Kích cầu, giải cứu du lịch

Tẩy trùng, vệ sinh các điểm du lịch tại Hà Nội
Tẩy trùng, vệ sinh các điểm du lịch tại Hà Nội
TP - Ngừng than thở, tránh bi quan để vạch ra những giải pháp tức thời và lâu dài, đó là phương châm Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện, đưa du lịch thoát cơn khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra.

DỒN LỰC

Hiệp hội Du lịch Việt Nam chiều 5/2 họp trực tuyến với nhiều điểm cầu khắp cả nước, nhằm cùng các hiệp hội du lịch, ngành du lịch các tỉnh thành bàn giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona đối với du lịch
Việt Nam.

Du lịch vốn là một trong những lĩnh vực nhạy cảm trước thiên tai, chiến tranh và dịch bệnh. Thiệt hại về du lịch thấy rõ trong những ngày dịch Corona tác động tới nước ta. Tại Hà Nội, lượng khách hủy phòng tính đến 4/2 lên tới hơn 13 nghìn phòng, tương đương hơn 1,6 vạn khách; các hoạt động vận chuyển giảm 30-50%.

Thừa Thiên - Huế dù chưa có ca nào mắc bệnh, tuy nhiên Corona khiến du lịch tỉnh sụt giảm ít nhất 10%. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thông báo, khách quốc tế đến Đà Nẵng giảm 30-40%, còn công suất lưu trú khách sạn chỉ đạt khoảng 30%. Quảng Ninh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, thường ngày khoảng 12 nghìn khách tham quan vịnh Hạ Long, nay còn 3 nghìn, dự kiến giảm nữa trong những ngày tới.

Không đứng yên nhìn dịch lan rộng, những người đứng đầu các Hiệp hội, Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh thành chia sẻ câu chuyện toàn ngành dốc sức chống dịch. Tất cả khách sạn tăng cường giải pháp khử trùng, phát khẩu trang miễn phí cho du khách, hoặc tham gia tập huấn để phối hợp với ngành y tế phản ứng trong tình huống nghi có khách bị nhiễm virus Corona. Đó mới là giải pháp tình thế, Hiệp hội Du lịch khuyến khích địa phương và doanh nghiệp phối hợp tìm cách giải cứu ngành du lịch.

KÍCH CẦU

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nêu một loạt việc trước mắt của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và địa phương. Một trong những việc đó là phát huy mối quan hệ thân thiết giữa Hiệp hội và các hiệp hội du lịch của Nhật Bản, Mỹ nhằm thu hút và thúc đẩy giao lưu trao đổi khách du lịch.

Kích cầu, giải cứu du lịch ảnh 1
Kích cầu, giải cứu du lịch ảnh 2 Nhiều di tích ở Hà Nội mở cửa trở lại đón du khách. Ảnh: KỲ SƠN
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu quan điểm: Bên cạnh tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ và Bộ VHTTDL về phòng, chống dịch bệnh, ngành du lịch “không được quên nhiệm vụ của mình là phục vụ khách. Vì vậy, các địa phương tích cực nêu giải pháp, chung tay thu hút khách và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh khẳng định, tỉnh này nắm bắt tình thế nhanh, đề xuất nhiều giải pháp khả thi. “Chúng tôi vẫn mở cửa cho khách tham quan vịnh Hạ Long, không thể để các hoạt động ngừng trệ. Chúng ta không nên cấm, dừng triệt để hoạt động ở các điểm không có dịch”, bà Nguyễn Thị Bảo nói. Sáng kiến của Quảng Ninh là tranh thủ lúc vắng khách (do dịch bệnh) tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung nâng cấp cơ sở vật chất tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú để nâng cao chất lượng phục
vụ khách.

Thúc đẩy các gói kích cầu du lịch là một trong những giải pháp được nhiều hiệp hội nhắc tới và đồng thuận. Ông Cao Trí Dũng cho rằng, sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi các địa phương cần ổn định thị trường để khôi phục các hoạt động du lịch. Lãnh đạo các Sở Du lịch nhiều địa phương đề xuất nên khảo sát đưa ra các gói kích cầu hợp lý. Đại diện Sở Du lịch Lào Cai đề xuất, cần liên kết kích cầu nội địa. Các nước trong khu vực cũng có những giải pháp cạnh tranh hút khách Việt. Cần liên kết để giảm giá vé máy bay, ô tô, khách sạn, điểm du lịch, thậm chí giảm giá quyết liệt để giữ khách trong nước, kích cầu nội địa.

Dịch bệnh lần này cũng là dịp để nhìn lại và thử thách ngành du lịch, không thể cứ trông chờ vào một nguồn khách chủ lực được. Sự sụt giảm lớn của khách Trung Quốc chắc chắn tác động không nhỏ, tuy nhiên không phải là không thể khắc phục. “Đây chính là vấn đề đòi hỏi đa dạng hóa thị trường khách du lịch”, ông Vũ Thế Bình nói. Ông Hoàng Quốc Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho rằng, có những thời điểm Khánh Hòa là trung tâm chuyên đón khách Nga và Trung Quốc nhưng nên nhớ trước thời điểm đó chúng ta chủ yếu phục vụ khách nội địa. Đây cũng là thời điểm nên đưa ra các chính sách thu hút, kích cầu khách trong nước.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: Khách nội địa là thị trường đảm bảo tính bền vững. Hà Nội cũng chủ động đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc nhiều vào một số thị trường nhất định. Du lịch Hà Nội gấp rút khảo sát, xúc tiến thị trường Philippines, Indonesia để có thể đón khách sớm. Nhiều địa phương đề xuất liên kết, lựa chọn các thị trường mới, thị trường tiềm năng, để xúc tiến du lịch có hiệu quả
cao hơn.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam tập hợp các kiến nghị, đề xuất Chính phủ có chính sách ưu đãi, quan tâm tới doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong thời gian tới để đưa du lịch thoát khỏi ảnh hưởng xấu từ dịch bệnh.

HÀ NỘI ĐÓN KHÁCH TRỞ LẠI

Một số di tích, danh lam-thắng cảnh của Hà Nội tạm dừng đón khách ngày 5/2 được đánh giá là quá “vội vàng, cẩn trọng”. Thủ tướng đã chỉ đạo chưa dừng đón khách du lịch.

Chiều 5/2, ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội cho biết: các di tích, danh thắng của Hà Nội mở cửa đón khách từ 7h ngày 6/2, sau khi được phun khử trùng. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho Tiền Phong biết, sau khi đóng cửa từ 15h chiều 4/2, Trung tâm phối hợp cơ quan chuyên môn phun khử trùng để chuẩn bị mở cửa, đón khách trở lại. Các di tích khác như Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu cũng được phun khử trùng trong ngày 5/2.

MỚI - NÓNG