Người giữ 'ngôi đền thiêng' đã về 'đỉnh Phù Vân'

Liveshow 50 năm sự nghiệp của Phó Đức Phương. Ảnh: T.L
Liveshow 50 năm sự nghiệp của Phó Đức Phương. Ảnh: T.L
TP - Sinh thời nhạc sỹ Phó Đức Phương là người luôn coi âm nhạc là “ngôi đền thiêng”. Có lần ông nói với tôi: “Tôi mong con trai mình suốt đời mãn nguyện trong ngôi đền thiêng âm nhạc…”.

Phó Đức Phương là cháu của cụ Phó Đức Chính (1907-1930), một trong những lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng, người cùng Nguyễn Thái Học viết nên những trang sử chống ngoại xâm đầu thế kỷ hai mươi. Câu chuyện xoay quanh bố ông, Phó Đức Khánh, làm nghề đồ họa, cũng có thể nói là một nghệ sỹ. Ông Phó Đức Khánh có hai người vợ, nhạc sỹ Phó Đức Phương là con bà hai. Bà cả có bốn người con, bà hai có năm người con. Khi bà cả mất, người con đầu đã lớn, thoát ly công tác còn lại tám người con đều do bà hai nuôi nấng.

Từ nhỏ, nhạc sỹ Phó Đức Phương đã tận thấy người mẹ đẻ, bà Nguyễn Thị Tiệp, tuy không biết chữ nhưng tảo tần buôn bán để nuôi tám người con. Phó Đức Phương lấy tứ thơ của Tú Xương nói về người mẹ của mình “Nuôi đủ tám con với một chồng”... Trong ký ức không thể phai mờ của nhạc sỹ, người mẹ Việt Nam luôn hiện hữu trong những ca khúc của Phó Đức Phương, những ca khúc làm say đắm lòng người.

“Bố em chính là người thầy đầu tiên của chúng em. Ông rất nghiêm khắc. Ông dạy em tập đàn, dạy ký xướng âm. Lên 9 tuổi, em thi vào trường nhạc. Bố thường đưa em đến nhà cô giáo bằng xe đạp. Dạo đó nhà em ở Ngã Tư Sở, rất xa nơi em học, bố đạp xe kót két như vậy hàng chục cây số… Thuở bé, em cũng mải chơi lắm, nên mỗi lần bố đi làm về là em chạy vội đến cây đàn Piano…”, nghệ sỹ Phó Thị Vũ Thư, con gái đầu của nhạc sỹ Phó Đức Phương kể với tôi qua điện thoại.

Tôi vốn rất thích những bài hát thấm đượm chất dân ca và cái cảm giác hư hư thực thực trong sáng tác của Phó Đức Phương như “Trên đỉnh Phù Vân”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Hồ trên núi”, nhất là ca khúc “Về quê”: “Theo em anh đi về/thăm lại miền quê/nơi có một triền đê/có hàng tre ru buổi chiều về…”. Từ những ca từ tưởng như mộc mạc dân dã, Phó Đức Phương đã lên thành triết lý sâu xa “Nước qua cầu thời gian trôi mau/nơi bền lâu là nơi lắng sâu/thiếu quê hương ta về đâu...”. Mỗi lần nghe những bài hát của Phó Đức Phương, tôi ngỡ như đang nằm trên cánh võng, nơi mẹ tôi vẫn thường ru tôi bằng làn điệu dân ca, bằng cả những giai điệu tâm hồn của chính người mẹ.

Phó Đức Phương nói rằng, bản thân các giai điệu dân ca đã quá hay, quá độc đáo rồi, mình phải làm sao biến nó thành máu thịt… “Sự cám dỗ thực sự của dân ca đã lôi cuốn tôi. Dân ca Bắc bộ, Trung bộ  hay Nam bộ tôi đều say mê. Có những đĩa nhạc Then Tày - Nùng tôi nghe suốt cả tuần mà không hề chán…”. Phó Đức Phương càng nói càng say, chất nghệ sỹ trong ông cuốn hút tôi một cách kỳ lạ.

Nhạc sỹ Phó Đức Phương có ba người con. Phó Thị Vũ Thư, sinh năm 1972, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, hiện đang dạy Piano ở Khoa Nhạc nhẹ Trường Nghệ thuật Hà Nội. Phó Thị Lệ Chi, sinh năm 1977, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, là Phó ban Thể thao - Giải trí Đài Truyền hình Hà Nội. Và cậu con trai Phó Đức Hoàng, sinh Năm 1990, học ở Khoa Sáng tác Nhạc viện Boston (Mỹ).

Khi tôi hỏi nhạc sỹ Phó Đức Phương vì sao cậu con trai Phó Đức Hoàng cách người chị Phó Thị Lệ Chi đến những 13 năm? Ông bảo “tập hai đấy”. Nhạc sỹ Phó Đức Phương nói rằng ngay từ nhỏ ông đã dạy các con tập đàn, tập hát, dạy nhạc lý, xướng âm… Ông nói nhiều đến cậu con trai Phó Đức Hoàng, ngay từ bé đã tỏ ra có năng khiếu thực sự về âm nhạc. Đức Hoàng mê nhạc không lời, say mê thực sự.

“Nhạc không lời rất khó có chỗ đứng ở Việt Nam. Với nghề sáng tác âm nhạc đã là quá cực nhọc, khó khăn, nhạc không lời lại càng khó khăn hơn. Vợ tôi muốn con học ngành kinh tế để sau này dễ kiếm việc làm, có cuộc sống bảo đảm hơn. Nhưng tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ, không can thiệp vào ý muốn của con, dù biết con đường nghệ thuật mà con trai mình lựa chọn vô vàn chông gai, gian khổ… Tôi chỉ mong con trai mình suốt đời mãn nguyện trong “ngôi đền thiêng âm nhạc” là tôi mãn nguyện lắm rồi", nhạc sỹ Phó Đức Phương tâm sự.

Nhạc sỹ Phó Đức Phương sinh năm 1944, quê bố ở Hưng Yên, quê mẹ Bắc Ninh. Ông học khoa toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sắp làm tốt nghiệp, ông xin thôi học rồi tình nguyện vào làm tại Nông trường Cửu Long (Hòa Bình). Một quyết định khá bất ngờ và táo bạo. Năm 1966, ông trở về thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Ngoài những bài hát nổi tiếng, Phó Đức Phương còn viết nhạc cho nhiều bộ phim, nhiều tác phẩm sân khấu. Năm 2001, ông được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Trước khi vào học ở Trường Âm nhạc Việt Nam, Phó Đức Phương “thọ giáo” ba người thầy, ba nhạc sỹ là Duy Quang, Hồng Đăng và La Thăng. “Người ta thường nói đến năng khiếu, đến tài hoa… Nhưng tôi cho rằng đó là cái MỆNH ! Có tài hoa mà trời không CHO, không BẮT phải làm thì cũng khó mà làm được, khó mà thành được…", nhạc sỹ thổ lộ.

MỚI - NÓNG