Ly kỳ chuyện 4 nữ nhà văn miền Bắc được tung vào chiến trường miền Nam

TPO - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có một sự việc ít người biết đến, đó là có 4 nữ nhà văn miền Bắc được huấn luyện để đưa vào miền Nam phục vụ cho mặt trận văn hóa văn nghệ. Bốn nữ nhà văn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đó là các nữ nhà văn Trần Thị Thắng, Hà Phương, Vũ Thị Hồng và Bùi Thị Chiến. 

Những cuộc chiến đấu khốc liệt tại miền Nam đã làm cho lực lượng văn hóa văn nghệ hao hụt nhiều do nhiều nhà văn, nhà thơ bị hy sinh, bị thương, ốm đau, một số được chuyển ra Bắc để an dưỡng. Bù đắp sự thiếu hụt đó, năm 1970 Trung ương đã mở lớp đào tạo văn nghệ sĩ để bổ sung cho chiến trường miền Nam. Lớp học này gọi lớp khóa 4 của Hội nhà văn Việt Nam, do nhà văn Nguyên Hồng (thường gọi là đốc Hồng) trực tiếp phụ trách giảng dạy.

Lớp viết văn này gồm có 61 học viên, đều được tung vào chiến trường B. sau này nhiều người thành danh như ông Phạm Quang Nghị (Bí thư Thành ủy Hà Nội), Phan Xuân Biên (Trưởng ban Tuyên giáo  Thanh ủy TPHCM), Lê Quang Trang (Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Dương Trọng Dật (Tổng biên tập báo SGGP)...  Trong lớp học này chỉ có 4 nhà văn nhà thơ nữ là Trần Thị Thắng, Hà Phương, Vũ Thị Hồng và Bùi Thị Chiến. Cả bốn nữ nhà văn này trọn đời theo nghiệp sáng tác. 

Ly kỳ chuyện 4 nữ nhà văn miền Bắc được tung vào chiến trường miền Nam ảnh 1 Tấm ảnh chụp chung tại Đình Bảng (Bắc Ninh) trước khi đi B. Từ trái sang: Trần Thị Thắng, Bùi Thị Chiến, Đỗ Thị Thanh (Hà Phương), Vũ Thị Hồng

Nhà văn Trần Thị Thắng kể: "Lúc đó chúng tôi đều là sinh viên năm thứ ba, chỉ có Chiến là học xong năm thứ tư, đều là sinh viên Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học xong lớp viết văn, chúng tôi lên Hòa Bình, học bắn súng, đeo ba lô gạch. Lần đầu tiên học  bắn súng. Tôi có ông chú mới ở chiến trường ra, tìm đến tận Hòa Bình để xin cho tôi ở lại vì chiến trường rất khốc liệt, nhưng tôi bảo chú là: Cháu quyết đi". Chú bảo: “Cháu vào đó có thể bị sốt, có thể gặp biệt kích, xuống chiến trường có khả năng hy sinh. Nhớ là sốt rét đừng nằm li bì, phải đi lại”.

Trước khi vào chiến trường, 4 nhà văn trẻ được cho đi tham quan các di tích thắng cảnh của miền Bắc, động viên tinh thần. 

Ly kỳ chuyện 4 nữ nhà văn miền Bắc được tung vào chiến trường miền Nam ảnh 2 Trần Thị Thắng, Vũ Thị Hồng trước lúc lên đường

Đoàn Nam Bộ ra đi ngày 15/4/1971, tới ngày 16/4/197 đoàn khu Năm đi. 4 nhà văn được chia theo hai mũi, Trần Thị Thắng và Hà Phương vào Nam Bộ, Vũ Thị Hồng và Bùi Thị Chiến vào khu 5. Giao liên liên tục dẫn đường. Dọc đường đi còn có bộ đội đi nhiều tiểu đoàn. Có cao xạ bắn máy bay. Đoàn nhà văn vào Nam Bộ có anh Hà Mộng Nhai (sau làm Giám đốc NXB Văn hóa Văn Nghệ) đã một lần vào Nam rồi đi ra, nay đi vào, còn lại toàn bộ các nhà văn đều lần đầu tiên đi chiến trường.

Ly kỳ chuyện 4 nữ nhà văn miền Bắc được tung vào chiến trường miền Nam ảnh 3 Trần Thị Thắng có mặt tại Củ Chi. (Ảnh tư liệu của nhà văn) 

Nhà văn Trần Thị Thắng vào Củ Chi từ tháng 2/1973. Hà Phương về ban Phụ Vận của Trung Ương Cục. Trần Thị Thắng làm việc tại Ban tổ chức Thành ủy Sài Gòn Gia Định. 7/1973 Hà Phương về Hội văn nghệ Sài Gòn Gia Định, do Trần Thị Thắng gặp trực tiếp ông Nguyễn Văn Linh đang làm Bí thư Sài Gòn Gia Định xin Hà Phương về cứ văn nghệ để thuận tiện sáng tác. Hai người làm báo Văn nghệ Giải Phóng của Trung Ương Cục. Đi thực tế sáng tác viết nhiều tác phẩm văn thơ về Nam Bộ, tác phẩm gửi ra Hà Nội được lập tức đăng tải trên báo và đài phát thanh. 

Ly kỳ chuyện 4 nữ nhà văn miền Bắc được tung vào chiến trường miền Nam ảnh 4 Hai nhà văn nhà thơ Trần Thị Thắng và Hà Phương tại căn cứ Tà Leng (Bình Dương ngày nay), người cao đứng giữa là ông Mai Chí Thọ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Ảnh Tư Liệu.

Mũi nhà văn vào Khu 5 cũng cực kỳ gian khổ. Nhà văn Vũ Thị Hồng  21 tuổi, trở thành phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Quân khu V. Nhà văn trẻ này luôn xung phong đi theo các tiểu đoàn chiến đấu. Có trận đánh, cả trung đoàn chỉ có mình chị phóng viên là nữ,  trung đoàn phải ra "nghị quyết" yêu cầu Vũ Thị Hồng rời trận địa để an toàn, nhưng cô vẫn tham gia tải đạn, gánh gạo, kể cả cầm súng đánh địch. Vũ Thị Hồng đã bị trúng bom trong một trận B52 dội bom vào đội hình ta. Nhà văn Bùi Thị Chiến cũng nổi tiếng gan góc, xông pha khắp các chiến trường khu 5 và bị gãy chân trong một chuyến đi thực tế sáng tác. Sau này nhà văn cũng lập gia đình ở khu 5. 

Ngày 30/4/1975, Trần Thị Thắng và Hà Phương vẫn theo đoàn quân ta đánh địch ở miền Tây, nơi địch cố thủ hòng phản công chiếm lại Sài Gòn. Nhà văn Trần Thị Thắng kể: "Đến tận ngày 1/5/1975 địch mới chịu đầu hàng tại miền Tây và được ta cho xe chở hết về quê. Sau đó tôi với Hà Phương mới bắt xe về Sài Gòn". 

Ngay sau khi đất nước thống nhất, Trần Thị Thắng và Hà Phương đã bắt xe khách đi từ Sài Gòn ra Đà Nẵng để gặp Vũ Thị Hồng và Bùi Thị Chiến tại Hội văn nghệ Đà Nẵng. Họ ăn cơm tập thể cùng nhau và đều vui mừng vì tất cả còn sống, còn nguyên vẹn. 4 người bèn kéo nhau ra hiệu ảnh để chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Đó chính là ngày vui nhất của 4 nữ nhà văn. 

Ly kỳ chuyện 4 nữ nhà văn miền Bắc được tung vào chiến trường miền Nam ảnh 5 Đất nước hòa bình, gặp nhau ở Đà Nẵng 4 nhà văn nói. “Mừng quá, còn sống trở về! Mình còn sống là lãi rồi, là may quá rồi”, sau đó họ rủ nhau đi chụp ảnh. Hàng trên: Bùi Thị Chiến, Vũ Thị Hồng, hàng dưới là Hà Phương, Trần Thị Thắng

Cả bốn nhà văn đều gắn bó với công việc viết lách. Sau năm 1975, họ lập gia đình. Nhà văn Trần Thị Thắng là vợ của nhà phê bình Lê Quang Trang. Nhà văn Vũ Thị Hồng là vợ của nhà văn Chu Lai. Nhà văn Hà Phương là vợ nhà văn, nhà biên kịch phim Nguyễn Mạnh Tuấn. Riêng nhà văn Bùi Thị Chiến lập gia đình với một anh bộ đội, cuộc sống có lúc rất khó khăn. Nhà văn Trần Thị Thắng kể: "Có lúc chúng tôi vào khu 5 thăm Chiến thì thấy chồng Chiến làm nghề bơm xe đạp nơi lề đường để nuôi con ăn học. May là cuộc sống cũng dần khấm khá hơn, nay các con đều đã trưởng thành".

Câu chuyện 4 nhà văn đi chiến trường B, sống sót qua nhiều trận đánh, viết nhiều tác phẩm, chứng kiến những giây phút lịch sử đất nước hòa bình thống nhắt luôn được các bạn bè của họ và các độc giả tò mò, thích thú.

Riêng với 4 nhà văn, đối với họ thì tình bạn chính là thứ quý giá nhất. Họ luôn gìn giữ những bức ảnh chụp chung cùng nhau, như những báu vật vô giá của một thời oanh liệt, hào hùng những cũng hết sức gian khổ. 

Ly kỳ chuyện 4 nữ nhà văn miền Bắc được tung vào chiến trường miền Nam ảnh 6 Nhà văn Trần Thị Thắng với bức ảnh chụp cùng nhà thơ Hà Phương tại căn cứ văn nghệ Tà Leng (ảnh chup tháng 4/2019).  (Ảnh: Trần Nguyên Anh)
MỚI - NÓNG