Nghệ sĩ đam mê sáng chế vàng mã mini

Nghệ sĩ Yến Năng và sản phẩm vàng mã do anh thiết kế Ảnh: N.M.Hà
Nghệ sĩ Yến Năng và sản phẩm vàng mã do anh thiết kế Ảnh: N.M.Hà
TP - Theo lời hẹn của nghệ sĩ Yến Năng, tôi đến một showroom khá khang trang ở đường Nguyễn Xiển (Hà Nội). Thay cho một phòng đầy vàng mã, tôi thấy đầy các mẫu mã bàn thờ, còn vàng mã chỉ chiếm một góc nhỏ. Hóa ra bàn thờ mới là ngành kinh doanh chính của anh. Vàng mã mini chỉ có 2 năm nay nhưng được anh sáng tạo, nâng lên thành một nét văn hóa.

Yến Năng (họ Yến nhưng là người Kinh) gần đây nổi tiếng là đồng tác giả (cùng họa sĩ Hùng Dingo) thiết kế đồ mã mini nhỏ hơn vài chục lần so với vàng mã thông thường. Tuy chưa được bán đại trà nhưng loại hình vàng mã này khá phù hợp với các gia đình ở chung cư, bàn thờ nhỏ, cần đốt nhanh… Đặc biệt vì đã qua tay họa sĩ nên hình dáng màu sắc khá đẹp và tinh tế. Thậm chí khách nước ngoài còn mua về để bày chơi.

Vàng mã mini lập tức được truyền thông hưởng ứng còn việc kinh doanh bàn thờ hiệu quả gấp nhiều lần ít ai nhắc đến. Trước đây Yến Năng cũng tham gia làm tượng đài, sau đó anh nhận thấy công việc này không phù hợp nên chuyển sang thiết kế và kinh doanh bàn thờ, dù không hề biết nghề mộc.

Những mẫu bàn thờ của anh vừa đảm bảo độ cổ kính vừa khá phù hợp với các mẫu đồ gỗ vốn thiên về kiểu Âu trong nội thất hiện đại. Tuy nhiên trong quá trình tương tác, anh sẵn sàng thêm thắt các hoa văn theo ý khách. Năng kể cách đây 10 năm mới chỉ có cửa hàng bàn thờ của Yến Năng thì nay một đoạn đường Nguyễn Xiển đã thành phố hàng bàn thờ với tầm 40 cửa hàng. Anh cũng không quá buồn phiền vì mẫu mã của mình bị nhái mà còn có phần tự hào vì đã góp phần đem lại công ăn việc làm cho các làng mộc.

Anh khẳng định bàn thờ của mình chủ yếu làm bằng gỗ mít, gỗ pơ-mu, các loại gỗ trồng hoặc nhập khẩu nên cũng không mâu thuẫn với chủ trương bảo vệ môi trường. Anh từng hoàn thành một loạt thiết kế từ bàn thờ đứng, bàn thờ treo, đến bàn thờ Phật, Chúa, thần tài… bằng tre. Bộ sản phẩm tham gia triển lãm Vietbuild tại TP.HCM, được khách hàng trong và ngoài nước (Nhật, Trung Quốc…) đón nhận tích cực. Nhưng vì không tìm được nhà đầu tư nên ý tưởng này đành bỏ dở. Vả lại thị trường ngoài Bắc và Hà Nội xem ra chỉ thích bàn thờ gỗ.

Khi Hùng Dingo khuyên Năng làm thêm vàng mã, “khả năng thành công cao không kém bàn thờ”, Năng không mặn mà lắm vì với hiểu biết kinh doanh có được, anh nhận thấy bán lẻ vàng mã không phải chuyện đơn giản. Nhưng rồi anh thấy nếu làm được cũng là việc tốt giúp bảo vệ môi trường lại thêm lựa chọn cho khách hàng, nên quyết định bắt tay vào thiết kế. Một phần nữa anh lo ngại cho số phận vàng mã, nếu không đổi mới có thể sẽ bị cấm. “Họ cấm không sao nhưng cũng tiếc”, anh nói. “Vì nó cũng là một nét đẹp. Mình nhớ đến một cõi nào đó, nhớ đến ông bà tổ tiên mình đốt một cái gì đó trong 1-2 phút cũng tốt. Đốt quá nhiều vàng mã kích thước quá lớn thì kệch cỡm, lãng phí, gây ô nhiễm và cả hỏa hoạn”.

Sau khi xong khâu vẽ mẫu, đến mục thuê nhà in- bế xén (từ chuyên môn) bằng máy công nghiệp. Cuối cùng vẫn phải nhờ một làng nghề ở Phú Thọ dán các chi tiết lại với nhau. “So với hàng truyền thống thì vàng mã mini dễ làm hơn. Chỗ nào dán vào chỗ nào đều có đánh dấu, bôi màu. Chỉ cần dán đúng tự nhiên đẹp, không cần suy nghĩ”, Yến Năng cho hay. Có vẻ như Yến Năng chỉ cần sáng tác một lần, sau đó “vểnh râu” ngồi thu tiền. “Có thể như vậy nếu thị trường tốt”, anh nói. “Sách hay mà chưa bán chạy nhà văn vẫn có thể chết đói. Vàng mã mini cũng phải chịu quy luật thị trường, cần kho bãi, nhân công, quảng bá thương hiệu… Tôi đã hoàn thành phần việc của mình và đang chờ đối tác kinh doanh”.

Từ khi xác định kinh doanh là công việc chính, Yến Năng chuyển sang theo đuổi mảng đương đại như sắp đặt, trình diễn, ý niệm... Những loại hình mà tính chất vật thể bền vững không cao, hầu hết giải tán sau triển lãm. “Quan trọng là không mất nhiều thời gian mà vẫn hợp tạng của mình”, Năng nói. “Làm nghệ thuật bây giờ hoàn toàn để chơi thôi, tôi không quan tâm lời lãi”.

Từ khi ứng dụng được nghệ thuật vào đời sống, Yến Năng cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn, không tách rời giữa công việc, kiếm tiền và gia đình. “Tôi được đóng góp vào một cách chủ động bằng khả năng của tôi. Tôi cảm thấy có ích. Tôi tin cái gen của người Việt không đến nỗi nào, nhưng thời bây giờ từ cái điện thoại, chai nước, máy tính, cho tới mẫu áo, kiểu tóc cũng là du nhập. Không gian nội thất có thể nhập khẩu hoàn toàn, trừ bàn thờ. Nếu bắt chước các cụ thì sợ rằng chúng ta làm sẽ không tới chưa kể kiểu làm quấy quá, giả dối. Nhưng tôi tự hào làm được mẫu bàn thờ đẹp, vừa truyền thống vừa có nét sáng tạo của hôm nay”.

Khi bắt đầu khởi nghiệp trong ngành bàn thờ, Yến Năng đã đi hỏi ý kiến nhiều giới. Kiến trúc sư thì cho rằng bàn thờ cũng nằm trong gói thiết kế nội thất nên không đến lượt Yến Năng. Thợ mộc sẵn sàng tặng bàn thờ cho khách hàng coi như khuyến mại cho cả gói nội thất mộc. Thầy cúng thì bảo bàn thờ cứ phải thật nệ cổ mới bán được. Cho nên niềm vui khi được thị trường đón nhận của anh càng tăng thêm.

Hiện vàng mã mini chủ yếu bán online, giá từ 20 đến 65 ngàn/sản phẩm tùy loại lễ- voi ngựa, nhà cửa, tiền vàng, quần áo, tư trang… không thiếu thứ gì được đóng gọn trong hộp cỡ quyển sách nhỡ. Lúc hóa có thể đốt cả hộp, hoặc có thể để trưng bày như một nét văn hóa.

“Ðừng nghĩ người Việt không làm được gì. Vấn đề anh phải dám làm. Tôi không nhiều tài, không giàu, không có bệ đỡ mà tôi còn cải tiến được cả niềm tin của người ta thì những việc khác người có điều kiện hơn tôi tất sẽ làm được. Tôi sống được thì các bạn cũng giàu được bằng chính việc các bạn làm, đâu cứ phải tham nhũng, bè phái, mánh mung mới làm kiếm được tiền”.  Nghệ sĩ Yến Năng

MỚI - NÓNG