Người hát chầu văn qua hai thế kỷ

Nghệ nhân chầu văn Nguyễn Văn Tuất
Nghệ nhân chầu văn Nguyễn Văn Tuất
TP - Chúng tôi đến làng Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội để “thỉnh” nghệ nhân chầu văn Nguyễn Văn Tuất. Ông vốn là người có tiếng tăm trong làng hát văn đất Hà Thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, cho đến tận bây giờ.

Tôi chưa từng được gặp cụ, nhưng giọng hát thì đã quen lắm. Những video cụ hát văn ngày nay có thể tìm thấy khá dễ dàng trên mạng. Các cụ bảo “trót yêu nhau lắm phải tìm đến nhau” hẳn không chỉ có cái ý nói về tình yêu trai gái. Văn nghệ dân gian - thứ “máu của dân gian”, “hồn của quần chúng” một khi đã làm ta say thì hẳn là phải lăn vào mà dò tìm cho đến ngọn nguồn lạch sông, khi ấy mới chịu yên.

Xuống xe bus mạn Kim Giang, xe máy đi thêm một thôi đường, chúng tôi rời xa chốn đông đúc đi vào đất Tả Thanh Oai. Căn nhà chúng tôi tìm đến nằm cuối con ngõ nhỏ. Khoảnh sân nhỏ lát gạch đỏ, ngoài rìa trồng đôi cau lùn đang độ trổ buồng. Ấn tượng với gian thờ gia tiên có kê chiếc phản gỗ óng nước thời gian và bộ tràng kỷ trải qua nhiều thăng trầm sóng gió, gỗ bạc phếch, đôi chỗ sứt sẹo.

Cụ Nguyễn Văn Tuất sinh đầu Giáp Tuất nên được mẹ cha đặt thành tên. Anh trai là cụ Nguyễn Văn Hiếu đã lên đền Bắc Lệ để học hát văn, rồi về truyền dạy cho em mình – năm đó chừng 13,14 tuổi. Cả hai anh em cụ đều trở thành những cung văn nức tiếng đương thời.

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tuất nhiều đời sống ở làng Nhân Hòa, xưa thuộc Nguyễn Giáp - một trong hai giáp khoa bảng ở vùng Tả Thanh Oai. Cụ Tuất và anh mình theo truyền thống gia đình cũng tiếp thu Hán học từ nhỏ. Phải chăng, đây chính là một trong những yếu tố làm nên thành công của nghệ nhân Nguyễn Văn Tuất. Bởi lẽ trong Đạo Mẫu, nghệ nhân hát văn giỏi luôn đồng thời là người tinh thông chữ nghĩa để trước tiên có khả năng tường tận ý tứ câu văn, sau nữa là học được các khoa cúng để trở thành pháp sư trong các nghi thức hầu Thánh. Cụ Tuất năm nay đã 88 tuổi ta, nhưng dáng người cao, lưng thẳng, mái tóc bạc phơ vẫn dày, và đặc biệt làn da hồng hào, giọng nói khỏe khoắn khiến ai không biết ngỡ cụ trẻ hơn đến hàng chục tuổi. Chất giọng ấy, khi cất lên câu hát thật rền, thật vang, gọi là giọng thổ đồng.

Người dẫn đường của tôi vốn là chỗ quen biết cũ, đã từng nhiều lần hầu chuyện cụ, bởi cái cơ duyên ấy nên cuộc nói chuyện ngay từ đầu đã mang không khí thân mật. Cụ Tuất cho biết, sở dĩ cụ và anh trai sớm tìm tới nghệ thuật chầu văn là bởi gia đình cụ đã thờ điện đến đời cụ là đời thứ 3. Từ thuở bé các cụ đã được chứng kiến những vấn hầu, nghe tiếng đàn điệu hát tại điện nhà. Những giai điệu ngấm sâu trong tâm hồn từ thuở ấu thơ.

Câu chuyện và không gian như gọi lời ca, tôi liền thưa với cụ cái nguyện vọng được nghe cung đàn tiếng hát trứ danh. Cụ vui vẻ nhận lời, dặn chúng tôi ngồi đợi. Người dẫn đường của tôi ngầm tiết lộ, rằng sau đây chúng tôi sẽ được thưởng thức một màn trình diễn có thể coi là “xưa nay hiếm”. Một lát, ông cụ đi từ gian nhà ngang lên, mang theo cây đàn nguyệt và bộ tiu cảnh. Tôi lấy làm lạ, cụ chỉ có một mình, cảnh kia sẽ có ai phối hợp cùng đây?

Ông cụ ngồi xuống chiếu, thong thả nhấp thêm vài ngụm trà. Cảnh và dùi để trên chiếu phía bên tay trái, cây đàn nguyệt dựa lên người. Cụ bảo cây đàn này đã đi theo cụ đến mấy chục năm, thân thiết như con, như bạn. Vẫn là xếp bằng nhưng chân phải ông cụ gác lên đùi bên kia, để bàn chân phải thõng xuống cách mặt chiếu chừng hơn chục phân. Điều tôi thắc mắc nãy giờ đến đây đã tỏ. Thì ra ở người nghệ sĩ bậc thầy này, tài hoa không chỉ giọng hát trời ban, đôi bàn tay với những ngón nhấn, ngón vê xuất thần mà còn từ đôi chân có thể thay cho một người phối hợp.

Thoáng chốc, người nghệ sĩ như không còn ở trong cõi thực. Ông cụ cất giọng bằng đoạn văn thỉnh công đồng. Đôi mắt hiền từ nhìn đăm đăm về một cõi xa xôi. Chất giọng thổ đồng vang, rền quyện với tiếng đàn, tiếng cảnh khiến người nghe như bị thôi miên ngay tự phút đầu. Những ngón tay đan múa trên hai sợi dây đàn, ngón khảy, ngón rung, ngón nhấn, ngón luyến, ngón rền… được kết hợp khéo léo khiến dòng suối âm thanh khi thăng khi trầm, khi ngân nga khi đứt đoạn hòa với tiếng tiu cảnh được điều khiển bằng chân tài tình tạo nên âm hưởng thật mênh mang, ảo diệu.

Người hát chầu văn qua hai thế kỷ ảnh 1 Nghệ nhân chầu văn Nguyễn Văn Tuất
Hát xong, cụ lại chia sẻ với chúng tôi, hành trình gắn bó với cung đàn điệu hát của cụ tính đến nay đã hơn 70 năm, bắt đầu từ chỗ đi theo, học lỏm, đến năm 25 tuổi thì chính thức thành nghề. Suốt mấy chục năm ấy, chỉ có một khoảng thời gian ngắn (từ 1964 đến 1968), cụ không đi hát bởi ràng buộc về công tác. Nhưng từ năm 1968 trở đi, duyên nợ với chầu văn, với Phật Mẫu đã đưa cụ quay trở lại cho đến tận bây giờ. Và trong suốt quá trình ấy, cụ luôn luôn tâm niệm một điều “Phật Thánh luôn ở trên đầu”.

Điều này nghe có vẻ hết sức bình thường, bởi lẽ phàm là người đi hát câu ca dâng Thánh, có ai mà không tôn sùng Phật Thánh? Ấy thế mà chuyện này lại thực đáng bàn. Vài chục năm trở lại đây, đặc biệt từ khi Đạo Mẫu Tam phủ và hát chầu văn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bầu không khí mới cho các hoạt động thực hành tôn giáo cũng như các hoạt động liên quan đến bảo tồn, phát huy nghệ thuật chầu văn đã được hình thành. Những cuộc thi, những liên hoan chầu văn được tổ chức ở nhiều tỉnh thu hút các giọng ca, tay đàn ở mọi miền đất nước. Dùng câu “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” nghĩ cũng không có gì là không phù hợp vậy. Dẫu thế, phàm là cái “đa” hẳn sẽ thiếu cái “tinh”, phàm là trào lưu thì hẳn nhiều khi sẽ kém phần uyên áo.

Chưa bao giờ tín ngưỡng Tứ Phủ cũng như hát chầu văn lại đứng trước một tình hình phức tạp như hiện tại. Nhiều người tham gia vào nghi lễ như tham gia một thứ trò vui, thậm chí coi Đạo như một nơi để thể hiện độ “chịu chơi”, thể hiện sự giàu sang hoặc là chỗ để cầu mong đạt được tiền tài, danh vọng. Cũng như thế, trong giới chầu văn không ít người chỉ dựa vào chuyện có đôi chút giọng mà cất lên câu ca trong khi không hiểu gì về Đạo, không đọc nổi một lá sớ, không hiểu nghĩa một câu văn. Họ hát, đơn thuần vì hai chữ kim tiền, bám vào chút tài lẻ để mưu sinh, sẵn sàng ca những bản văn không chính thống hoặc theo kiểu “nịnh đồng” – cốt để người đang hầu cảm thấy vui thích và cho nhiều “lộc”.

Trời càng về trưa ông cụ càng say câu hát, ngón đàn. Suốt bữa trưa hôm ấy cho đến tận chiều, chúng tôi còn thỉnh giáo cụ nhiều điều, cả việc đời, việc đạo. Khi bóng râm đã chờm kín khoảng sân, chúng tôi xin phép cáo từ. Cụ tiễn mấy anh em, không quên hẹn ngày gặp gỡ ở một vấn hầu sau đấy mấy hôm. Câu chuyện có lẽ chưa bao giờ tận…

MỚI - NÓNG