'Mà sau này khác rồi mới thấy'

Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn và mẹ tại quê nhà Ân Thi - Hưng Yên ngày 29.2.2020
Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn và mẹ tại quê nhà Ân Thi - Hưng Yên ngày 29.2.2020
TP - “Lúc ấy chúng ta không thấy nhau/Mà sau này khác rồi mới thấy”. Cái “thấy” và “không thấy” là cảm giác mơ hồ chủ quan vốn quen thuộc trong thi ca. Nó chỉ đủ sức khiến ta khựng lại, khi mệnh đề tiếp theo đó là gương mặt/hoàn cảnh nội tâmđích thực của thi sĩ đượchiện lên trọn vẹn, đôi khi tự mâu thuẫn và bùng vỡ trong một biến cảnh ngặt nghèo.

Thơ Nguyễn Trọng Hoàn cũng khởi đi theo một trật tự như vậy. Chúng ta “không thấy nhau”, đó là lúc “chúng ta đã đi trong mây đi trong mơ đi ngây thơ trên những cội cằn đầm đìa dự cảm/ Và chúng ta đi trong sương đi trong hương và dìu dặt thanh âm” (Hôm qua).

Đó là lúc “Ly cốc vơi đầy đứng dậy soi gương/ Gương xộc xệch nhiều nếp nhàu ẩn dụ” (Rượu xong). Là khi “Những con chữ vô ưu chứa lửa nồng nàn/ cho nghìn tuổi rồi bắt ta trẻ dại” (Phiêu cùng con chữ).

Cho đến khi người thơ ấy đột ngột nhận ra “Biển đã ghìm cương nhắc ta quá dông dài” (Hoa của tháng Tư này). Trước một cảnh huống sinh tử “Đã ngơ ngác. Đứt ruột nhìn tay vẫy/ Chìm giữa bốn bề thăm thẳm bủa vây” (Hôm qua), mà không đợi được đến “sau này”. Người thơ đó - thi sĩ Nguyễn Trọng Hoàn vừa từ biệt cõi nhân gian trong chuyến đi chưa kịp chuẩn bị gì nhiều...

Giờ thì chúng ta chậm rãi đọc lại thơ anh một lần nữa. Để nhận ra không ít những nghịch lý đem đến cảm thức lạ lùng. Đọc lại bài thơ ngắn “Lời bạt của ngày” anh viết trên giường bệnh trước lúc ra đi khoảng một tháng được lưu lại trên facebook của mình.

không phải tự nhiên theo gió là mùa

phôi pha đâu phải vì mưa nắng

không phải có nhau rồi hết vắng

mây chảy qua cầu năm tháng chảy qua vai

phía trước xưa rồi, sau lưng mới là mai

cúi xuống mỗi buồn vui

cộng cảm...

(Lời bạt của ngày, 3/2020)

“Không phải có nhau rồi hết vắng”, một câu thơ/ý tưởng trống trải đến lạnh người. Vậy thì, “thấy nhau” rồi, thấy sớm hơn để “có” được nhau rồi, thì vẫn “vắng” nhau sao? 

Thật ra, đó là cái “vắng” hư vô chỉ những kẻ mang đủ phẩm chất thi sĩ mới có thể cảm nhận và gọi tên. Cái “vắng” để lấp đầy một trật tự thời gian rất khác:“phía trước xưa rồi, sau lưng mới là mai”. Nó xa lạ với thức nhận của số đông.

Giờ chúng ta chậm rãi đọc thơ anh một lần nữa. Để tìm lại,để nhận ra chất hợp lý, chất kết dính tư duy thơ anh suốt một hành trình thơ. Từ những câu thơ run rẩy và trong trẻo thuở đôi mươi, trong một “khế ước” đầu tiên với thi ca và đời sống:“Tôi đã khóc trước dịu dàng ánh sáng/ Sớm tinh mơ bước thật khẽ khàng/ Sợ xé loãng làn hương bảng lảng/ Muốn sang sông không dám gọi đò ngang…(Khế ước). Đến “Tạm biệt búp bê thân yêu/ Tạm biệt gấu Misa nhé/ Tạm biệt thỏ trắng xinh xinh/ Mai tôi vào lớp Một rồi/ Nhớ lắm quên sao được, trường mầm non thân yêu..”, trở thành ca từ trong bài hát yêu thích của thiếu nhi cả nước. Cho đến “Em đã rơi hờ trên cỏ ướt/ Những đêm dài không tới bình minh”trong tập thơ thứ 12 cũng là tập thơ cuối cùng Phút rảnh rang sống chậm (Nxb Hội Nhà văn, 2019).

Đến tận những dòng thơ cuối để lại trên trang cá nhân trước khi chia tay đời sống. “Sông cạn chảy vào anh/ Vách đất mái rạ chảy vào anh/ Phấp phỏng lúa ngô chảy vào anh nỗi chiêm khê mùa lụt/ Giáp hạt mồ hôi chảy từ ngọn bút/… Thiêm thiếp vào vô ngôn” (Một phía chân trời). “Sắc vàng không đợi mùa trút lá/ anh đưa tay lên ngực/ tìm em” (Hà Nội, 3/2020)…

Nó cho thấy thơ Nguyễn Trọng Hoàn là một dòng thơ nhiều phiêu tưởng, nhiều chất men, chỉ có điều hơi tiếc là chất men ấy được ủ quá đều tay, nên đa phần dịu nhẹ, thiếu cơ hội để trở thành rượu mạnh và thuốc nổ. Ở giai đoạn về sau này thơ anh liên tiếp đem lại nhiều chếnh choáng đến “thất thần” – thứ cảm giác mà mọi người viết đều thèm muốn, mọi độc giả luôn khao khát.

Điều “KHÁC” ấy, là khi người thơ chạm vào cái vạch mốc cuối của đời mình. Cho chúng ta “THẤY” thêm những tố chất thơ đặc biệt của anh.

'Mà sau này khác rồi mới thấy' ảnh 1  Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn

Nguyễn Trọng Hoàn từng là thầy giáo dạy Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội, từng viết báo, sau này giữ một chức “quan” nho nhỏ ở Bộ Giáo dục. Nhưng những tháng năm quen biết nhau, tôi nhận ra chất thi sĩ luôn lấn át, luôn tràn lấp con người ấy. Từ gương mặt gầy gầy khắc khổ, từ ánh nhìn luôn da diết, từ giọng nói trầm và chậm rãi như đọc thơ tự sự. Từ cách say mê sách vở, chữ nghĩa, thi ca đến tận cùng…

Những lần có dịp về miền Trung công tác, anh thường gọi tôi. Chỉ vài ba anh em văn nghệ Đà Nẵng, Quảng Nam. Ngồi với nhau vài ly bia trong một góc quán bình dân. Như cái cớ để anh ngồi lâu hơn với thơ.

Nhưng những cuộc gặp ấy lại thường rất vội. Cái cặp công chức vẫn luôn căng phồng công văn, giấy tờ hội họp đặt một bên ghế ngồi. Vé khứ hồi nhô lên từ túi áo…

Giờ thì “Phía trước xưa rồi, sau lưng mới là mai”. Ngày mai của anh, đó sẽ là những gì anh để lại.

Tiễn biệt Anh – một thi sĩ mà tôi yêu quý!

29/4/2020

Nhà thơ, nhà giáo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh năm 1963 tại Ân Thi (Hưng Yên) - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) qua đời tối 28/4/2020 tại Hà Nội. Tác phẩm để lại của ông gồm 12 tập thơ, một tập tiểu luận văn học “Năng lượng của văn chương” (2018) cùng nhiều tác phẩm thơ phổ nhạc. Lễ viếng nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn từ 13 giờ 30 - 14 giờ 45 thứ Hai ngày 4/5 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.

MỚI - NÓNG