Lời ru buồn vời vợi đại ngàn: Vòng xoáy đông con, nghèo đói

Chị Lầu Thị Thế nấu bánh sừng bò cho chồng con
Chị Lầu Thị Thế nấu bánh sừng bò cho chồng con
TP - Đằng sau những ngôi nhà xập xệ ở các bản làng cheo leo heo hút phía bìa rừng là cuộc sống của những gia đình sống trong vòng luẩn quẩn đông con - đói nghèo.

Lấy chồng sớm làm gì?

Tây Nguyên mùa khô, mùi nắng gió ngai ngái sém vào thịt da, vào đầu trần tóc cháy, mọi thứ khô cong. Đi qua những con đường đất đỏ gió ràn rạt làm đất tung bụi mịt mù. Không gian đỏ nhờ, cảnh vật lấm lem. Giữa khung cảnh đó ta dễ thất thần trước bóng mình đổ nghiêng chấp chới trên nền đất tơi khô.

Chị Sùng Thị Thung lùa đàn bò về chuồng. Ngôi nhà ván nhỏ nằm giữa thôn, 5-6 đứa trẻ líu nhíu bằng nhau đen nhẻm chụm đầu lại nghịch đất. Trong nhà, đứa nhỏ nằm trên giường, còm nhom mở to đôi mắt đen tròn ngơ ngác nhìn. Thung đưa đôi bàn tay khẳng khiu, cháy nắng xoa xoa má con. Thung bảo: Em ít sữa không đủ cho bé. Nhà chỉ có mấy sào cà phê. Mấy năm nay giá cà phê tụt dốc nên cuộc sống của gia đình chật vật, khó khăn. Chồng đi làm rẫy và làm thuê để có cái ăn hằng ngày, làm gì có tiền mua thêm sữa cho con”.

Thung còn chưa hết nét ngây ngô của tuổi thơ. Bước qua tuổi 14, sau mấy lần trăng sáng hẹn hò nơi rẫy sắn thì mang bầu. Cái thai quá lớn gia đình đành cho Thung lấy chồng không đăng ký kết hôn. Miên man trong nỗi niềm khó tả, chính bản thân Thung cũng không lý giải được vì sao mình lại yêu sớm và thích làm chuyện người lớn khi chưa thạo mặt chữ. Thung bảo: Lúc sinh con khi mới 15 tuổi, không biết cách bế, cách cho con bú. Người lớn phải chỉ từng tí.

Lời ru của người mẹ trẻ vọng ra từ căn nhà nhỏ bên sườn núi, hút vào đại ngàn sâu thẳm. Sùng Thị Chậu (SN 1998) bế đứa con nhỏ đợi chồng đi rẫy về. Vơ vội đống quần áo trên giường dồn vào một góc lấy chỗ cho khách, Chậu nói, chồng đi làm tối mới về. Vừa lúc 3 đứa con chạy ùa vào nhà trên tay cầm một rổ cá, cua, ốc lẫn lộn đổ ào vào xô. Tôi hỏi Chậu: Sao em lấy chồng sớm vậy? Chậu vô tư: Yêu thì lấy thôi. Trước khi cưới, chồng mình còn đi chơi bắn bi, đá bóng với bạn bè trẻ con cùng trang lứa. Im lặng một lúc, Chậu chia sẻ: Nhà mình nghèo lắm. Mình có bầu rồi quanh quẩn sinh con nên không làm được gì cả. “Thế em còn đẻ nữa không”, Chậu bảo: Chồng mình nói phải đẻ thêm 2 đứa con trai nữa để sau này mình già có người làm rẫy giúp. Chồng nói thì phải chiều chồng thôi. Người Mông nhà nào cũng vậy, đều đẻ nhiều để có sức lao động trong nhà”.

Dọc theo bản làng chúng tôi qua đằng sau mái tranh phên nứa, tuổi trăng tròn của những bà mẹ trẻ con ấy không thể đẹp mộng mơ nữa khi họ rời trường học để lấy chồng. Những đứa trẻ cứ tiếp tục ra đời. Cuộc sống trong cái vòng luẩn quẩn lấy chồng sớm - đông con - đói nghèo ấy vẫn cứ thế âm thầm trôi.

Con đàn, cháu đống

Những buôn làng người Mông ẩn hiện trong sương núi, sâu hun hút. Những mái nhà xiêu vẹo, dưới lưng chừng núi, khói bếp tỏa lên không trung, váy áo sặc sỡ của người Mông được vắt trước hiên nhà. Trong căn nhà ván nhỏ không có thứ gì giá trị. Hai chiếc giường to là chỗ ngủ cho 5 đứa con nhỏ choán hơn nửa diện tích nhà. Chị Lầu Thị Thế bước ra từ chái bếp gần đó, ngỡ ngàng bối rối khi thấy người lạ đến nhà. Câu chuyện của chị với chúng tôi thông qua phiên dịch của anh Tu, Bí thư đoàn thôn. Chị đang nấu bánh sừng bò cho gia đình. Đây là món bánh ngày tết, ngày thường thỉnh thoảng chị vẫn làm cho chồng con ăn, chỉ khác là không có nhân bánh. Gạo gói vào lá chuối rồi nấu lên thành bánh. Người mẹ 33 tuổi cùng 5 đứa con thơ khép nép ở góc nhà. Chị bảo, lấy chồng rồi đẻ con nên chị phải ở nhà. Kinh tế gia đình đè lên vai người chồng. Ngoài làm nương rẫy chồng còn đi buôn bán. “Sao chị đẻ nhiều vậy”, tôi hỏi. Chị nói: Chồng ưng bụng, mình có thai rồi đẻ thôi. Ở đây có nhiều nhà đông con hơn nhà tôi.

Ánh nắng vàng vọt rọi trên những mái nhà thấp lè tè. Những đám cỏ khô queo càng xác xơ trong gió. Trước sân 6 đứa trẻ chơi trò đuổi bắt, chị Vàng Thị Chư thò đầu ra phân bua khi tôi hỏi các cháu này là con chị à: “Chồng tôi đi rẫy, mỗi khi uống rượu rồi hứng lên, tôi cản không nổi nên có con. Tôi có đặt vòng tránh thai nhưng khó chịu lắm phải tháo ra. Bao cao su thì lần nào cũng bị ông chồng xé rách, đeo cũng như không”. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì anh cán bộ xã đi cùng giải thích, hễ nghe tiếng xe máy đến nhà là họ nghĩ ngay cán bộ ở xã đến thăm, vận động tuyên truyền. Qua câu chuyện với chị, được biết chị về nhà chồng khi mới 16 tuổi. Chư vẫn chưa làm được gì ngoài sinh con, do đó, kinh tế gia đình rất khó khăn.

Trên sườn đồi có một phụ nữ đang tất bật bó cỏ. Dừng tay tiếp chuyện, chị Vàng Thị Sùng (36 tuổi) nói tiếng Kinh khá rõ. Nhà chị có 6 đứa con. Chị bảo: Mình không biết chữ, nhà lại ít rẫy, hai vợ chồng cố gắng làm nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Nếu con không đi học lại quẩn quanh với núi đồi rồi khổ như bố mẹ. Việc lấy vợ, lấy chồng của người Mông ở đây cũng hồn nhiên như cỏ cây, hoa lá trong rừng. Chỉ cần thấy thích nhau là về nói với bố mẹ mang lễ đến hỏi là thành vợ chồng. Câu chuyện dựng vợ gả chồng của đồng bào có từ lâu đời, như một lẽ tự nhiên.

Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: Đồng bào dân tộc ở xã chiếm 90%. Đồng bào Mông hơn 70%, tỉ lệ hộ nghèo gần 60% dân số của xã. Thực tế tình trạng tảo hôn xảy ra lâu nay hiện đang có chiều hướng giảm dần 3 -4 năm trở lại đây. Không chỉ chính quyền địa phương, hằng năm cơ quan chức năng của huyện, tỉnh cũng có những chương trình lồng ghép tuyên truyền vận động cho người dân hiểu về tình trạng tảo hôn. Nhưng do phong tục tập quán của người Mông là lập gia đình sớm nên khó chấm dứt được tảo hôn.

Qua mấy ngày lưu lại xã vùng sâu này, chúng tôi không khỏi băn khoăn bởi lực bất tòng tâm của cán bộ chính quyền lẫn các bậc phụ huynh trước hủ tục này. Người đẻ thì dửng dưng, còn người đi tuyên truyền thì lo sốt vó. Mặc dù chính quyền tổ chức lồng ghép nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân, các biện pháp tránh thai đến từng mái nhà heo hút nhưng kết quả xem ra chẳng được là bao...            (Còn nữa)

Lời ru buồn vời vợi đại ngàn: Vòng xoáy đông con, nghèo đói ảnh 1 Những đứa trẻ người Mông bắt ốc, cua, cá ở các vũng nước gần ruộng

Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: Đồng bào dân tộc ở xã chiếm 90%. Đồng bào Mông hơn 70%, tỉ lệ hộ nghèo gần 60% dân số của xã. Thực tế tình trạng tảo hôn xảy ra lâu nay hiện đang có chiều hướng giảm dần 3 -4 năm trở lại đây.

 
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).