta đã tát con mình, quay lại làm bằng.  

Hưng nói đùa hay thật, chỉ anh mới biết. Nhưng trang nhà hơn 1 triệu người theo dõi của Hưng đã thực sự phát huy tác dụng. Nhìn đoàn (thấy bảo chừng 100) người rầm rập kéo tới nơi ở của ông bố kia thật là hết hồn. May phúc mà anh ta vẫn toàn mạng, chứ đám đông một khi đã lên cơn thì không biết đâu mà lường.

Nhóm “phản ứng nhanh” tập hợp qua mạng phạm những lỗi gì đã có luật sư phân tích. Có thể áp dụng định luật hiệu quả (Law of Effect) của nhà tâm lý học E.Thorndike vào đây: Có nhiều phản ứng có thể xảy ra với một sự kiện, trong đó phản ứng nào có khả năng được thưởng nhất sẽ trở thành thứ gắn kết với sự kiện. Nhưng về luật, để chứng minh được hành động phạm pháp của nhóm người này có liên quan đến lời kêu gọi của Đàm Vĩnh Hưng e hơi khó. Dường như đây không phải là một âm mưu với kẻ chủ mưu và một kế hoạch hành động, cho nên những người trực tiếp ra tay sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đầu tiên. Rất có thể với họ, Đàm Vĩnh Hưng là lẽ phải, là một thế lực có thể bảo lãnh cho họ. Nhưng thực tế ngôi sao và công chúng đều bình đẳng trước pháp luật.

Đây là một ví dụ khá đắt chứng minh quyền lực, ảnh hưởng của ngôi sao là có thật. Ngôi sao cũng cảm xúc, tư duy… như đại đa số. Sự khác biệt là khả năng tập hợp, và trong trường hợp này còn sai khiến được quần chúng dẫn tới vật chất hóa cảm xúc thành hành động. Một ngôi sao khác cũng vừa vận dụng quyền lực của mình là Ngô Thanh Vân khi cô đưa ra một số phát ngôn không chính thức trên trang cá nhân có ý xui người hâm mộ “tấn công”, “xóa sổ” trang cá nhân của Kacey Musgraves - nữ ca sĩ nhạc đồng quê từng đoạt vài giải Grammy người Mỹ.

Quả thực nếu là người Việt khó ai có thể không xốn mắt trước “sáng tạo” áo dài không quần cộng thêm những dáng điệu chụp hình khiêu khích của ca sĩ này. Khêu gợi, gây sốc bằng hình thể là điều nhiều ngôi sao quen làm trên sân khấu. Và rõ ràng Kacey đã phát hiện ra tà áo dài xứ Việt không kèm theo quần là công cụ không thể tốt hơn vào thời điểm này.

Có thể cô chỉ tư duy đến thế, nhưng cô còn bị dư luận khắp nơi không riêng từ Việt Nam lên án vì tội “cưỡng đoạt văn hóa” của một cộng đồng khác, thể hiện ở việc cô kiếm lợi từ áo dài nhưng không tìm hiểu hay tôn trọng bản sắc văn hóa của nó. Người ta lo ngại, với quyền lực của một ngôi sao, Kacey có thể nhân rộng sự hiểu biết méo mó về chiếc áo dài và rất có thể về cả chủ thể áo dài là người Việt. Việc lên tiếng rộng rãi đối trọng nguy cơ này là cần thiết, chỉ có bằng cách nào đó cho lịch sự, hiệu quả mà thôi.

Với mong muốn xoa dịu dư luận, một nhà tạo kiểu áo dài còn nói đại ý, các nhà thiết kế còn phải bỏ tiền thuê sao mặc đồ của mình, đây cô kia tự nguyện mặc cho là tốt rồi(!). Nhưng thực sự cô ấy đâu có “mặc”, mà chỉ muốn lạm dụng chiếc áo. Cha đẻ của áo dài - nhà thiết kế Lemur Cát Tường có sống lại chắc cũng chả chịu nổi, nữa là áo dài (dĩ nhiên bao gồm quần) từ lâu đã trở thành tài sản văn hóa chung của quốc gia. Đúng là việc một nghệ sĩ nước ngoài chọn áo dài Việt Nam nguyên bản làm trang phục biểu diễn không trong khuôn khổ ngoại giao là rất hiếm, có lẽ đây là trường hợp đầu tiên. Nhưng ngay cả “hoàng đế cởi truồng” không đúng chỗ vẫn cần phải được nhắc nhở.

Vài năm trước, tạp chí Heritage Fashion thực hiện một bộ ảnh áo dài công phu với phần dưới của tà áo in hình nhiều danh lam thắng cảnh thế giới. Chiếc áo in hình chùa vàng Shwedagon- quốc tự của Myanmar được chọn làm bìa. Tưởng rằng người Myanmar không rưng rưng cảm động thì thôi, ai dè họ phản ứng dữ dội, coi đây là hành động xúc phạm văn hóa tín ngưỡng không thể chấp nhận. Cơ quan chủ quản tạp chí, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã phải xin lỗi và thu hồi ấn phẩm nọ. Còn nếu người Myanmar cho qua hành động này, có lẽ khi đó nước Myanmar cũng chẳng còn, hoặc đã bị văn hóa phương Tây đồng hóa hoàn toàn.

MỚI - NÓNG