Không nhất thiết phải quyên tiền chống dịch

Đội ngũ tư vấn của Hà Anh Tuấn bên phòng cách ly áp lực âm tặng Bệnh viện dã chiến Củ Chi
Đội ngũ tư vấn của Hà Anh Tuấn bên phòng cách ly áp lực âm tặng Bệnh viện dã chiến Củ Chi
TP - Sáng 13/3, ca sĩ Hà Anh Tuấn đã đi đầu showbiz Việt ủng hộ chiến dịch chống Covid – 19 bằng ba phòng cách ly áp lực âm để phục vụ điều trị. Ngay sau đó, một số ca sĩ đồng loạt lên tiếng ủng hộ tiền và hiện vật như Tùng Dương, Chi Pu, Tóc Tiên, Hồ Ngọc Hà...

Những thông tin này ít nhiều làm giảm đi không khí căng thẳng của việc số bệnh nhân dương tính cứ tăng lên mỗi ngày hiện nay.

Từ thiện cũng là một môn học

Việc Hà Anh Tuấn lấy danh nghĩa cá nhân (cùng với một vài người bạn khác) để tài trợ ba phòng cách ly áp lực âm cho công tác chống dịch được giới truyền thông đánh giá là “chiến dịch từ thiện cực kỳ hiệu quả và khôn ngoan”. Hiệu quả vì nó đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn này. Khôn ngoan bởi Tuấn đi đầu và tự bỏ tiền túi chứ không đứng ra quyên góp cộng đồng như cách mà nhiều người làm từ thiện ở Việt Nam hay áp dụng.

Thông qua sự việc lần này, Hà Anh Tuấn một lần nữa chứng tỏ trình độ ứng xử khi mời hẳn một đội ngũ chuyên môn tư vấn cách chọn quà tặng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn và ông Rob De Zwart, chuyên gia cao cấp của tập đoàn Y tế về giải pháp chống khủng hoảng sinh học và bệnh lây nhiễm CHLB Đức - Deconta, đã “tham mưu” giúp Tuấn lựa chọn được đúng thứ mà đối – tượng – cần chứ không chỉ đơn thuần là cái – mà – mình – nghĩ người khác thiếu. Việc ngôi sao này hứa hẹn “sẽ tiếp tục tiếp cận chủ động đề nghị tài trợ tiếp cho những tỉnh thành khác (ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Ninh) dựa trên nhu cầu diễn biến thực tế của cơn dịch lần này” khiến cho điểm cộng của anh lên vùn vụt.

Bác sĩ Vinh Trần (tổ chức Bác sĩ không biên giới – Médecins sans frontières) nhận xét: “Tôi khá thú vị khi biết một ngôi sao tại Việt Nam lại có thể làm được một cách tỉ mỉ và hiệu quả như thế, cho đến khi tôi biết anh ấy có đội ngũ tư vấn. Điều này ở nước ngoài là rất bình thường. Chúng ta không phải là chuyên gia trong tất cả mọi lĩnh vực. Làm từ thiện cũng là một lĩnh vực cần học vấn, không phải bạn thích cho cái gì cũng được”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (BV Bạch Mai) phân tích về tác dụng của phòng cách ly áp lực âm như sau: “đây là không gian chữa bệnh gần như lý tưởng nhất hiện nay. Áp lực âm sẽ hút không khí vào bên trong rồi chạy ra ngoài qua màng lọc được thiết kế đặc biệt, lọc được cả virus rất nhỏ, làm giảm tối đa khả năng lây lan”. Cũng theo bác sĩ Tuấn, mặc dù có hiệu quả cao trong điều trị (nhất là đối với những bệnh có khả năng lây nhiễm chéo) nhưng vì chi phí đắt (trung bình khoảng 600-700 triệu đồng/ phòng) nên hệ thống y tế của ta chưa phát triển rộng được mô hình này.

Học theo Hà Anh Tuấn, Tùng Dương, Tóc Tiên, Chi Pu, Hồ Ngọc Hà, Lý Quý Khánh và một số ngôi sao khác cũng lần lượt quyên tiền và khẩu trang, lương thực... để giúp các vùng có dịch. Song nếu xét về độ khó của việc “đầu tư trúng đích” thì rõ ràng Tuấn kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện cả nước chống dịch như hiện nay, việc các sao tự nguyện đóng góp được dân mạng đánh giá cao, ít nhất hơn rất nhiều “tỷ phú đô la, chứng khoán” vẫn đang im hơi lặng tiếng.

Đã đến lúc cân nhắc việc cá nhân đứng ra quyên góp

Giống như rất nhiều dịp thiên tai, dịch bệnh khác, trong thời điểm virus Covid- 19 hoành hành, nhiều cá nhân, tổ chức đã tự đứng ra quyên góp tiền để “tặng bệnh nhân”, “ủng hộ bác sĩ”...

Gần như mỗi một ngày trên mạng xã hội lại xuất hiện rất nhiều lời kêu gọi “ai có tiền gửi tiền, ai có gạo gửi gạo”... để giúp dân chống dịch. Và cũng lại giống như trong rất nhiều dịp quyên góp khác, đã bắt đầu có những xì xào về việc quyên tiền thiếu minh bạch.

Ngày 10/3, một tài khoản có tên là Dương Ngọc đã lên tiếng tố cáo chủ topic “Chung tay chống Covid-19” vì không minh bạch tài chính khi quyên góp và “không trả lời bất cứ thắc mắc nào về tiền của những người tham gia đóng góp”.

Trong ngày 1/3 nhóm Smile 19 cũng đã tung ra nhiều bằng chứng “mâu thuẫn nội bộ” về mục đích sử dụng tiền quyên góp để mua khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn tặng công nhân một số nhà máy lớn ở Hải Dương.

Theo bác sĩ Vinh Trần, ở Pháp và các nước châu Âu nói chung, việc một cá nhân đứng ra quyên góp từ thiện bị coi là phạm pháp. Chỉ có những tổ chức được cấp phép mới được phép làm việc này. Và luôn luôn có những tổ chức kiểm toán độc lập kiểm tra sổ sách, giấy tờ của các tổ chức từ thiện theo định kỳ. Nếu phát hiện sai phạm (chi sai mục đích, số tiền thu và chi không khớp, thiếu hóa đơn chứng từ...) thì những người đại diện của tổ chức từ thiện sẽ bị xử lý theo luật.

Ở Việt Nam hiện nay, theo luật sư Nguyễn Sơn Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội), chưa có luật nào cấm cá nhân đứng ra quyên tiền từ thiện. Theo ông Hà, nhà nước Việt Nam cũng nên cân nhắc và ban bố Luật cấm quyên góp đối với các cá nhân. Việc để những tổ chức có tư cách pháp lý đứng ra quyên góp là hợp lý, tuy nhiên, cũng phải có chế tài kiểm tra, kiểm soát nguồn tiền để công khai, minh bạch, tránh tình trạng lợi dụng từ thiện để làm giàu bất chính.

Chị Nguyễn Minh Mỹ (Hà Nội, nguyên sáng lập tổ chức từ thiện “Lá lành đùm lá rách”) cho biết: “Kể từ sau khi tôi chứng kiến một gia đình người Mông ở Lào Cai dùng tiền từ thiện để mua xe máy thay vì mua bò, tôi không còn làm từ thiện theo kiểu “cho yên lòng” nữa. Dịp covid-19 này nhiều bạn bè cũng hỏi tôi sao không đứng ra quyên góp, tôi bảo vì chưa tìm thấy thứ mà xã hội đang thực sự cần. Song tới đây, “Lá lành đùm lá rách” có thể sẽ khởi động lại. Tôi mới đọc được tin các nhà khoa học Việt Nam đã sáng chế ra buồng khử khuẩn di động chỉ cần 20 giây là đủ khử khuẩn toàn thân. Chúng tôi sẽ mua buồng này để ở khu dân cư vừa giúp mọi người vừa ủng hộ các nhà khoa học”.

Ủng hộ chống dịch không nhất thiết là tiền

Để ủng hộ chính phủ chống dịch, có nhiều cách, mà không nhất thiết phải đứng ra quyên tiền hoặc đóng tiền.

Từ đợt đầu, khi dịch bệnh mới lan ra, hàng hóa bị ách lại do cửa khẩu không thông, ông Kao Siêu Lực (Cty Bánh ngọt ABC barkery) đã sáng chế ra công thức bánh mỳ thanh long ruột đỏ và chia sẻ công thức miễn phí để ai ai cũng có thể làm được. Hành động đẹp này của ông Lực đã giúp nông dân một số nơi giải phóng lượng hoa quả ứ đọng do không xuất khẩu được. Quan trọng hơn, nó tạo ra cả một trào lưu “làm bánh mỳ giải cứu nông dân”. Khắp nơi trên mạng xã hội người ta khoe những cái bánh mỳ màu hồng tím như một động thái chung tay ấm lòng mùa dịch bệnh.

Hoặc vào tối 13/3, một chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc đã khiến rất nhiều “kẻ bi quan” lên tinh thần. Theo đó, Anh Ngọc cho biết: Tối 13/3, có một cuộc hẹn hò tập thể trên ban công và cửa sổ các căn hộ ở Italia, đất nước đang phong toả toàn bộ và người dân thì được khuyến cáo ở trong nhà. Họ đã làm gì? Hàng triệu người ra đó hát, chơi các loại nhạc cụ hoặc thậm chí mang xoong nồi ra gõ. Đấy là một trong những cách mà người Ý đang làm lúc này để không chỉ làm cho mình bận rộn, mà còn động viên nhau, thể hiện sự lạc quan, hy vọng và yêu đời trong cảnh dịch virus corona”.

Ngay sáng hôm 14/3, đã có hàng chục hội nhóm “lấy cảm hứng từ Italia” rủ nhau “hòa nhạc online” để lên tinh thần chống dịch. “Tiếng hát át Cô Vy” là slogan mà nhóm này lan tỏa và “Ghen cô Vy” là ca khúc được rất nhiều nhóm thống nhất chọn là tác phẩm “đinh”. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, ai có tiền đóng tiền, ai nghèo đã rồi thì ngồi mà hát” thành viên Minh Yêu Nhạc viết!

KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) Nguyễn Huy Khôi có một cách kêu gọi “ủng hộ” khác: “trước hết là tự nguyện, tự giác tuân thủ đúng các yêu cầu của cơ quan chức năng, đặc biệt là việc khai báo y tế và cách ly khi cần thiết, đó là bạn đã giúp đất nước rồi, đừng xoắn vì mình không có một tỷ để giúp đỡ nhân dân”. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.