Liên hoan Tôi yêu tiếng nước tôi 2019: Nối vòng tay lớn bằng âm nhạc

Liên hoan nghệ thuật toàn thế giới Tôi yêu tiếng nước tôi 2019 tại Ba Lan quy tụ 31 thí sinh Ảnh: NHƯ Ý
Liên hoan nghệ thuật toàn thế giới Tôi yêu tiếng nước tôi 2019 tại Ba Lan quy tụ 31 thí sinh Ảnh: NHƯ Ý
TP - “Chúng tôi không tìm kiếm tài năng âm nhạc xuất chúng, mà coi đây là sân chơi nối vòng tay lớn cộng đồng người Việt trên thế giới bằng âm nhạc”, NSND Thanh Hoa, Trưởng BTC Liên hoan Nghệ thuật toàn thế giới “Tôi yêu tiếng nước tôi” 2019 tại Ba Lan nói.

YÊU NƯỚC BẰNG TIẾNG HÁT

Liên hoan Nghệ thuật toàn thế giới lần thứ 2 “Tôi yêu tiếng nước tôi” 2019 diễn ra từ 12-15/9 tại thủ đô Warszawa, Ba Lan do Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức. Tham dự họp báo chiều 15/8 tại trụ sở báo Tiền Phong có ông Phạm Gia Hậu, Chủ tịch Hội VHNT Việt Nam tại CH Séc, ông Đan Anh Tuấn- đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

NSND Thanh Hoa, Trưởng BTC thông báo cả thảy có 31 thí sinh xuất sắc được lựa chọn. Trong đó 8 thí sinh tới từ CHLB Đức, 5 thí sinh Ba Lan, 2 bạn từ Hungary, 5 bạn ở Liên bang Nga, 2 ở Thái Lan, 5 ở Cộng hòa Séc, 1 thí sinh Pháp và 3 từ Việt Nam. Mỗi người phải biểu diễn một ca khúc dân ca nguyên thể, một ca khúc tự chọn bằng tiếng Việt. Lựa chọn ca khúc dân ca của thí sinh khá đa dạng, từ dân ca Bắc bộ, quan họ Bắc Ninh, dân ca Thái, dân ca Xê Đăng cho tới hát văn.

“Quy định buộc phải hát một bài dân ca nguyên thể nhằm bảo tồn vốn quý của Việt Nam. Tôi nghĩ đây là sân chơi đầu tiên nối vòng tay lớn cho người Việt Nam trên toàn thế giới bằng âm nhạc”, NSND Thanh Hoa nói. Người Việt xa quê hương hát ca khúc tiếng Việt, đến với nhau để nhớ về quê hương đất nước. Trả lời thắc mắc của báo chí về việc chọn hợp tác với Cty CP Tiền Phong (báo Tiền Phong), Trưởng BTC đánh giá uy tín của tờ báo truyền thống và đặc biệt luôn ủng hộ văn hóa cội nguồn.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiền Phong đánh giá việc APPA phối hợp các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước tổ chức “Tôi yêu tiếng nước tôi” là hành động vô cùng đáng quý. “Liên hoan vô cùng ý nghĩa bởi hướng người Việt yêu nền văn hóa, tiếng nói của ông cha và hướng về Tổ quốc nhiều hơn. Bởi tiếng nói là một trong số dấu hiệu phân biệt người Việt với nhân dân thế giới”. Nhà báo Lê Xuân Sơn ấn tượng với Tình ca của Phạm Duy, liền mời NSƯT Việt Hoàn thể hiện. Giám khảo Việt Hoàn và ca sĩ Thu Hương hiện sinh sống tại châu Âu cất giọng rưng rưng: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi”.

Liên hoan Tôi yêu tiếng nước tôi 2019: Nối vòng tay lớn bằng âm nhạc ảnh 1 Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong kỳ vọng chương trình gìn giữ và tôn vinh tiếng Việt. Ảnh: NHƯ Ý

LAN TỎA VĂN HÓA VIỆT

Từ cuộc thi Tôi yêu tiếng nước tôi lần đầu năm 2015 tại châu Âu, NSND Thanh Hoa đau đáu tìm kiếm sự hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước duy trì và phát triển sân chơi âm nhạc ý nghĩa này. Năm nay, BTC nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Vụ Văn hóa-Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung Ương) và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL).

Ông Phạm Gia Hậu, Chủ tịch Hội VHNT Việt Nam tại CH Séc chia sẻ nỗi niềm của đơn vị phối hợp tổ chức năm ngoái. Nhiệt huyết có thừa nhưng kinh phí có hạn, BTC phải huy động mọi nguồn lực xã hội hóa. Tuy thế ông Hậu đánh giá đây là một chương trình ý nghĩa, đầy nhân văn để bảo tồn văn hóa và tiếng nói nước Việt. Nhiều thế hệ người Việt tại nước ngoài dần xa lạ với ngôn ngữ mẹ đẻ, chính vì thế hát tiếng Việt cũng là cách học và gìn giữ ngôn ngữ cha ông.

Trên cương vị đơn vị phối hợp tổ chức năm nay, bà Nguyễn Việt Triều- đại diện Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cũng nêu vài điều khó, nhưng trên hết những người tổ chức dựa vào sự đoàn kết, tinh thần của kiều bào ở Ba Lan và toàn thế giới trong quá trình vận động các hoạt động đậm chất văn hóa Việt. NSND Thanh Hoa khẳng định những người thực hiện gặp nhau ở đam mê, nếu thiếu điều ấy hẳn khó có thể ấp và nuôi dưỡng “Tôi yêu tiếng nước tôi”.

Không phải nơi tìm kiếm tài năng âm nhạc xuất chúng, tuy nhiên NSND Thanh Hoa khẳng định BTC tìm ra những nhân tố xuất sắc trong cộng đồng, từ đó lan tỏa trở thành trào lưu Tôi yêu tiếng nước tôi bằng âm nhạc. Ca sĩ Lê Trọng Việt- giành Huy chương Vàng liên hoan năm 2018 nói rằng, từ cuộc thi trở về anh ý thức hơn tới việc chọn bài hát ý nghĩa, truyền tải tiếng Việt trong sáng tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài. “Duy trì tiếng Việt là trách nhiệm của bản thân với con cái, gia đình và sau đó là cộng đồng. Tôi luôn mong con cái chúng tôi lớn lêu đều yêu tiếng Việt, yêu nước Việt và quay về quê hương”, anh nói.

__________

Từ cuộc thi Tôi yêu tiếng nước tôi lần đầu năm 2015 tại châu Âu, NSND Thanh Hoa đau đáu tìm kiếm sự hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước duy trì và phát triển sân chơi âm nhạc ý nghĩa này. Năm nay, BTC nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Vụ Văn hóa-Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung Ương) và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL).

__________

 Cuộc thi dành cho thí sinh người Việt sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước, phần lớn được tuyển lựa từ các cuộc thi do người Việt tổ chức trước đó. 31 thí sinh dự liên hoan tại Ba Lan sau khi tập trung và rút thăm thứ tự bước vào ngày thi dân ca 14/9, thi bài hát tự chọn vào ngày 15/9. Lễ trao giải diễn ra 15/9/2019. Ban tổ chức dự kiến trao 5 Huy chương vàng, 10 huy chương Bạc, 15 Giải Khuyến khích, tặng Cúp và Bằng chứng nhận cho thí sinh.

MỚI - NÓNG