Lý Thường Kiệt qua văn bia, sắc phong

Lý Thường Kiệt qua văn bia, sắc phong
TP - Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt có 19 năm được cử toàn quyền trông coi trấn Thanh Hóa để bảo vệ vùng đất phên dậu. Ở đây, ông có nhiều công tích nên có nhiều di tích thờ ông.

Qua các sắc phong và văn bia còn lại ở vùng này, nhiều nét về cuộc đời và công nghiệp của ông được ghi lại.

Lý Thường Kiệt qua văn bia, sắc phong ảnh 1
Tượng Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt - một nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc Việt Nam hồi thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, chính là người họ Ngô có nguồn gốc xứ Thanh. Theo hệ phả họ Ngô Việt Nam thì ông có tên thật là Ngô Tuấn - con của Ngô An Ngữ (tức Ngô Ích Vệ - con thứ của Ngô Xương Xí - một sứ quân ở Bình Kiều - Thanh Hóa hồi giữa thế kỷ X).

Khi Lý Công Uẩn lên làm vua (1010), An Ngữ ra làm một chức quan võ nhỏ “Sung bang lang tướng” và đưa gia đình về sống tại phường Thái Hòa, Thăng Long. Và tại đây ông đã sinh ra Ngô Tuấn (tức Thường Kiệt) vào năm 1019 đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) và sau đó lại sinh ra người em là Thường Hiến.

Như vậy, nếu tính từ vị viễn tổ, Ngô Nhật Đại - người Châu Ái ở thế kỷ VIII thời thuộc Đường thì Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt) là đời thứ 9 của họ Ngô gốc xứ Thanh. Nhưng sinh ra và lớn lên tại Thăng Long, Lý Thường Kiệt đã trở thành người con của kinh thành Thăng Long văn hiến trong Quốc gia Đại Việt.

Mặc dù cha mất lúc 13 tuổi (1031) và mẹ mất lúc 18 tuổi (1036), nhưng Lý Thường Kiệt lại được chồng của người cô tên Tạ Đức động viên, giúp đỡ nên ông đã quyết chí học võ, học chữ và rèn chí để giúp nước, làm vẻ vang cho cha mẹ.

Theo sự ghi chép của phả họ Ngô và văn bia ở đền Ngọ Xá (tức đền Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc, Hà Trung, Thanh Hóa nay) do Nhữ Bá Sĩ soạn vào năm Tự Đức thứ 29 (1876) thì trong thời gian còn ở nhà để thờ cha mẹ, Lý Thường Kiệt đã lấy vợ. Bia Ngọ Xá cho biết người chú rể Tạ Đức khuyên ông lấy cháu là Tạ Thuần Khanh.

Còn phả họ Ngô Việt Nam thì chép là ông “lấy vợ sớm, 16 tuổi sinh con, không may chết cả mẹ và con. Sau lấy vợ khác, một bà họ Tạ, một bà là Lý Thị Duy Mỹ”(1). Về việc Lý Thường Kiệt có lấy vợ hay không cũng còn có những ý kiến khác nhau.

Nhưng một chứng cứ mà chúng tôi mới phát hiện đó là hai sắc phong thời Nguyễn cho vị nữ thần được thờ ở Nghè A Đô (nay thuộc làng A Đô, xã Yên Trung, huyện Yên Định, Thanh Hóa) đã chứng minh việc Lý Thường Kiệt có lấy vợ trước khi vào nội đình như bia Ngọ Xá và phả họ Ngô nói là có cơ sở, như:

- Sắc 1:

Lý Thường Kiệt, tên thật là Ngô Tuấn, sinh ra ở Thăng Long nhưng là cháu nội của Ngô Xương Xí - một sứ quân ở Bình Kiều - Thanh Hóa hồi loạn 12 sứ quân giữa thế kỷ X.

Nếu tính từ vị viễn tổ, Ngô Nhật Đại - người Châu Ái ở thế kỷ VIII thời thuộc Đường thì ông là đời thứ 9 của họ Ngô gốc xứ Thanh.

Dịch nghĩa: Sắc cho thôn Điền, xã A Đô, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa theo như lệ trước phụng thờ bà họ Tạ, tên hiệu là Thuần Khanh, là vợ của quan Thái bảo triều Lý, được ban tước Việt Quốc Công (Lý Thường Kiệt) với các mỹ tự Dực Bảo, Trung hưng, Linh phù... Đã có công giúp nước, hộ dân, nỗi niềm nghiệm thấy linh ứng. Gặp các kỳ tiết lễ đội ơn ban cấp sắc phong cho phép phụng thờ.

Nay vừa đúng vua 40 tuổi làm lễ khánh tiết vâng mang chiếu báu ân sâu lễ rộng thăng lên một bậc, lại gia tặng thêm mỹ tự: Trang vi thượng đẳng thần. Đặc biệt cho phép phụng thờ, dùng theo lễ quốc khánh mà phương pháp tế tự dõi theo phép điển xưa. Vâng sắc.

Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1925)

- Sắc 2:

Dịch nghĩa: Sắc cho thôn Điền, xã A Đô, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa phụng thờ Chính phu nhân Tạ Thị Thuần Khanh là vợ của Thái bảo Việt quốc công Lý Thường Kiệt triều nhà Lý, nỗi niềm nghiệm thấy linh ứng. Tới nay vua đội ơn nối trả mệnh sáng đất nước, nhớ về công lao của thần trước đây, gia phong thêm mỹ tự là bậc Dực bảo Trung hưng Linh phù... Cho phép phụng thờ theo từng năm để thần ngầm giúp bảo hộ dân ta. Vâng sắc.

Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định thứ 2 (1918).

Hai sắc phong này cho phép chúng ta khẳng định Tạ Thị Thuần Khanh chính là người cháu mà Tạ Đức đã khuyên Lý Thường Kiệt lấy làm vợ như bia Ngọ Xá đã chép. Và rất có thể bà là người có quê ở A Đô và có công đức với làng nên mới được thờ tại đây.

Cũng ở làng A Đô (Yên Trung, Yên Định, Thanh Hóa) lại cũng từng có đền thờ Lý Thường Kiệt mà hiện nay vẫn còn nền móng. Điều đó chứng tỏ, cả hai vợ chồng của Lý Thường Kiệt chắc chắn là có sự gắn bó, kỉ niệm với vùng đất này.

Như vậy, từ một chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú đã từng có vợ (và có con như phả họ Ngô chép) và tham gia vào đội kỵ binh để giữ chức kỵ mã hiệu úy, Lý Thường Kiệt lại được vời vào cung, vào ngạch thị vệ để hầu cận vua để trở thành một chức quan hoạn (như bia chùa Linh Xứng và bia Ngọ Xá ở núi Ngưỡng Sơn, Hà Ngọc, Hà Trung, Thanh Hoá đã chép).

Và từ đây, phụng sự dưới 3 triều vua Lý: Lý Thái Tông (1028 – 1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thường Kiệt đã nhanh chóng được tin dùng và bằng tài năng, đức độ cùng công lao to lớn trên nhiều lĩnh vực, ông đã từng bước leo lên những nấc thang danh vọng cao nhất ở trong triều (chỉ sau vua).

Tóm tắt thân thế sự nghiệp lẫy lừng của Lý Thường Kiệt, bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn (nay là xã Hà Ngọc, Hà Trung, Thanh Hóa) dựng vào năm 1126 đã chép: “Lúc quan Thái úy (tức Lý Thường Kiệt - P.T) còn trẻ được chọn vào cấm đình, hầu vua Thái Tông, chưa đầy một kỷ, tiếng khen đã nức ở nội đình.

Đến khi vua Thánh Tông nối ngôi trị nước, Thái úy hết lòng giúp đỡ. Ra sức siêng năng, nổi bật trong hàng tả hữu, được thăng chức Kiểm hiệu thái bảo. Khi nước Phật Thệ (tức nước Chiêm Thành - ND) khinh nhờn phép tắc, không chịu vào chầu, vương sư rầm rộ tiến đánh.

Thái úy thao lược hơn người, vào cung vua mà nhận mưu chước, chế quân luật mà đuổi đánh quân thù. Hoàn Vương không đường chạy trốn, đành tự bó tay mà chịu cắt tai. Bắt được y rồi, Thái úy mới rút quân về. Vua nghĩ công lớn ấy, bèn ban khen và thăng chức.

Giữa khoảng niên hiệu Thần Vũ (1069-1072) được phong chức Thái úy đồng trung thư môn hạ bình chương sự giúp đỡ việc chính sự của nước nhà, muôn dân được nhờ ơn rất nhiều vậy.

Lý Thường Kiệt qua văn bia, sắc phong ảnh 2

Bia chùa Linh Xứng ghi công lao của Lý Thường Kiệt được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Phạm Yên

Đầu niên hiệu Thái Ninh (1072-1075), đức Kim thượng Minh hiếu hoàng đế lên ngôi (tức Lý Nhân Tông - P.T), Thái úy lấy tư cách là Y Doãn, Hoắc Quang được nhà vua giao phó nhiếp chính và gửi gắm công việc xã tắc. Bỗng chốc quân biên giới nhà Tống dòm ngó nước ta. Thái úy nắm sẵn mưu chước của triều đình thống lĩnh quân sĩ, diệt ba châu, bốn trại dễ dàng như bẻ cành gỗ mục.

Chẳng bao lâu (quân giặc) ồ ạt kéo đến sông Như Nguyệt, thề trả thù cho ba châu. Thái úy lại cầm quân chống giặc. Thái úy lấy tư cách biện sĩ mà phân tích cho giặc, không vất vả mà bọn đầu sỏ rã rời nhụt chí. Thế là giữ được an ninh cho xã tắc.

Vua mến Thái úy dũng cảm nên càng thêm sủng kính. Đầu năm Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084), Thái úy được phong làm em vua, trông nom mọi việc quân ở các châu thuộc trấn Thanh Hóa, quận Cửu Chân, Châu Ái và phong cho thái ấp một vạn hộ ở Việt Thường (2)”.

Tấm bia chùa Báo Ân núi An Hoạch (nay thuộc thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) dựng năm 1100 cũng có đoạn ca ngợi Lý Thường Kiệt rất súc tích:

Theo một số tư liệu và sắc phong thì Lý Thường Kiệt có hai đời vợ trước khi vào cung làm hoạn quan. Hai bà vợ là Lý Thị Duy Mỹ (mất sớm) và Tạ Thị Thuần Khanh.

“Nay có Thái úy Lý Công, giúp vua thứ tư triều Lý (tức Lý Nhân Tông - P.T), được trao chức: Suy thành, hiệp mưu, bảo tiết thủ chính, tá lý, dực đới công thần, thủ thượng thư lệnh, khai phủ khâm đồng tam ty, nhập nội nội thị sảnh đô đô tri, kiểm hiệu thái úy, kiêm ngự sử đại phu, dao thu chư trấn tiết độ sứ, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, khai quốc thượng tướng quân, Việt quốc công, thực ấp một vạn hộ, thực thực phong bốn ngàn hộ.

Ông đứng trước tiết lớn, vâng mệnh phù nguy, là người có thể gửi gắm đứa con côi, ủy thác mệnh lệnh ngoài trăm dặm. Rồi ông thề trước ba quân: phía Bắc đánh quân Tống xâm lược, phía Tây đánh bọn không lai chầu, giỏi thắng địch bằng sách lược bảy lần bắt bảy lần đều thả. Đâu phải riêng nhà Hán có công huân Hàn, Bành, nước Tề có sự nghiệp của Quản, Án.

Riêng ông giúp vua thì nước nhà giàu thịnh nhiều năm. Đó chính là công tích rực rỡ của đạo làm tôi có thể để lại nghìn đời sau vậy.

Đến năm Nhâm Tuất (1082), nhà vua đặc biệt ban thêm một quận Thanh Hóa cho ông làm phong ấp, châu mục đều ngưỡng mộ phong thanh, muôn dân đều mến đức chính”(3).

Chú thích:

(1) Lịch sử họ Ngô Việt Nam, Hà Nội, 1994, sách lưu hành nội bộ trong họ “Ngô”, do Ngô Đức Thắng biên soạn, tr. 11.

(2)  Thơ văn Lý - Trần, tập I, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 361-362.

(3)  Thơ văn Lý - Trần, S.đ.d, tr. 309.

Kỳ 2: 19 năm Tổng trấn

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.